Mẹ luôn khắt khe, yêu cầu cao với cô
Bố cô mất sớm vì bạo bệnh năm cô 2 tuổi. 2 năm sau mẹ cô đi lao động xuất khẩu, để cô ở lại với ông bà ngoại. Mẹ có gia đình mới năm cô học lớp 1. 1 năm sau đó thì mẹ đưa cô sang sống cùng mẹ và dượng.
Mẹ và dượng không sinh thêm con nữa, dượng chăm sóc, bao dung với cô. Vấn đề là mẹ cô. Không biết có phải vì chỉ có 1 con nên mẹ khắt khe, cẩn thận hơn với cô không nhưng lúc nào mẹ cũng yêu cầu rất cao với cô. Nhất là, lúc nào mẹ cũng có tư tưởng áp đặt, mẹ bảo sao con phải nghe vậy. Cả tuổi thơ của cô luôn thực hiện mọi hướng dẫn, chỉ bảo của mẹ. Cũng có đôi lần nổi loạn tranh luận với mẹ, nhưng mỗi lần như vậy mẹ đều dùng lời lẽ kinh khủng chửi mắng cô. Và kết quả, để mẹ dừng lại thì chỉ có cách nghe lời mẹ mà thôi.
Khi cô chọn trường đại học, mẹ nhất định chỉ cho chọn học kinh tế hoặc IT. Cô thích tin học nhưng là tin học ứng dụng liên quan đến thiết kế nội thất, đồ gia dụng. Giải thích thế nào mẹ cũng không hiểu, nhất định đòi phải học đơn thuần kỹ thuật, khi nắm được kỹ thuật rồi muốn làm gì thì làm.
Khi cô dẫn bạn trai về giới thiệu, người mẹ chê tướng, người mẹ dèm giọng nói, người mẹ bảo nhìn cách ăn đã không thiện cảm… Nhưng tất cả chỉ vì mẹ đã nhắm con trai của bạn thân mẹ cho cô. Cô chơi thân với người đó như anh trai, bản thân người đó cũng đã có người yêu, thế mà hai bà mẹ cứ cố chấp với sự gượng ép của mình.
Khi tốt nghiệp ra trường, cô dự định dành một năm tham gia các dự án xã hội, đi từ thiện và nhất là về Việt Nam thăm nhà, tìm hiểu về những vấn đề của phụ nữ nghèo để kết nối hỗ trợ, giúp đỡ. Nhưng mẹ cho đó là những việc kéo cô tụt lại 1 năm, khiến cô đi chậm hơn bạn bè, có thể đánh mất những cơ hội của cuộc đời.
Đó là những việc lớn, chứ đến cả những việc nhỏ như cô đang ăn kem, mẹ muốn ăn nhưng đang bận làm gì đó, gọi cô lấy cho. Cô bảo mẹ chờ cô ăn nốt miếng cuối rồi cầm ra, mẹ cũng mắng cô té tát. Mẹ quy ra sự chăm sóc, quan tâm, lắng nghe nên vấn đề trở nên rất nặng nề.
Cô gái mới kể vài chuyện, Thanh Tâm đã nhận ra vì sao cặp đôi mẹ và con gái này ngày càng trở nên xa cách. Người mẹ bôn ba kiếm tiền xa nhà, lấy chồng nhưng lại chăm sóc, chỉ bảo con của mình nên áp lực cầu toàn càng lớn. Người mẹ cũng có ít thời gian để lắng nghe, thấu hiểu nên cứ nghĩ cái gì tốt cho con thì bắt con răm rắp nghe theo. Nhất là, chỉ có 1 con, người mẹ rất sợ cảm giác không chi phối được con, sợ con lớn lên và rời xa vòng tay của mình.
Còn cô gái, cô tiếp xúc với lối sống phương Tây từ bé, thời gian ở trường với thày cô, bạn bè còn nhiều hơn thời gian sống cùng mẹ và dượng nên suy nghĩ, cách sống cũng hiện đại. Nhưng hoàn cảnh xa mẹ lúc bé, thay đổi môi trường sống lúc mới học lớp 2, sống cùng với mẹ và dượng nên cô sớm biết cách dung hoà cảm xúc với người khác. Cô nghe lời mẹ từ bé đến lớn nhiều khi chỉ vì nhận thấy làm thế là tốt nhất. Cho nên, việc kiềm chế phản ứng, không nói ra được với mẹ và nghe lời khi trong lòng không muốn, chưa phục càng làm tăng lên sự bức bối, khó chịu.
Thanh Tâm nói với cô gái, đừng trông chờ mẹ thay đổi nếu cô không tự thay đổi và tìm cách nói được với mẹ suy nghĩ thực sự của mình. Ở đây không phải để thấy ai đúng, ai sai mà để mẹ con hiểu được suy nghĩ, cảm xúc của nhau, cũng là chuẩn bị cho việc sống độc lập của cô, tự quyết các vấn đề của cuộc sống riêng.
Theo phunuvietnam