Theo India Times, Dia Mirza - Hoa hậu Châu Á Thái Bình Dương Quốc tế năm 2000 - là người ủng hộ mạnh mẽ phong trào nữ quyền, thường xuyên lên tiếng trước những vấn đề nhức nhối về giới trong xã hội Ấn Độ.

Chia sẻ hôm 11/5 của minh tinh tiếp tục là lời tố cáo rằng thị trường phim ảnh từng được định giá 2,4 tỷ USD "tồn tại sự phân biệt giới tính thô bạo".

Cô khẳng định: "Ngành công nghiệp phim ảnh chủ yếu do nam giới lãnh đạo. Bởi vậy, không thể tránh khỏi sự gia trưởng và phân biệt giới tính. Tôi nghĩ đó không phải thực trạng phân biệt có ý thức, bởi có rất nhiều đàn ông là nhà văn, đạo diễn, diễn viên không nhận thức được suy nghĩ phân biệt trong chính con người họ".

Thực tế trọng nam khinh nữ tại showbiz Ấn Độ

Trả lời phỏng vấn tờ Hindustan Times, Dia Mirza tiết lộ rằng cô đã làm việc với những người là một phần của nền điện ảnh phân biệt giới tính.

Năm 2001, Mirza mới 20 tuổi và đã nhận thức rõ tư tưởng trọng nam khinh nữ trong quá trình tham gia bộ phim Rehnaa Hai Terre Dil Mein. Cô hồi tưởng: "Tất cả đều chung suy nghĩ phân biệt giới tính. Tôi vô tình bị vướng vào vòng quay ấy. Trong đoàn phim Rehnaa Hai Terre Dil Mein, kể cả nghệ sĩ trang điểm cũng phải là đàn ông, chỉ thợ làm tóc mới là phụ nữ".

Từ ngày đi đóng phim, Mirza thấy chỉ khoảng 4 hoặc 5 phụ nữ góp mặt trong các đoàn phim có từ 120 đến 180 người. Cô cho rằng vai trò của phụ nữ đối với quá trình tạo nên thành công của các tác phẩm là quá ít ỏi.

showbiz An Do phan biet gioi tinh anh 2

Vì là phụ nữ, Neena Gupta thường chỉ được giao cho vai phản diện. Ảnh:Scroll.

Minh tinh gạo cội Neena Gupta thì cho rằng tại Bollywood, không có nhiều cơ hội để các nữ diễn viên chứng minh sự đa dạng. Đa phần vai diễn của họ đều bị rập khuôn.

"Tôi có một đứa con ngoài giá thú. Điều đó nói lên rằng tôi là mẫu phụ nữ mạnh mẽ, sống phi truyền thống. Nhưng thuở xưa, một phụ nữ mạnh mẽ như tôi chỉ có thể vào dạng vai ác độc như ma cà rồng. Tôi đã khép lại sự nghiệp chỉ bằng những vai phản diện". Gupta chia sẻ trên Idiva.com.

Diễn viên Frieda Pinto nổi danh với bộ phim Slumdog Millionaire - Triệu phú ổ chuột. Nhưng trước khi chạm đến thành công, cô cũng từng là nạn nhân của nạn phân biệt giới tính và chủng tộc tại quê hương.

"Frieda đã hết lần này đến lần khác cáo buộc Bollywood mê mẩn diễn viên da trắng. Cô công khai bày tỏ sự ghê tởm về quá trình thử vai cho các bộ phim tại Ấn Độ", Idiva.com cho hay.

Tháng 7/2020, tờ The Huffington Post xuất bản bài viết 10 bộ phim Bollywood phân biệt giới tính nhất thập kỷ, trong đó liệt kê các tác phẩm như Cocktail, Raanjhanaa, Dabangg, Padmaavat, Sanju... Vai trò của phụ nữ trong nhóm tác phẩm rất mờ nhạt, dù họ sắm vai chính trong đa số bộ phim kể trên.

