Bất chấp đại dịch, đang ngày càng nhiều nữ sinh Trung Quốc lựa chọn đi du học.
Du học là con đường “bay cao ước mơ” được chị em Gen Z tin tưởng nhất.
Du học là con đường “bay cao ước mơ” được chị em Gen Z tin tưởng nhất.

Tại các trường đại học ở Úc, lượng nữ sinh quốc tế người Trung Quốc cao hơn nam sinh bình quân 4%. Tại nhiều trường đại học ở phương Tây, số lượng nữ sinh cũng áp đảo nam sinh.

Tân thời lần 2

“Cha tôi từng hỏi, con định sống ở Thành Đô mãi mãi hay là có ước mơ riêng? Nếu quyết định ở Thành Đô thì sau khi tốt nghiệp, con sẽ làm việc luôn tại đây, kiếm một tấm chồng và làm người phụ nữ có gia đình. Còn nếu có ước mơ khác, con được phép theo đuổi”, Suyin, du học sinh Trung Quốc nhập học ở Melbourne, Úc chia sẻ.

Trước khi được cha mở lời, Suyin chưa suy nghĩ gì đến tương lai. “Sau khi nghiền ngẫm những gì cha nói, tôi nhận ra mình không muốn cuộc sống đơn điệu, lấy chồng rồi làm mẹ như bao phụ nữ khác. Trái lại, tôi muốn được bay nhảy, đi xa, nhìn hết thế giới này”, Suyin nói tiếp. Câu chuyện của cô đại diện cho trào lưu mới đang lên ở Trung Quốc: Phụ nữ Tân thời (New Women).

Nửa đầu thế kỷ XX, Trung Quốc từng nở rộ phong trào Phụ nữ Tân thời, nên gọi trào lưu hiện tại là Tân thời lần II. Nhân vật chính của Tân thời lần II là chị em Gen Z (1997 – 2012). Họ lớn lên trong môi trường giáo dục bình đẳng với nam giới, được khuyến khích có ước mơ và ủng hộ theo đuổi ước mơ.

Một trong các con đường hiện thực hóa giấc mơ rõ nét nhất là du học phương Tây. Theo ghi nhận, số lượng sinh viên quốc tế người Trung Quốc đang gia tăng nhanh chóng, áp đảo số lượng nam sinh. Phụ nữ Gen Z thành thị được cha mẹ thoải mái tài trợ, tha hồ bay nhảy. Phụ nữ Gen Z nông thôn cũng được phụ huynh đầu tư, tạo điều kiện cho “bằng chúng bạn” bằng cách du học nước ngoài.

Căn nguyên sự ưu ái này có lẽ do chính sách 1 con. Hầu hết phụ nữ Gen Z đều là con một, lớn lên trong môi trường bao bọc và hưởng quyền giáo dục như nam giới Gen Z. Họ sớm xây dựng cá tính, kỹ năng, tư duy độc lập… sẵn sàng bay cao, vươn xa, cạnh tranh và phát triển.

Phụ nữ Gen Z 'bay xa' ảnh 1

Ngay cả với bằng cấp nước ngoài, phụ nữ vẫn bị chèn ép trong tuyển dụng.

Cá nhân, tự chủ

Thực tế tại Trung Quốc, phụ nữ bị phân biệt giới tính trong thị trường việc làm. Các nhà tuyển dụng có xu hướng ưu tiên tuyển nam giới cùng trình độ, nhằm tránh… chế độ thai sản. Một số công ty còn yêu cầu nhân viên nữ viết cam kết không mang thai trong hạn thời gian nào đó, hoặc chấp nhận nghỉ thai sản không lương. Phụ nữ chỉ có 2 lựa chọn: Chấp nhận sự bất bình đẳng hoặc học tiếp, lấy trình độ bằng cấp cao hơn cạnh tranh.

Bắt đầu từ năm 2015, nhà nghiên cứu Fran Martin (Úc) tiến hành dự án phân tích trào lưu Tân thời lần II. Đối tượng của bà là nữ sinh viên quốc tế người Trung Quốc ăn học tại Úc. Trong vòng 5 năm (2015 – 2020), Martin tiếp xúc và theo dõi chặt chẽ 50 người tình nguyện từ 8 trường, kết hợp phỏng vấn thêm những nữ sinh khác. Cuối cùng, bà hoàn thành quyển sách viết về trải nghiệm du học của họ, Bay cao Giấc mơ: Cuộc sống của nữ du học sinh Trung Quốc ở phương Tây (Dreams of Flight: The Lives of Chinese Women Students in the West).

