Chưa quốc gia nào có đủ luật cần thiết
Báo cáo Tổng quan về giới năm 2024 của cơ quan Phụ nữ Liên hiệp quốc thể hiện: tổn thất toàn cầu do không giáo dục đầy đủ cho phụ nữ trẻ là 10.000 tỉ USD mỗi năm. Trong đó, các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình sẽ mất 500 tỉ USD trong 5 năm tới nếu họ không thu hẹp khoảng cách giới trong việc sử dụng internet. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ cho nông dân nữ nếu được cải thiện có thể giúp tăng thêm 1.000 tỉ USD vào GDP toàn cầu. Báo cáo cũng nhận định, với thực trạng hiện nay, nạn tảo hôn có thể tiếp tục tồn tại cho đến năm 2092.
Báo cáo thường niên đánh giá tiến trình bình đẳng giới trong các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hiệp quốc cũng cho thấy, số lượng phụ nữ phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ vừa phải hoặc nghiêm trọng nhiều hơn so với nam giới là 47,8 triệu người. Thế giới có thể mất thêm 137 năm nữa để có thể chấm dứt tình trạng nghèo đói cùng cực đối với phụ nữ. Ở khía cạnh khác, biến đổi khí hậu có thể khiến số lượng phụ nữ và trẻ em gái rơi vào cảnh nghèo đói nhiều hơn so với nam giới và trẻ em trai là 158 triệu người.
|
|
Tiến trình thu hẹp khoảng cách lương theo giới tính trên toàn cầu đã chậm lại vào đầu thế kỷ XXI - Ảnh minh họa: Getty Images |
Papa Seck - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và dữ liệu của cơ quan Phụ nữ Liên hiệp quốc - cho biết, các chính phủ phải “bắt đầu đầu tư tài chính vào vấn đề phụ nữ và trẻ em gái”, thay đổi mạnh luật pháp để bảo vệ nữ giới tốt hơn. Hiện tại, chưa quốc gia nào trên thế giới có đủ các luật cần thiết để ngăn chặn sự phân biệt đối xử, bạo lực giới, bảo vệ quyền bình đẳng trong hôn nhân và ly hôn, đảm bảo trả lương bình đẳng, cung cấp quyền tiếp cận đầy đủ biện pháp bảo vệ sức khỏe tình dục và sinh sản cho phụ nữ. Trong số 120 quốc gia được xem xét, hơn 1/2 quốc gia có ít nhất 1 hạn chế ngăn cản phụ nữ làm cùng công việc với nam giới và 1/2 không có luật xác định hành vi hiếp dâm dựa trên sự thiếu đồng ý.
Jemima Olchawski - Giám đốc điều hành tổ chức đấu tranh cho bình đẳng giới Fawcett Society (Anh) - nhận định: “Chúng ta đã liên tục duy trì và thậm chí tạo ra sự bất bình đẳng mới cho phụ nữ và trẻ em gái”. Khoảng cách tiền lương theo giới tính ở Anh vẫn còn đáng kể, thể hiện qua mức chênh lệch 14,3% đối với tiền lương theo giờ. Ngành y khoa và nha khoa có khoảng cách lương theo giới tính lớn nhất khi thu nhập của nam giới trung bình gấp 1,5 lần phụ nữ. Một cuộc khảo sát của cơ quan Thống kê giáo dục đại học tại Anh cho thấy: 15 tháng sau khi tốt nghiệp, nữ giới kiếm được mức lương trung bình thấp hơn 2.000 bảng Anh so với nam giới cùng trình độ.
Rào cản từ văn hóa và chuẩn mực xã hội
Theo dữ liệu mới từ Cục Thống kê dân số Mỹ, khoảng cách lương theo giới tính đã nới rộng vào năm 2023. Điều chỉnh theo lạm phát, mức lương của nam giới làm việc toàn thời gian quanh năm tăng 3%, trong khi mức lương của phụ nữ chỉ tăng 1,5%. Các nhà kinh tế xem đây là kết quả từ tình trạng “phân biệt trong nghề nghiệp”. Chuyên gia Heidi Shierholz từ Viện Chính sách Kinh tế (thủ đô Washington, Mỹ) lưu ý rằng, tình trạng này đã giảm so với trước đây, nhưng vẫn là yếu tố lớn tạo ra khoảng cách lương theo giới tính. Bà cho biết: “Phụ nữ gánh vác trách nhiệm chăm sóc không cân xứng trong xã hội. Điều đó đang thay đổi, nhưng nó vẫn tồn tại. Thực trạng thiếu dịch vụ chăm sóc trẻ em giá cả phải chăng, quy định chế độ nghỉ phép và thời gian nghỉ bệnh có lương hạn chế khiến công việc của phụ nữ trở nên vô cùng khó khăn”.
Ngoài ra, phụ nữ còn chịu thiệt thòi khi khó hồi phục sau những cột mốc và biến cố cuộc đời, chẳng hạn như sinh con. Henrik Kleven - tác giả chính của báo cáo nghiên cứu “The Child Penalty Atlas” năm 2023 từ Cục Nghiên cứu Kinh tế quốc gia Mỹ - giải thích: “Nhiều năm sau khi sinh con đầu lòng, phụ nữ vẫn không thể bắt kịp nam giới”. Nghiên cứu của giáo sư Kleven và các đồng nghiệp đã xem xét dữ liệu về khoảng cách tiền lương từ 134 quốc gia và chỉ ra rằng, văn hóa và chuẩn mực xã hội là những yếu tố lớn trong mức độ chênh lệch tiền lương. Văn hóa càng bình đẳng thì khoảng cách càng thấp.
Theo phụ nữ TPHCM