Sau khi Thanh Tâm chia sẻ câu chuyện bố mẹ thiên vị anh trai đã nhận được nhiều tâm sự của bạn đọc với nỗi niềm tương tự. Và câu chuyện của người phụ nữ dưới đây là một ví dụ.
Nhà cô có 3 anh em. Ngay từ bé, người anh đã nhận được những ưu ái của bố mẹ. Anh ấy chỉ có việc học và chơi. Còn hai chị em cô thì việc gì trong nhà cũng phải làm. Bước chân vào lớp Một cũng là lúc chị em cô được giao làm việc nhà, kể cả nấu cơm bằng bếp củi. Hồi chị gái lên 6 tuổi, vừa phải bế em vừa dọn dẹp nhà cửa.
Trong khi đó, anh trai hơn chị cô gần 5 tuổi lại chưa hề biết cầm cái chổi, cũng chả bao giờ phải phơi quần áo hay rửa bát, nhặt rau. Khi cô vào lớp Một thì chị của cô đã quán xuyến mọi việc trong nhà, trở thành người hướng dẫn cô làm việc nhà.
Anh của cô còn hưởng đặc quyền đi xe đạp đi học và được đi học thêm, còn chị em cô nếu có bài nào chưa hiểu thì bố mẹ bảo hỏi anh trai, anh sẽ giảng lại cho. Bố mẹ của cô không biết rằng, chưa bao giờ anh trai có thể hướng dẫn các em làm bài tập.
Lý do của anh luôn là "Cái này anh học lâu quá rồi, không nhớ, chúng mày đi hỏi bạn, hỏi các thầy cô đi!". Chị của cô đã quyết tâm thi vào trường chuyên của tỉnh, đi học xa nhà từ năm cấp 3. Sau đó, chị thi đỗ đại học rồi du học ở Hungary, ở lại đó làm việc và sinh sống luôn.
Còn anh của cô học nghề xong thì về nhà mở một gara ô tô, lấy vợ và sống cùng bố mẹ. Bố mẹ cô không tiếc gì việc giúp đỡ vợ chồng con trai. Khi anh cô mở gara, bố mẹ cô đã bán đi 1 góc vườn để lấy tiền hỗ trợ con làm ăn. Còn cô, ra Hà Nội học đại học rồi cố gắng bám trụ ở thành phố để mưu sinh.
Cô xin bố mẹ hỗ trợ một chút tiền để mua căn hộ nhỏ cho khỏi phải đi thuê nhà nhưng bố mẹ luôn nói không có tiền. Vậy mà đến lúc anh trai muốn mua ô tô, bố mẹ lại cắt thêm một mảnh vườn nữa để bán.
Chỉ còn một mảnh vườn nhỏ lưu dấu tuổi thơ của 3 anh chị em, cô xin bố mẹ giữ lại nhưng bố mẹ vẫn nhất quyết bán khi anh chị muốn làm đại lý xe máy, xe điện. Cô và chị gái đã phải góp tiền để mua lại mảnh vườn đó nhưng bố mẹ định bán cho người ngoài.
Thế nhưng khi bố cô phát hiện bị ung thư giai đoạn cuối, tiền điều trị cho bố được anh trai chia 3. Trong hơn 3 tháng cuối bố nằm trong bệnh viện thì hơn 2 tháng là vợ chồng cô đảm nhiệm, vì chị gái không thể về Việt Nam dài ngày được.
Mẹ buồn khi bố mất, anh chị lại đưa mẹ ra nhà cô ở để mẹ con tâm sự cho đỡ nhớ bố. Sau khi mẹ sống ở nhà con gái được hơn 1 năm, anh chị lại bàn với mẹ bán nhà, lấy tiền đưa mẹ vào sống trong trại dưỡng lão. Khi hai em gái phản đối, vợ chồng anh giao luôn việc chăm sóc mẹ cho hai chị em cô.
Đến lúc này, mẹ cô mới nhận ra mình đã chiều hư con trai thế nào. Bà quyết định bán nhà, chia làm 4 phần, cho các con 3 phần, còn 1 phần gửi tiết kiệm để bà dưỡng già. Nhưng vợ chồng anh trai giờ lại không chịu bán vì như thế là đẩy nhà anh chị ra đường. Cả tuần nay, mẹ cô buồn bã, khóc suốt, cô chẳng biết làm sao động viên mẹ…
Thanh Tâm mong đây sẽ là một bài học cảnh tỉnh các bậc cha mẹ có sự thiên vị con trai, thậm chí có ý nghĩ dành mọi thứ cho con trai để dựa vào con lúc tuổi già. Vì sự cưng chiều, chăm chút ấy có thể biến con thành người ích kỷ, luôn đòi hỏi, không nghĩ cho bố mẹ, chị em của mình.
Thanh Tâm thấy chị em cô là những người con có hiếu, không vì những bất công trong đối xử với các con của bố mẹ mình mà bớt yêu thương, chăm sóc bố mẹ, cũng không tranh giành với anh trai.
Thanh Tâm nghĩ mẹ cô buồn bởi vì thất vọng về con trai chứ trong thâm tâm vẫn lo lắng cho con nhiều lắm. Cách động viên bà tốt nhất lúc này là khẳng định chị em cô không trách bố mẹ.
Chị em cô cần yêu cầu vợ chồng anh làm cam kết chỉ được ở ngôi nhà của bố mẹ, nếu bán thì phải chia 4 phần như mong muốn của mẹ.
Thanh Tâm