|
|
Một sự kiện con dâu rửa chân cho mẹ chồng gần đây ở Trung Quốc. Ảnh: South China Morning Post. |
Tại một quảng trường ở miền Bắc Trung Quốc, hàng chục phụ nữ đã rửa chân cho mẹ chồng của họ để bày tỏ lòng hiếu thảo.
Ngồi trên ghế đẩu thấp, những người phụ nữ ở tỉnh Hà Bắc nhẹ nhàng xoa chân cho những người thân lớn tuổi của họ, theo một đoạn tin tức trên truyền hình địa phương từ tuần trước với dòng tiêu đề: “Tôi rửa chân cho mẹ chồng; chúng tôi là một gia đình hòa thuận”.
Sự kiện này nhằm dạy trẻ em hiện đại biết ơn cha mẹ và những người thân lớn tuổi và đề cao đức tính hiếu thảo truyền thống của Trung Quốc, bí thư đảng của cộng đồng cho biết trên Đài truyền hình Hình Đài.
Đó chỉ là một trong số rất nhiều sự kiện văn hóa rửa chân được tổ chức trên khắp Trung Quốc trong những thập kỷ gần đây, tất cả đều có chung một mục tiêu là đề cao lòng trân trọng và sự tôn kính đối với các thế hệ lớn tuổi. Tuy nhiên, những sự kiện như vậy cũng đang bị chỉ trích vì mâu thuẫn với các giá trị bình đẳng, tự do của hiện đại, theo South China Morning Post.
Những giá trị mâu thuẫn
Ở trường học, yêu cầu học sinh giúp cha mẹ hoặc ông bà rửa chân vẫn là một bài tập về nhà phổ biến trong các tiết học giáo dục đạo đức.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng những sự kiện và tiết học như vậy đáng cho thấy một thực tế đáng lưu tâm của Trung Quốc.
“Nghi lễ rửa chân - cũng như những sự kiện công khai khác nhằm giáo dục lòng hiếu thảo - không có nghĩa là con người ngày nay biết ơn nhiều hơn trước. Ngược lại, chúng cho thấy sự lo lắng của xã hội rằng người già đang bị bỏ rơi khi ngày càng có nhiều người trẻ sống xa nhà”, Giáo sư Zhang Yiwu, từ Khoa Trung Quốc tại Đại học Bắc Kinh, cho biết.
Đối với những người trẻ tuổi theo đuổi chủ nghĩa cá nhân và bình đẳng, các phong tục đại diện cho lòng hiếu thảo như rửa chân và quỳ lạy đã trở nên không thể chấp nhận được.
Cao Youyou, một sinh viên đại học đến từ Thượng Hải, nói với tờ South China Morning Post: “Tôi rất ghét khi bị giáo viên yêu cầu rửa chân cho bố mẹ khi còn học cấp hai”.
“Tại sao tôi không thể rửa mặt hoặc làm tóc cho họ? Tại sao phải là chân? Theo tôi hiểu, đôi chân là phần thấp nhất của cơ thể. Việc rửa chân cho người lớn có nghĩa là ta chấp nhận hy sinh bản thân và khiêm tốn 100% với người mà ta đang phục vụ”, anh nói.
Anh cho rằng xã hội nên ngừng thúc đẩy những truyền thống này. “Chúng tôi yêu cha mẹ của mình, nhưng chúng tôi có thể thể hiện điều đó theo cách khác”, anh nói.
Zhu Dake, một giáo sư nổi tiếng chuyên về lịch sử văn hóa Trung Quốc tại Đại học Đồng Tế ở Thượng Hải, người cũng từng công khai chỉ trích những nghi lễ như vậy hơn một thập kỷ trước.
|
|
Học sinh tiểu học rửa chân cho mẹ ở tỉnh Giang Tây, miền Đông Trung Quốc, ngày 6/5/2011. Ảnh: Asianewsphoto. |
“Bất kỳ hành động nào quỳ xuống hoặc quỳ lạy đều biến lòng biết ơn thành sự phục tùng và nhún nhường hèn mọn. Những biểu hiện của sự tôn kính này mâu thuẫn với các giá trị tự do và bình đẳng, và về bản chất, chúng không liên quan gì đến tình yêu thương”, ông viết năm 2011.
