Theo Bộ Giáo dục Nhật Bản, vào năm 2020, khi đại dịch COVID-19 khiến trường học phải đóng cửa và làm gián đoạn chương trình giảng dạy, đã có 415 trẻ em từ độ tuổi tiểu học đến trung học được ghi nhận là đã tự sát. Hôm 14/10, tờ Asahi tiết lộ con số này tăng gần 100 so với năm 2019, đạt mức cao nhất kể từ năm 1974.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục công bố, trong năm 2020, có đến hơn 196.127 trẻ em nghỉ học từ 30 ngày trở lên. Đây là mức tăng kỷ lục giữa đại dịch COVID-19 (tăng 14.855 lượt so với năm 2019).
Các trường hợp bắt nạt trong học đường (bao gồm cả các trường trung học và những trường dành cho học sinh có nhu cầu đặc biệt) đã giảm từ giảm từ 95.333 vụ (số liệu hồi tháng 3/2021) xuống còn 517.163 vụ, đánh dấu mức giảm đầu tiên kể từ năm tài chính 2013.
Kết quả phần nào cho thấy những thay đổi trong môi trường học đường và gia đình do đại dịch đã có tác động rất lớn đến hành vi của trẻ em.
Bộ Giáo dục cho biết: "Việc đóng cửa trường học vào mùa xuân năm 2020 (do đại dịch) đã làm gián đoạn nhịp sống và khiến tình trạng nghỉ học tăng lên, nhưng điều đó cũng làm giảm cơ hội giao tiếp trực diện dẫn đến bắt nạt".
Nhằm ngăn chặn tình trạng học sinh trở nên quá cô lập, chính phủ Nhật đã có kế hoạch mở rộng dịch vụ tư vấn tại các trường học.
|
Đại dịch dường như đang khiến tỷ lệ tự sát ở lứa tuổi học sinh tại Nhật Bản gia tăng trở lại |
Tại Nhật Bản, từ lâu đời tự tử được xem như một cách để tránh sự xấu hổ hoặc nhục nhã, và tỷ lệ tự tử của nước này từ lâu đã đứng đầu nhóm 7 cường quốc kinh tế thế giới. Dù vậy, nỗ lực quốc gia đã giúp đưa con số giảm khoảng 40% trong 15 năm, bao gồm 10 năm giảm liên tiếp kể từ 2009.
Vào năm 2020, khi đại dịch bùng phát, các vụ tự tử gia tăng sau một thập kỷ giảm liên tiếp. Đại dịch khiến phụ nữ Nhật Bản tự tử nhiều hơn do họ phải đối diện với áp lực mất việc, bị cô lập trong nhà, gánh nặng gia đình, căng thẳng về tình cảm và tài chính. Ngược lại, tỷ lệ nam giới tự sát có xu hướng giảm dần.
Theo phunuonline.com.vn