"Vị trí của phụ nữ (Sonakshi Sinha) trong phim giống kiểu những con hổ bị nhốt. Công việc duy nhất của cô ấy là xuất hiện bên cạnh người đàn ông - mà cụ thể là Salman Khan, để anh ta thêm nổi bật hơn trên khung hình", tờ này mô tả về tác phẩm hành động Dabangg.

showbiz An Do phan biet gioi tinh anh 3

Bộ phimPadmaavatlột tả rõ nét những nỗi khổ mà phụ nữ phải chịu đựng.Ảnh: Twitter.

Padmaavat - bộ phim có Deepika Padukone đóng chính - chứa đựng những cảnh phụ nữ thực hiện hành vi Jauhar, tức tự thiêu hàng loạt, hoặc bị hành quyết bởi chồng, cha và anh em của họ.

Hình ảnh tàn khốc này phản ánh thực trạng nhiều phụ nữ Ấn Độ tìm cách giải thoát bản thân khỏi khổ đau, sự tấn công thể xác và bị giam cầm như tội phạm. "Padmaavat lột tả sự kinh hoàng tột độ của bạo lực tình dục, buộc phụ nữ phải chọn cái chết", The Huffington Post bình luận.

"Nói chuyện với phụ nữ, tôi chỉ muốn cô ấy nằm xuống"

Theo The Free Press Journal, Ranveer Singh từng vướng tranh cãi khi phát ngôn khiếm nhã về nữ đồng nghiệp Kareena Kapoor. Anh phát biểu trong chương trình Koffee with Karan nhiều năm trước rằng: "Tôi đến câu lạc bộ bơi lội chỉ để ngắm Kareena. Từ một đứa trẻ, tôi biến thành gã đàn ông trong chốc lát khi thấy cô ấy".

Salman Khan đảm nhận vai tay đô vật lực lưỡng ở phim Sultan (2016). Trong quá trình quảng bá tác phẩm, Khan thản nhiên ví sự mệt mỏi lúc thực hiện các cảnh đòi hỏi thể lực giống như việc "người phụ nữ bị cưỡng hiếp". Phát ngôn bỡn cợt của tài tử từng tham gia 80 bộ phim tiếng Hindi đã khiến anh mất điểm trầm trọng trong mắt khán giả.

showbiz An Do phan biet gioi tinh anh 4

Salman Khan mất điểm sau phát ngôn bỡn cợt phụ nữ. Ảnh:Twitter.

Tiger Shroff bị chỉ trích không đáng mặt đàn ông do công khai xem thường bạn diễn nữ. Lúc được hỏi vai trò của nữ chính trong phim Student of the Year 2, nam diễn viên cho hay: "Tôi không tham gia vào việc tuyển diễn viên và thực sự chẳng quan tâm đến họ. Đó là những khoảng trống cần được lấp đầy xung quanh tôi. Tôi chỉ tập trung vào kịch bản và nhân vật của bản thân".

Được mệnh danh là "Vua của Bollywood", Shah Rukh Khan cũng từng phạm sai lầm đáng tiếc. Tờ India Today cho hay Rukh Khan đã có phát ngôn khiếm nhã tại buổi ra mắt sách tôn vinh các tác giả nữ như sau: "Có thể suy nghĩ của tôi không đúng đắn chính trị, nhưng thực sự lúc nói chuyện với phụ nữ, tôi chỉ muốn họ nằm xuống".

Sanjay Balraj Dutt - ngôi sao đã nhận hai giải thưởng Filmfare - thường xuyên lặp lại câu nói: "Tôi sẽ bẻ gãy chân con gái lớn Trishala nếu con bé bày tỏ mong muốn trở thành diễn viên Bollywood". Trong một bài phỏng vấn, Trishala cũng tiết lộ cha cô không cho phép các con gia nhập ngành công nghiệp phim ảnh, bởi Bollywood vốn tàn khốc và luôn tồn tại sự bất công nhắm vào phái đẹp.