Chỉ trích các tập tục là “chương trình biểu diễn đạo đức”, Zhu nói rằng kiểu hiếu thảo phục tùng và nhún nhường hèn mọn như vậy trong gia đình là nền tảng để những người cầm quyền phong kiến tạo ra những thần dân ngoan ngoãn, và do đó nên bị loại bỏ trong thời hiện đại.
Dân số già nhanh chóng
Nhưng bất chấp những lời chỉ trích, những “chương trình” như vậy vẫn không dừng lại trong những năm qua.
Chúng thậm chí đã được ban lãnh đạo cao nhất ca ngợi vào năm 2019 trong lễ kỷ niệm 100 năm Phong trào này 4/5 của Trung Quốc, ra đời với mong muốn xóa bỏ những tư tưởng cổ hủ, bao gồm kiểu hiếu thảo phục tùng trên.
Trong bài phát biểu mừng Tết Nguyên đán 2019, lần đầu tiên Chủ tịch Tập Cận Bình đề cập đến lòng hiếu thảo trong bài phát biểu trước công chúng. Ông trích dẫn một văn bản của Nho giáo có đoạn: “Hiếu thảo là nền tảng của mọi đức tính”.
Sau đó, ông liên kết điều này với nhu cầu giải quyết tình trạng dân số già nhanh chóng của nước này, lo sợ dân số già có thể ảnh hưởng đến năng suất của nền kinh tế và làm căng thẳng mạng lưới an toàn xã hội của quốc gia dành cho người cao tuổi.
“Xã hội của chúng ta đã trở thành một xã hội già hóa. Việc đảm bảo những người cao tuổi được chăm sóc, hỗ trợ về mặt tinh thần, hạnh phúc và yên bình có liên quan đến sự hài hòa và ổn định của xã hội”, ông Tập nói.
Trung Quốc hiện có 264 triệu người từ 60 tuổi trở lên, chiếm 18,7% dân số, theo điều tra dân số năm 2020. Tổ chức Y tế Thế giới dự đoán con số đó sẽ đạt 28% vào năm 2040.
|
|
Rửa chân được coi là biểu tượng của tình yêu thương và chăm sóc ở Trung Quốc. Ảnh: South China Morning Post. |
Giáo sư Xiao Qunzhong, từ Trường Triết học thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, nêu quan điểm: “Chúng ta không thể thuyết phục mọi người tin rằng lòng hiếu thảo là gốc rễ của mọi thứ, như thời kỳ phong kiến, nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng nó vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay, đặc biệt là khi chúng ta phải đối mặt với những vấn đề mới trong kỷ nguyên hiện đại”, ông nói.
Trong vòng 30 đến 40 năm qua, hàng triệu người Trung Quốc trong độ tuổi lao động đã rời khỏi các vùng nông thôn đến các thành phố để tìm việc làm với mức lương cao hơn, bỏ lại những ngôi làng hầu như chỉ có người cao tuổi.
“Trước đây, người Trung Quốc sống trong các đại gia đình, và có thể có từ bảy người con trở lên nuôi một cặp vợ chồng già. Nhưng giờ đây, sau nhiều thập kỷ áp dụng chính sách một con, một cặp vợ chồng trẻ có thể phải hỗ trợ 4 người thân lớn tuổi, và nhiều người trẻ tuổi đã bị tách khỏi những người lớn tuổi trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng”, giáo sư Xiao Qunzhong giải thích.
Việc nhấn mạnh đức tính hiếu thảo truyền thống có ý nghĩa thiết thực trong bối cảnh dân số Trung Quốc đang già đi, giáo sư nhận định.
Theo zingnews