Tôi từng nghe rất nhiều chuyện không vui giữa mẹ chồng và nàng dâu. Chẳng đâu xa, cứ nhìn mẹ tôi cũng đủ hiểu những cay đắng của phận làm dâu. Dường như tất cả mọi chuyện đều là lỗi của mẹ. Chứng kiến những uất ức của mẹ, tôi tự hứa với lòng mình thà sống độc thân chứ nhất định không lấy chồng.

Cho tới khi thấy chị Nguyễn Thị Ngọc Huyền thân thiết với mẹ chồng, tôi đã thay đổi quyết định ngày xưa của mình. 

Ngày đầu về làm dâu ở Vĩnh Thạnh, Cần Thơ, mẹ chồng chị, bác Phạm Thị Kim Nhung, chở chị đi chợ. Nhìn hai mẹ con quấn quýt, chị bán hàng vui miệng hỏi: “Con gái chị hả?”. Mẹ chồng chị hài hước trả lời: “Ừ, con gái, tôi mới đẻ 
hôm qua”. 

Chị Huyền nghe vậy thì mỉm cười hạnh phúc. Kết hôn được một tuần, anh chị trở lại TPHCM tiếp tục công việc làm ăn. Lâu lâu anh chị lại nhận được quà quê gói ghém biết bao tình thương của mẹ gửi lên. 

Được tin chị sinh con gái đầu lòng, bận rộn chuyện nọ chuyện kia, tôi chưa kịp đến thăm đã nghe chị báo về nhà chồng rồi. Tôi hỏi: “Mới sinh sao không về nhà mình ở cho thoải mái. Có ai chăm mình bằng mẹ đâu?”.

Chị nói: “Ở nhà nội cho bà nội vui. Bà mong lắm”. Nhắc đến mẹ chồng, chị lại thao thao kể: “Nhận được điện thoại con dâu đi bệnh viện sinh con, chiều hôm đó bà nội vội vàng khăn gói lên Sài Gòn để thăm chị”. 

leftcenterrightdel
 Vợ chồng chị Ngọc Huyền và bà mẹ chồng Kim Nhung

Ngày con dâu xuất viện bà Nhung nói với chị: “Thành phố đang khí hậu nắng nóng, con ở nhà mẹ cho mát, phòng lại có máy lạnh. Mẹ của con bận may vá quần áo cho khách, bụi bặm vải vóc không tốt cho trẻ sơ sinh, hơn nữa về bên đó bà ngoại phải chăm bà đẻ vất vả lắm”. 

Từ ngày có cháu nội trong nhà, bà nội tất bật cả ngày chẳng khi nào thấy ngơi tay. Nhưng được chăm sóc con dâu, được nhìn thấy cháu nội mỗi ngày nên bà chẳng có giờ để tâm xem mình vất vả thế nào. 

Mỗi ngày cứ sáu giờ rưỡi sáng bà vào phòng bế bé Bơ đi phơi nắng 20 phút, sau đó chuẩn bị cơm nước. Ngày ba bữa, bà mang thức ăn lên tận phòng, rồi lại âm thầm bê đi dọn dẹp. 10 giờ bà lại chuẩn bị nước tắm cho Bơ. Bước chân vào nhà tắm chị thấy quần áo và nước ấm đã sẵn sàng. Bà cũng không bao giờ quên túi muối rang chị chườm bụng để giảm mỡ. Sợ con dâu đi lại không may trượt ngã, bà mang bô để trong phòng, sáng lại đem đi đổ. 

Hạnh phúc của người mẹ quê rất giản dị, bà Nhung chỉ cần thấy con ngon miệng, cháu say giấc nồng. Vì chị Huyền phải sinh mổ nên mấy ngày đầu bà còn rửa vết thương cho chị. Mẹ chồng không được học nhiều, quanh năm chỉ biết bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, nhưng hễ ai bày  cái gì hay là bà làm ngay cho con dâu, chẳng nề vất vả, cũng không than thở.

Chị Huyền hay nói: “Thôi, lần sau mẹ cứ để đó cho con…”. Không để con dâu hết câu, bà liền xua tay, quay sang nói chuyện với cháu nội và cũng là muốn nói với chị: “Hai mẹ con cứ yên tâm ở đây với bà nội, để bà nội chăm, không phải lo lắng, suy nghĩ gì hết. Ba Nghĩa phải đi làm xa kiếm tiền mua sữa, mua tã cho Bơ. Ba đi ba cũng nhớ hai mẹ con lắm. Cháu của bà ăn mau chóng lớn nhé”. 

Nhìn chị Huyền, bạn bè vừa mừng vừa “gato” với chị và nói đùa: “Con dâu được mẹ chồng chăm sóc như vậy, sinh bao nhiêu đứa cũng được”.

Đã từng nhiều lần thắc mắc nhưng mãi chị Huyền mới thuận miệng hỏi mẹ chồng: “Tại sao mẹ lại thương con thế ạ?”. Nhìn chị, bà Nhung mỉm cười, nhưng sâu trong ánh mắt là cả một ký ức buồn. Ngày xưa bà làm dâu cũng khổ lắm. Nhiều lần vợ chồng cãi vã vì mẹ chồng. Từ đó bà hiểu rằng được mẹ chồng yêu thương là cái phúc lớn của người phụ nữ. Vì thế bà quyết tâm làm mẹ chồng tốt để con dâu không phải khổ như bà. 

Theo phunuonline.com.vn