Thế giới khẩn trương chủng ngừa COVID-19 cho trẻ 5 - 11 tuổi
Cập nhật lúc 21:35, Thứ tư, 09/02/2022 (GMT+7)
Tuy ít chịu ảnh hưởng bởi COVID-19, trẻ em vẫn có thể phát triển ca bệnh nặng và cần điều trị tích cực, đặc biệt trong làn sóng lây nhiễm do biến thể Omicron. Do đó, nhiều nước đang đẩy nhanh tiêm chủng cho trẻ từ 5 - 11 tuổi.
|
|
Phụ huynh dắt trẻ đi tiêm vắc xin COVID-19 của Pfizer ở Kuala Lumpur, Malaysia hôm 3/2 - Ảnh: Reuters |
Vắc xin an toàn và hiệu quả
Mặc dù ca bệnh nặng do nhiễm COVID-19 ít xảy ra hơn ở trẻ em so với người lớn, trẻ em vẫn có thể nhập viện và thậm chí cần được chăm sóc đặc biệt (ICU) khi một số ít trường hợp phát triển hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C). Bên cạnh đó, các biểu hiện của hội chứng COVID-19 kéo dài ở trẻ em vẫn chưa được xác định đầy đủ, ngay cả khi tỷ lệ gặp phải được cho là thấp hơn so với người lớn.
Vào tháng 1/2022, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến nghị mở rộng việc sử dụng vắc xin COVID-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi. Liều lượng khuyến cáo cho nhóm trẻ này là 10 microgram thay vì 30 microgram như ở nhóm từ 12 tuổi trở lên.
Nhìn chung, vắc xin dành cho trẻ em của Pfizer có hiệu quả cao trong việc kích hoạt kháng thể trong các thử nghiệm lâm sàng và đạt hiệu quả 91% trong việc chống lại ca nhiễm COVID-19 có triệu chứng. Sản phẩm dựa trên công thức mới giúp kéo dài thời hạn sử dụng. Dữ liệu thử nghiệm lâm sàng của Pfizer cho thấy trẻ nhỏ gặp ít tác dụng phụ hơn so với thanh thiếu niên hoặc thanh niên.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã khuyến nghị tiêm vắc xin cho trẻ 5 - 11 tuổi từ tháng 11/2021. Trước đó, phần lớn các cuộc thảo luận của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) và CDC tập trung vào việc cân nhắc lợi ích của vắc xin trước nguy cơ tiềm ẩn về chứng viêm cơ tim - một tác dụng phụ hiếm gặp. Trong khi tỷ lệ chính xác của viêm cơ tim sau khi tiêm vắc xin ở trẻ 5 - 11 tuổi vẫn chưa rõ ràng, hiếm có trường hợp nào xảy ra trong thử nghiệm lâm sàng.
Các cố vấn của CDC kết luận nguy cơ viêm cơ tim ở trẻ nhỏ “thấp hơn” so với thanh thiếu niên. Trên thực tế, Pfizer đã nghiên cứu độ an toàn của vắc xin ở khoảng 3.100 trẻ em, mà theo các quan chức FDA là lớn hơn hầu hết các nghiên cứu thường được sử dụng để cấp phép cho các loại vắc xin ở trẻ em. Ngoài ra, giám sát an toàn ở hơn 11 triệu trẻ em ở Mỹ và Canada hiện đã được tiêm chủng đầy đủ cũng không cho thấy vấn đề an toàn đáng chú ý nào.
Các nước đẩy mạnh tiêm chủng
Tại Mỹ, tính đến đầu tháng Hai, chỉ 31% trẻ em từ 5 - 11 tuổi tại Mỹ đã tiêm phòng COVID-19, thấp hơn nhiều so với mức 75% của tổng dân số. Nhiều phụ huynh ngại cho con em tiêm chủng vì lo lắng rằng vắc xin được sản xuất và triển khai tiêm trong thời gian ngắn, thiếu thử nghiệm. Thế nhưng, thực tế là việc nghiên cứu vắc xin coronavirus đã được tiến hành từ đợt bùng phát dịch SARS-CoV-1 vào năm 2003. Nhu cầu vắc xin COVID-19 cũng cấp bách hơn vì có rất nhiều người mắc bệnh và tử vong. Vậy nên dù vắc xin được phát triển nhanh chóng, tất cả các bước thông thường để phê duyệt vắc xin đều diễn ra đầy đủ, bao gồm cả các thử nghiệm lâm sàng với số lượng người tham gia lớn từ nhiều quốc gia.
Nhiều quốc gia tại Đông Nam Á đang đẩy mạnh tiêm chủng cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi. Tại thủ đô Manila của Philippines hôm 7/2, nhiều hoạt động thu hút trẻ em chẳng hạn như các nghệ sĩ tạo hình thanh kiếm và mô hình từ bóng bay trong lúc các siêu anh hùng như người sắt, người nhện… chụp ảnh với trẻ em sau khi các em nhận mũi vắc xin COVID-19.
Đại dịch đã buộc các trường học ở nước này đóng cửa gần hai năm và trẻ em mắc kẹt trong nhà theo lệnh giãn cách. “Con tôi đã ở nhà hai năm nên cần ra ngoài và gặp gỡ bạn bè. Sau khi con tôi tiêm đủ liều quy định, chúng tôi có thể cảm thấy an toàn và thư giãn để cho con quay trở lại cuộc sống bình thường”, Marissa Say - một phụ huynh - chia sẻ sau khi cho con trai tiêm vắc xin.
Philippines đang tìm cách tiêm chủng cho 15 triệu trẻ em, nhiều biện pháp khuyến khích trẻ tiêm chủng được tổ chức chẳng hạn các chuyến đi chơi tại sở thú. Tương tự, Malaysia đã khởi động chương trình chủng ngừa COVID-19 cho trẻ từ 5 - 11 tuổi từ ngày 3/2, nhằm bảo vệ những công dân nhỏ tuổi nhất. Trong sáu tháng qua, 147.282 trẻ em từ 5 - 11 tuổi tại Malaysia đã nhiễm COVID-19, với 26 trẻ tử vong.
Ở nước láng giềng Singapore, trẻ em trong lứa tuổi trên có thể đến mọi trung tâm tiêm chủng dành cho trẻ em để tiêm mũi vắc xin đầu tiên mà không cần hẹn trước, trừ dịp cuối tuần. Tính đến ngày 23/1, gần 160.000 trẻ em từ 5 - 11 tuổi ở đảo quốc sư tử đã tiêm liều vắc xin COVID-19 đầu tiên, và hơn 13.000 trẻ đã tiêm liều thứ hai.
Theo phunuonline