Anh kể, con gái anh chuẩn bị thi đại học. Cháu học giỏi đều và chăm chỉ nên sức ép đỗ hay trượt hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến anh, mà chính là nỗi lo chuẩn bị xa cô con gái bé bỏng của mình. Anh thương con phải rời xa vòng tay an toàn của bố mẹ, cứ mãi đau đáu câu hỏi "Con sẽ sống, học tập, chăm lo cho bản thân như thế nào, sẽ vượt qua biết bao cạm bẫy, cám dỗ nơi thành phố ra sao?"… Và chỉ cần nghĩ thôi mà anh đã cảm thấy như người hụt hơi, lo lắng vô cùng.
Thanh Tâm nói với anh, các bậc cha mẹ thường có tâm trạng "gà mẹ" như vậy khi cảm thấy mình đang rời xa con cái, chuẩn bị không ở bên cạnh con để chăm sóc, cứu giúp kịp thời. Nhưng thực tế là, những đứa trẻ rời xa mái ấm của mình rồi cũng trưởng thành và độc lập. Nhanh hay chậm, dễ dàng hay khó khăn, vấp ngã nhiều hay khôn ngoan tránh né được… mới là điều cần quan tâm. Thanh Tâm nói vợ chồng anh hãy chủ động chuẩn bị tinh thần cho con gái đi trọ học đại học xa nhà chứ đừng để nỗi lo lắng cứ luẩn quẩn trong đầu mà không có một hướng giải quyết nào. Anh hãy biến nỗi lo ấy thành những hành trang cụ thể để con mang theo mình trong mỗi bước đường học hỏi và khám phá cuộc sống của con.
Trước tiên là việc đảm bảo có một chỗ ở an toàn cho con. Anh chị nên bố trí đi cùng cháu lên Hà Nội một chuyến tìm một chỗ trọ an ninh và hợp lý. Tốt nhất là tìm được 2-3 bạn cùng học hồi phổ thông hoặc cùng học lớp đại học chia sẻ phòng trọ. Điểm chung thông tin của các cháu sẽ khiến cho thời gian sống chung nhẹ nhõm và dễ đồng cảm hơn. Phải đăng ký khai báo tạm trú tạm vắng cho con đầy đủ, xin số điện thoại của chủ nhà trọ, của trưởng xóm nơi con trọ để tiện liên lạc hỏi thăm thông tin khi cần thiết. Nếu con cần đổi chỗ ở mới cũng nên cùng con tìm hiểu và quyết định, tránh để các con tự do quá hoặc có cảm giác bơ vơ, lạc lõng.
Như anh kể thì con gái yêu được bố mẹ chăm lo mọi việc. Giờ đã đến lúc đào tạo cấp tốc các cách chăm lo bản thân cho con. Từ chuyện chi tiêu hợp lý đến việc mua sắm các trang thiết bị cần thiết, từ việc bảo quản tiền, tư trang, đồ dùng đến việc chăm sóc vệ sinh cá nhân, từ việc tự chăm sóc mình lúc ốm đau đến việc thích nghi với môi trường sống mới… Những kinh nghiệm này sẽ giúp con gái anh chị chủ động với cuộc sống của mình ở một nơi mới trong khi xa gia đình.
Cần hướng dẫn con tìm hiểu các thông tin để biết tự bảo vệ mình. Con gái xa nhà càng dễ bị rung động với những quan tâm, chăm sóc của người khác giới, nhất là những người từng trải, hình mẫu thầy giáo hoặc các cán bộ lớp, người hát hay, học giỏi, chơi thể thao tốt… Xa cha mẹ, trở thành người tự do, các cô gái dễ rơi vào tình trạng không biết điểm dừng. Chính vì vậy, anh chị nên chủ động hướng dẫn cháu cách tự bảo vệ mình để không bị tổn thương về mặt tình cảm cũng như sức khỏe, tâm lý.
Hướng dẫn con biết tận hưởng trải nghiệm. 4-5 năm học đại học là quãng thời gian tuyệt đẹp của các cô cậu sinh viên. Họ cảm thấy tự tin vào mình vì đã vượt qua một kỳ thi khó khăn hay sàng lọc đầu vào của các trường đại học. Họ có cơ hội khẳng định mình trong học tập, các hoạt động xã hội cũng như tìm kiếm cơ hội việc làm chuẩn bị cho ngày ra trường… Tất cả những phấn khích đó có thể bị lợi dụng nhưng cũng có thể phát huy sức mạnh phi thường, chi phối cả tương lai lâu dài sau này của các bạn ấy. Vì vậy, anh chị hãy hướng cho con thận trọng nhưng không bỏ qua cơ hội trải nghiệm tuyệt vời trong đời. Kể cả tình yêu, là điều mà những ông bố, bà mẹ xa con gái lúc nào cũng nơm nớp lo sợ.
Cuối cùng, mong anh chị hãy thả lỏng mình tận hưởng nốt những ngày bố mẹ con thoải mái bên nhau, chăm sóc và động viên con học hành để khỏe và đạt kết quả cao. Cháu sẽ rất ổn vì bên cạnh luôn có cha mẹ quan tâm, lo lắng và chăm sóc.
Thanh Tâm