|
|
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan tiếp ông Takebe Tsutomu, Chủ tịch Hiệp hội NAGOMi, Cố vấn cao cấp Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật-Việt. (Ảnh: Molisa). |
Hơn 60 nghìn lao động, thực tập sinh Việt Nam đã sang Nhật Bản
Hiện nay, thực tập sinh và lao động Việt Nam đã trở lại Nhật Bản với một con số đáng ghi nhận. Cụ thể, theo số liệu thống kê đến ngày 31/10, hơn 60 nghìn lao động và thực tập sinh Việt Nam đã sang Nhật Bản, chiếm gần 50% tổng số người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài.
Đây là thông tin được Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan chia sẻ tại buổi tiếp ông Takebe Tsutomu, Chủ tịch Hiệp hội NAGOMi, Cố vấn cao cấp Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật-Việt, ngày 9/12 tại Hà Nội.
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết, vấn đề hợp tác trong lĩnh vực lao động, đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là các chính sách liên quan đến thực tập sinh và lao động đặc định được Chính phủ hai nước rất quan tâm.
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan đề nghị phía Nhật Bản xem xét điều chỉnh các chính sách về lao động, bảo đảm quyền lợi của thực tập sinh, lao động Việt Nam sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, trong đó xem xét cải thiện điều kiện, môi trường làm việc, sinh hoạt, mức thu nhập của lao động, thực tập sinh Việt Nam như đang áp dụng đối với người lao động Nhật Bản cùng trình độ. Bên cạnh đó, xem xét giảm thời gian phê duyệt hồ sơ, thủ tục cấp chứng nhận tư cách lưu trú, visa để tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều lao động, thực tập sinh Việt Nam nhập cảnh vào Nhật Bản.
Thứ trưởng đề nghị Nhật Bản xem xét việc miễn thuế cư trú, thuế thu nhập đối với người lao động, thực tập sinh Việt Nam như phía Nhật Bản đang áp dụng cho một số nước phái cử khác.
Đồng thời, Thứ trưởng đề nghị Nhật Bản chỉ đạo, hướng dẫn các đoàn thể quản lý, chủ sử dụng lao động thực hiện nghiêm việc thanh toán phí quản lý, phí phái cử, phí hỗ trợ đào tạo cho doanh nghiệp phái cử, giúp người lao động giảm tối đa chi phí trước khi xuất cảnh, góp phần thu hút được nhiều ứng viên lao động đi làm việc tại Nhật.
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan đề nghị Nhật Bản xem xét việc miễn thuế cư trú, thuế thu nhập đối với người lao động, thực tập sinh Việt Nam như phía Nhật Bản đang áp dụng cho một số nước phái cử khác.
Chia sẻ tại buổi tiếp, ông Takebe Tsutomu, Chủ tịch Hiệp hội NAGOMi, Cố vấn cao cấp Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật-Việt cho biết, Quốc hội và Chính phủ Nhật Bản cũng rất quan tâm và đang nghiên cứu các giải pháp cho vấn đề lao động đặc định và thực tập sinh.
Ông Takebe Tsutomu hy vọng, thời gian tới có thể thu hút, tuyển dụng được nhiều thực tập sinh Việt Nam trẻ tuổi và thực sự muốn nâng cao kỹ năng, phát triển bản thân tới làm việc tại Nhật Bản.
Giữ ưu thế thị trường số 1 với lao động Việt Nam
Nhật Bản là một trong những thị trường lao động ngoài nước được nhiều lao động nước ta ưa chuộng do có điều kiện làm việc tốt, mức thu nhập ổn định. Đến nay, đã có hơn 370 nghìn thực tập sinh trong tổng số gần 500 nghìn người Việt Nam sinh sống, làm việc tại Nhật.
Trong 15 nước phái cử thực tập sinh đến Nhật Bản làm việc, Việt Nam là quốc gia đứng đầu cả về số lượng thực tập sinh tiếp nhận hằng năm và tổng số lao động đang làm việc. Nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài của quốc gia này rất lớn. Nhật Bản được đánh giá là thị trường tiềm năng rất lớn cho thực tập sinh nước ta. Nhìn chung, các thực tập sinh Việt Nam đều có công việc phù hợp, điều kiện làm việc tốt và thu nhập ổn định.
Nhật Bản là một trong những thị trường lao động ngoài nước được nhiều lao động nước ta ưa chuộng. Đến nay, đã có hơn 370 nghìn thực tập sinh trong tổng số gần 500 nghìn người Việt Nam sinh sống, làm việc tại Nhật.
Hiện nay, lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có lao động sang làm việc tại Nhật Bản, cần tham gia Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài theo Quyết định số 40/2021/QĐ-TTg. Đây là quỹ được thành lập nhằm hỗ trợ phát triển, ổn định và mở rộng thị trường ngoài nước; phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro đối với người lao động và doanh nghiệp; bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Quỹ sẽ có một số mức hỗ trợ khác nhau với người lao động tùy theo từng trường hợp cụ thể. Phạm vi hỗ trợ cũng được mở rộng với các hoạt động hỗ trợ trong bối cảnh xu thế dịch chuyển lao động quốc tế và phòng ngừa các rủi ro có tính chất đặc biệt (như chiến tranh, suy thoái kinh tế, dịch bệnh Covid-19,...). Quỹ cũng hỗ trợ mở rộng các thị trường lao động mới, ngành nghề công việc mới; duy trì phát triển các thị trường đã có.
Với thị trường Nhật Bản, có một số chương trình hợp tác đưa thực tập sinh đáng quan tâm.
Thứ nhất là chương trình hợp tác với Tổ chức Hợp tác tu nghiệp quốc tế Nhật Bản (JITCO) triển khai từ năm 1992 trong khuôn khổ bản ghi nhớ về “Chương trình phái cử và tiếp nhận thực tập sinh nước ngoài vào tu nghiệp tại Nhật Bản” đã được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ký với JITCO.
Thứ hai là chương trình hợp tác với Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Nhật Bản (IM Japan). Từ cuối năm 2005, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ký Bản Thỏa thuận với Cơ quan phát triển nguồn nhân lực quốc tế Nhật Bản (IM Japan) để đưa thực tập sinh đi tu nghiệp tại Nhật Bản.
Bên cạnh việc hợp tác đưa thực tập sinh và thực tập kỹ năng sang tu nghiệp và thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản, Việt Nam cũng đã cung cấp lao động kỹ thuật có tay nghề cao, kỹ sư công nghệ thông tin, những người có trình độ đại học và trên đại học trong các lĩnh vực cho Nhật Bản.
Ngoài ra, từ năm 2012, trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA), hai bên đã triển khai chương trình đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản. Việt Nam là nước thứ ba, sau Phillipines và Indonesia, chính thức có thỏa thuận hợp tác đưa ứng viên điều dưỡng và hộ lý sang làm việc và học tập tại Nhật Bản - quốc gia phát triển hàng đầu thế giới về dịch vụ y tế. Chương trình tạo cơ hội tốt cho các điều dưỡng viên, hộ lý Việt Nam được huấn luyện trong môi trường làm việc chuyên nghiệp, nâng cao trình độ của bản thân trong thời gian làm việc tại Nhật Bản cũng như có thể sử dụng những kiến thức, kinh nghiệm hữu ích học tập được khi trở về làm việc trong nước.
Thời gian tới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất với phía Nhật Bản mở rộng thêm các ngành, nghề tiếp nhận nhân lực Việt Nam, nhất là đối với các lĩnh vực mà nước này đang thiếu hụt như dịch vụ nhà hàng, khách sạn, lái xe buýt.
Theo thoidai