Nhân viên khử khuẩn nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan tại một khu chợ ở tỉnh Samut Sakhon, Thái Lan. (Ảnh: THX/TTXVN)

 

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, chợ tôm tại tỉnh Samut Sakhon từng là tâm dịch của làn sóng bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lần thứ hai ở Thái Lan đã mở cửa trở lại vào ngày 1/3 sau khi phải ngừng hoạt động từ ngày 19/12/2020.

Sau khi được phép hoạt động trở lại, tất cả những người ra vào khu chợ gồm thương nhân, người mua hàng và những lao động nhập cư đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Xe tải chở hải sản vào chợ, xe của người bán và người mua đều phải qua các điểm kiểm tra sàng lọc.

Tất cả những người trên xe đều được kiểm tra thân nhiệt và phải chứng minh đã được xét nghiệm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Tất cả các lao động nhập cư tại tất cả các cầu tàu nhập cá và tôm phải đeo khẩu trang và trang phục bảo hộ như găng tay, ủng cao su và tạp dề cao su, phù hợp với các tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Các thương nhân và chủ vựa tôm cá đều bày tỏ vui mừng vì chợ đã mở cửa trở lại, đồng thời bày tỏ hy vọng kinh tế của Samut Sakhon sẽ sớm phục hồi.

Hơn 10 tuần trước đây, khu chợ hải sản này là tâm điểm của đợt bùng phát COVID-19 mới sau đó đã lây lan ra hầu hết các tỉnh thành của Thái Lan. Tính đến nửa đêm 28/2, tỉnh này đã ghi nhận tổng cộng 16.377 ca mắc COVID-19, trong đó có 7 trường hợp tử vong.

Về tình hình COVID-19 tại Thái Lan, quốc gia Đông Nam Á này ngày 1/3 ghi nhận thêm 80 ca mắc mới, nâng tổng số trường hợp nhiễm bệnh lên 26.031 ca, trong đó có 83 người tử vong.

Trước đó một ngày, Thái Lan đã chính thức khởi động chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19, với mũi tiêm đầu tiên được thực hiện đối với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul tại Viện các bệnh truyền nhiễm Bamrasnaradura tỉnh Nonthaburi.

Loại vắcxin được tiêm cho ông Anutin là CoronaVac của Trung Quốc do Sinovac Life Sciences phát triển, có thể sử dụng cho những người trong độ tuổi từ 18 đến 59. Tiếp theo ông Anutin, nhiều quan chức cấp cao Thái Lan và một số nhân viên y tế đã lần lượt được tiêm vắcxin.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cũng có mặt tại lễ khởi động chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 nhưng không tiêm vắcxin do đã vượt quá độ tuổi quy định của vắcxin CoronaVac.

Bộ Y tế sẽ hoàn tất các thủ tục giấy tờ cũng như kiểm tra chất lượng lô vắcxin của hãng dược phẩm AstraZeneca trước khi sử dụng vắcxin này tiêm cho Thủ tướng Prayut. Chi nhánh AstraZeneca tại Thái Lan cho biết việc kiểm tra chất lượng bắt buộc của nhà nước đối với lô vacicne đầu tiên của họ sẽ được hoàn thành vào tuần thứ hai của tháng 3.

Chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 ở Thái Lan được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên, với số lượng vắcxin hạn chế, sẽ sẽ được chuyển đến 13 tỉnh có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất, có ý nghĩa kinh tế lớn nhất hoặc cả hai, với đối tượng ưu tiên là các nhân viên y tế, người có bệnh mãn tính và người cao tuổi.

Các tỉnh có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất là Samut Sakhon (vùng kiểm soát COVID-19 chặt chẽ và tối đa) và 8 tỉnh nằm trong vùng kiểm soát COVID-19 là Bangkok (phía Tây), Pathum Thani, Nonthaburi, Samut Prakan, Tak (huyện Mae Sot), Nakhon Pathom, Samut Songkhram và Ratchaburi. Bốn tỉnh quan trọng về mặt kinh tế là Chon Buri, Phuket, Surat Thani (bao gồm cả Koh Samui) và Chiang Mai.

Lô vắcxin đầu tiên gồm 200.000 liều của Sinovac tới Thái Lan ngày 24/2. Phát biểu tại lễ bàn giao tại sân bay quốc tế Suvarnabhumi, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha nhấn mạnh “hôm nay là một ngày lịch sử” với việc tiếp nhận lô vắcxin đầu tiên. Chính phủ đã cố gắng hết sức để nhận vắcxin theo đúng lịch trình.

Nếu không có sự cố ngoài ý muốn, các lô vắcxin tiếp theo sẽ đến theo đúng kế hoạch và Thái Lan sẽ có đủ vắcxin để đạt miễn dịch cộng đồng.

Lô hàng này là một phần của đơn đặt hàng 2 triệu liều vắcxin với tổng giá trị 1,2 tỉ baht (khoảng 40 triệu USD) mà Chính phủ Thái Lan đặt mua từ Sinovac. Dự kiến, 800.000 liều tiếp theo sẽ đến Thái Lan trong tháng 3 và 1 triệu liều còn lại sẽ được bàn giao trong tháng 4. Thái Lan cũng đã tiếp nhận 117.000 liều vắcxin từ công ty đa quốc gia AstraZeneca của Anh-Thụy Điển.

Dự kiến, những liều vắcxin còn lại dành cho người Thái Lan vào năm 2021 sẽ là vắcxin của AstraZeneca do công ty Siam Bioscience sản xuất tại địa phương, có sẵn từ tháng 6 đến tháng 8 (26 triệu liều) và từ tháng 9 đến tháng 12 (35 triệu liều).

Trong số 317.000 liều vắcxin từ hai công ty nói trên, 66.000 liều từ Sinovac và 30.000 liều từ AstraZeneca sẽ được dành cho thủ đô Bangkok.

Thống đốc Bangkok Aswin Kwanmuang cho biết ông tin rằng chính phủ sẽ có thể cung cấp 60 triệu liều vắcxin cho người dân Bangkok. Các công ty tư nhân muốn tự nhập khẩu vắcxin phải xin phép Bộ Y tế.

Theo Vietnamplus