Sự vùng dậy của các nữ nghệ sĩ

Bollywood phần lớn được kiểm soát bởi các gia đình nổi lên từ ba nhóm chủ yếu: người gia nhập điện ảnh từ Punjab trong những năm 1940-1950; diễn viên, đạo diễn và biên kịch đã thành danh vào giai đoạn thập niên 1970; và con cháu của họ.

Vào giai đoạn những năm 1940-1950, các nhà làm phim ở Punjab đã tạo điều kiện nhiều hơn cho các ngôi sao da trắng, thay vì da ngăm. Vai trò của phụ nữ cũng không được nêu bật bằng diễn viên nam (trừ những ngôi sao có mối quan hệ cá nhân).

Thực tế này tiếp diễn đến hôm nay. Có rất nhiều nữ nghệ sĩ đã lên tiếng nhằm đòi lại sự công bằng, đấu tranh vượt qua rào cản năm xưa còn tồn tại.

showbiz An Do phan biet gioi tinh anh 5

Sonam Kapoor Ahuja đòi bình đẳng và quyền lợi cho diễn viên nữ. Ảnh:Cinestaan.

Có hơn 14 năm kinh nghiệm ở Bollywood, Sonam Kapoor Ahuja không ngại đưa ra những yêu cầu xứng đáng với sự xuất hiện của mình. Cô kể trên Hindustan Times: "Tôi đã tự bảo vệ bản thân từ năm 18 tuổi. Tôi sẽ không hợp tác với đạo diễn trả lương cho diễn viên nữ ít hơn đồng nghiệp nam giới. Đó là hành động không đúng về mặt đạo đức".

Người đẹp sinh năm 1985 kêu gọi các diễn viên nữ hãy đoàn kết và từ chối những dự án mang nặng yếu tố phân biệt giới tính. "Cách họ khắc họa phụ nữ trong phim ảnh hoặc lời bài hát là không ổn và cần phải thay đổi. Là phụ nữ, chúng ta đừng đồng thuận với những hành động đó, đừng làm hại chính mình".

Một tay phóng viên đã phạm sai lầm khi hỏi Kangana Ranaut về "tuổi thọ" làm nghề của các nữ diễn viên. Ranaut đã đáp rằng: "Mọi người rất hay hỏi những câu này với phụ nữ, nhưng chẳng bao giờ đề cập với đàn ông. Câu hỏi này vốn dĩ không công bằng".

Theo tạp chí Elle, Anushka Sharma, Sonakshi Sinha, Parineeti Chopra, Deepika Padukone... cũng sẵn sàng phản ứng gay gắt trước những bình luận khiếm nhã về cơ thể phụ nữ.

Trung bình mỗi năm, Bollywood sản xuất từ 1.500 đến 2.000 phim. Nhưng số tác phẩm do các nữ đạo diễn thực hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nguyên nhân có lẽ xuất phát từ định kiến bất thành văn đã ăn sâu vào ngành công nghiệp phim ảnh nước này.

Tuy nhiên, thực tế đó đang dần thay đổi trước sự phát triển của Netflix, Amazon Prime, Disney+, Hotstar, Voot, Zee5, ALTBalaji - các nền tảng trực tuyến nới lỏng phạm vi về câu chuyện và nội dung. Điều đó đồng nghĩa các nhà làm phim phái đẹp hiện có nhiều cơ hội hơn.

Hồi tháng 3/2020, Guilty - bộ phim tiếng Hindi của nữ đạo diễn Ruchi Narain - nằm trong top 10 phim thu hút khán giả Netflix nhất tại Ấn Độ sau khi ra mắt, dù nội dung phim không đi theo công thức thường thấy của Bollywood.

Chia sẻ với truyền thông, Ruchi Narain tâm sự cô đã vượt qua nhiều chỉ trích và chất vấn để hoàn thành tác phẩm này, nhất là khi nội dung phim đề cập đến vấn nạn cưỡng hiếp phụ nữ và tuyên truyền cho phong trào #MeToo.

 

Theo Zing