Uber ở Mỹ sẽ phải trả 1,1 triệu USD vì kỳ thị một phụ nữ khiếm thị

 

Nguyên đơn trong vụ kiện tụng nói trên - Lisa Irving, một người dân ở California, cho biết cô đã bị các tài xế Uber từ chối chở đi hoặc bạo hành bằng lời nói 14 lần trong năm 2016 và 2018, theo thông tin từ Adam Wolf, luật sư của Irving, được chia sẻ với CNN. “Tôi cảm thấy bị hạ thấp, sỉ nhục, bị mất giá trị, xấu hổ, tức giận, thất vọng và không được tôn trọng,” Irving nói trong một đoạn video.

Theo phán quyết của trọng tài, Irving phải được bồi thường thiệt hại 324.000 USD và hơn 800.000 USD phí luật sư và án phí. Thông tin này đã được các luật sư của cô đăng tải trực tuyến.

Trọng tài xét xử vụ kiện nói trên đã bác bỏ lập luận của Uber rằng họ không chịu trách nhiệm về việc các tài xế của mình vi phạm Đạo luật Người Mỹ đối xử với người khuyết tật (ADA) vì các tài xế Uber là những bên hợp tác với công ty này theo hợp đồng chứ không phải là nhân sự của công ty. “Cho dù các tài xế của Uber là nhân viên của công ty này hay là các bên thứ ba độc lập thì Uber vẫn phải tuân theo ADA dựa trên mối quan hệ hợp đồng với các tài xế này”, phán quyết của trọng tài giải thích. 

Người phát ngôn của Uber cho biết công ty không đồng ý với quyết định phân xử nói trên và cho biết Uber có ban hành các nguyên tắc ứng xử với cộng đồng, nghiêm cấm các tài xế từ chối chở hành khách có đi kèm với động vật phục vụ họ.

“Chúng tôi tự hào rằng công nghệ của Uber đã giúp những người khiếm thị có được những chuyến đi và lấy làm tiếc với những gì mà Irving đã phải trải nghiệm. Các tài xế sử dụng ứng dụng Uber luôn được yêu cầu phục vụ những khách hàng có đi kèm động vật phục vụ cho họ, và chúng tôi cũng thường xuyên truyền thông, đào tạo cho các tài xế về trách nhiệm này. Nhóm chuyên trách của chúng tôi sẽ xem xét kỹ từng trường hợp khiếu nại và sẽ đưa ra các hành động thích hợp”, Uber cho biết trong một thông cáo.

Ngoài việc bị từ chối đi xe, Irving cho biết một số tài xế đến đón cô đã có lời lẽ lăng mạ cô và chú chó Bernie phục vụ mình. “Irving khẳng định rằng cô đã bị các tài xế Uber từ chối chở đi nhiều lần, khiến cô phải đi làm trễ và điều đó đã ảnh hưởng đến mối quan hệ với bên sử dụng lao động”, phán quyết của trọng tài cho biết thêm. 

Irving còn cáo buộc Uber rằng đôi khi cô cảm thấy không an toàn vì hành vi của một số tài xế. “Người lái xe đã hét lên để đuổi cô ấy ra khỏi xe ít nhất mười lăm lần, anh ta thậm chí còn kéo mạnh cô ấy ra khỏi xe khi đang ở trong một khu vực nguy hiểm, khiến cô ấy cảm thấy bất lực trước sự uy hiếp và đe dọa của anh ta”, phán quyết của trọng tài có đoạn viết.

“Uber phải chịu trách nhiệm đối với từng sự cố này theo luật ADA của Bộ Tư pháp Mỹ cũng như theo vai trò giám sát việc tuân thủ các điều kiện, điều khoản theo hợp đồng giữa Uber và các tài xế của mình. Uber cũng phải thể hiện trách nhiệm đó khi không ngăn cản được sự phân biệt đối xử do không đào tạo đầy đủ cho các tài xế”, phán quyết khẳng định.

Các luật sư của Irving đã đệ đơn yêu cầu xác nhận phán quyết trên vào thứ Năm tuần này tại Tòa án Thượng thẩm San Francisco, theo một bản tin. “Trong số những người Mỹ có thể được tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại nhờ cuộc cách mạng chia sẻ phương tiện giao thông, người khiếm thị lẽ ra phải là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất. Thế nhưng, các dịch vụ đi theo công nghệ này đang rõ ràng tạo ra sự phân biệt đối xử tệ hại nhất. Theo điều cốt lõi của Đạo luật Người Mỹ đối xử với người khuyết tật, một con chó dẫn đường sẽ phải được tạo điều kiện để đi đến bất cứ nơi nào mà một người khiếm thị, chủ nhân của nó, có thể đi”, Catherine Cabalo, một luật sư khác của Irving, chia sẻ trong một thông cáo.

Năm 2016, Uber cũng đã từng bị Liên đoàn Người mù quốc gia của Mỹ kiện khi cơ quan này yêu cầu Uber phải đảm bảo sự bình đẳng cho những hành khách đi cùng chó dẫn đường trong việc sử dụng dịch vụ vận chuyển của dịch vụ này. 

Theo phunuonline