Trung Quốc: Tập đoàn Alibaba sa thải nữ nhân viên tố cáo lãnh đạo xâm hại tình dục
Cập nhật lúc 18:09, Thứ ba, 14/12/2021 (GMT+7)
Tập đoàn Alibaba của Trung Quốc vừa đuổi việc một nữ nhân viên vì cho rằng, việc cô tố cáo lãnh đạo xâm hại tình dục đã làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của công ty.
|
|
Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc đã đuổi việc nữ nhân viên tố cáo việc mình bị xâm hại tình dục - Ảnh: |
“Gã khổng lồ” trong lĩnh vực thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba vừa sa thải một nữ nhân viên, người đã tố cáo sếp mình cùng một khách hàng có hành vi hiếp dâm cô trong một tiệc rượu.
Theo tờ nhật báo Dahe thì nữ nhân viên họ Chu đã nhận được quyết định thôi việc vào cuối tháng 11/2021 được ký bởi Công ty Công nghệ Tmall Chiết Giang, một công ty con trực thuộc tập đoàn Alibaba.
Quyết định nêu rằng, nữ nhân viên đã có hành vi cung cấp thông tin sai sự thật về vụ việc gây nên “mối quan tâm rất lớn của xã hội” làm ảnh hưởng tiêu cực đến công ty.
Tuy nhiên, phía cô Chu thì lại khẳng định về việc một cán bộ quản lý và một khách hàng đã xâm hại tình dục cô trong một chuyến công tác vào tháng 7/2021 sau khi ép cô uống thật nhiều rượu. Cô cho biết đã báo cáo sự việc lên ban lãnh đạo và phòng Nhân sự nhưng không nhận được bất cứ phản hồi nào. Sau 2 tuần vụ việc rơi vào im lặng, cô Chu đã đăng tải một tài liệu có định dạng PDF dài 11 trang tố cáo việc mình bị hiếp dâm lên hệ thống mạng nội bộ của công ty nơi có hơn 250.000 nhân viên của tập đoàn Alibaba.
Ngay lập tức, câu chuyện trở thành chủ đề nóng được bàn tán trên toàn hệ thống của công ty cũng như trên mạng xã hội. Người ta nói nhiều về vấn nạn xâm hại tình dục trong công sở cũng như văn hóa ép nhân viên uống rượu bia tiếp khách mà các công ty Trung Quốc đang áp dụng một cách phổ biến hiện nay.
Theo một biên bản được hãng tin Reuters tiếp cận thì ông Daniel Zhang, CEO của Alibaba, tường trình rằng, ông đã cho đuổi việc vị quản lý bị tố cáo kia cùng với 10 nhân viên khác đã chia sẻ câu chuyện của cô Chu ra công chúng.
Cô Chu cho biết, cô sẽ khiếu nại quyết định đuổi việc của công ty dành cho mình.
“Tôi không làm sai hay vi phạm điều gì trong công việc cả. Vì vậy, công ty không có quyền sa thải tôi. Tôi sẽ sử dụng công cụ pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của bản thân”.
Vấn đề xâm hại tình dục ở Trung Quốc đã từng là một chủ đề nhạy cảm và không được mang ra bàn luận rộng rãi trong công chúng cho đến khi phong trào #MeToo xảy ra vào năm 2018 với sự kiện một nữ sinh viên đại học tố cáo một giáo sư có hành vi xâm hại tình dục với cô.
|
|
Năm 2018, phong trào #MeToo đã giúp những nạn nhân bị xâm hại tình dục ở Trung Quốc nói lên tiếng nói của mình - Ảnh: Global Voices |
Quốc gia tỷ dân này hiện đang bị dư luận khắp nơi lên tiếng chỉ trích về cách thức xử lý vụ việc ngôi sao quần vợt Trung Quốc Bành Súy (Peng Shuai) tố cáo cô bị một cựu quan chức cao cấp của chính phủ xâm hại tình dục. Bài tố cáo của cô đăng trên trang mạng xã hội nội địa Weibo đã bị gỡ bỏ ngay sau đó trong khi nữ vận động viên bị cho là mất tích trong 3 tuần khiến cộng đồng quốc tế phải lên tiếng kêu gọi chính phủ Trung Quốc cần phải minh bạch thông tin và tình trạng sức khỏe của Bành Xúy.
Liên đoàn quần vợt nữ thế giới (WTA) cũng đã tuyên bố hoãn tất cả các giải đấu tổ chức ở Trung Quốc cho đến khi sự an toàn của Bành Xúy được xác nhận.
Theo phunuonline