Qua thời gian dài tìm hiểu, Martin xác định được con đường “bay cao giấc mơ”, tựu trung đó là định hướng nguyện vọng, quyết tâm du học, nỗ lực lấy bằng cấp thạc sĩ hoặc tiến sĩ, lập nghiệp, du lịch khắp thế giới. Gói gọn lại thì Tân thời lần II đồng nghĩa với “bay nhảy hết toàn cầu”.

Phụ nữ Gen Z được trang bị trình độ và có tiềm năng. Chỉ cần có sự quyết tâm, họ hoàn toàn làm chủ bản thân. “Tôi du học với đầy áp lực, trong đó có cả kỳ vọng của cha mẹ”, Ying, sinh viên quốc tế cao học cũng ở Melbourne chia sẻ. Tuy nhiên, sau 4 năm ở Úc, cô đã thay đổi triệt để.

“Cha tôi kêu ca rằng, tôi không còn tham vọng nữa. Bạn bè bằng tuổi tôi ở nhà đang vật lộn kiếm việc, mua nhà, xây dựng gia đình, nhưng tôi thì cứ như thể “nước còn xa mới đến chân”. Tôi không cảm thấy vội vàng gì cả. Nếu tôi có bạn trai và anh ấy cũng yêu thương, muốn kết hôn với tôi thì chắc là tôi cũng đồng ý lấy thôi. Tuy nhiên, cố kiết mua bằng được 1 ngôi nhà và ở yên một chỗ thì không”, Ying nói.

Điều quan trọng nhất với Ying hiện tại là được làm chính mình. Cô chỉ quan tâm mong muốn, suy nghĩ của bản thân, theo đuổi những gì mình thích.

Phụ nữ Gen Z 'bay xa' ảnh 2

Lượng nữ sinh Trung Quốc du học áp đảo nam sinh.

Vẫn còn áp lực

Quan sát cuộc sống thường nhật của nữ du học sinh người Trung Quốc, Martin nhận ra họ cởi mở về mọi mặt so với chị em cùng tuổi ở quê nhà. Có điều, sau khi tốt nghiệp cao học, phần lớn các chị em vẫn phải về lại Trung Quốc và đối mặt với thách thức, trong đó có 3 thách thức lớn.

Đầu tiên vẫn là xin việc. Trong thực trạng thừa cử nhân, thạc sĩ… thiếu việc làm hiện tại, bằng cấp nước ngoài không mang tới sức mạnh đè bẹp như mong đợi. Chưa hết, độ tuổi của các chị em du học về luôn xấp xỉ hoặc đã ngoài 30. Các nhà tuyển dụng không mấy mặn mà với việc tuyển nữ nhân viên trong độ tuổi này. Nguyên nhân cũng vẫn vì “chế độ thai sản”.

Thách thức thứ 2 là kết hôn. Xã hội Trung Quốc không chỉ chê “gái ngoài 25 tuổi”, mà còn ngại “gái học cao”. Các chị em muốn xây dựng tổ ấm gặp khó khăn trong việc tìm đối tượng.

Thứ 3 là quyết định cách sống. Càng độc lập, tự chủ bao nhiêu, các chị em càng mâu thuẫn với áp đặt “phụ nữ truyền thống” bấy nhiêu. Nó đi ngược với kỳ vọng của cha mẹ, xã hội, làm nảy sinh xung đột và có khả năng đi đến kết thúc xấu.

 Xã hội Trung Quốc vẫn đặt nặng quan niệm “đàn bà nội trợ”, xem nhẹ phụ nữ trong độ tuổi kết hôn mà chưa lập gia đình. Đối với chị em Gen Z, du học không chỉ mang tới cơ hội cạnh tranh việc làm tốt hơn, mà còn giải thoát áp lực kết hôn sớm. Vì thế, họ thích và chạy đua du học nước ngoài.
Theo Sixthtone/GD&TĐ