Thanh Tâm thân mến!
Tôi là một người bà, một người mẹ già có chuyện muốn tâm sự cùng Thanh Tâm. Dịch bệnh hoành hành, ảnh hưởng đến cuộc sống ghê gớm quá Thanh Tâm ạ. Không chỉ làm suy kiệt kinh tế, mà đến giáo dục và cả hạnh phúc gia đình cũng bị ảnh hưởng theo. Sự yên ấm trong gia đình tôi bị "sứt mẻ" vì ảnh hưởng của dịch bệnh.
Mấy tháng nay, con dâu tôi phải nghỉ việc không lương. Tháng đầu công ty hỗ trợ cho nhân viên nửa tháng lương nhưng rồi khó khăn, tháng sau người lao động chỉ được trợ cấp 1 triệu đồng. Con trai tôi mở cửa hàng sửa chữa, cung cấp máy in, bị đóng cửa mấy tháng trời. Tuy đã chuyển hướng kinh doanh online nhưng không có khách mấy. Hai vợ chồng nó năng động, chuyển sang bán hoa quả, thực phẩm để "lấy ngắn nuôi dài" nhưng tình hình cũng bập bõm. May sao tôi còn có lương hưu hàng tháng để không phải phụ thuộc vào con cái.
Những gia đình có điều kiện, thời gian chống dịch là lúc để ở bên nhau nhiều hơn. Còn với những gia đình lao động bình thường, đó là thời gian "thử thách" độ kiên nhẫn và chịu đựng. Do công việc không thuận lợi, vợ chồng con tôi thường xuyên cãi nhau. Tôi muốn khuyên giải các con nhưng nếu tôi tham gia vào chỉ làm cho không khí thêm căng thẳng, cuộc cãi vã thêm "hăng" hơn mà thôi.
Tôi có 2 cháu nội, 1 đứa năm nay vào lớp 2, đứa còn lại lên lớp 5. Thời gian dịch bệnh, cả 2 đều phải học online. Do thời gian học trùng nhau mà cả nhà chỉ có một chiếc máy tính nên hai đứa không thể học chung được. Nếu học qua điện thoại thì lo bị hỏng mắt nên một "bài toán" lại tiếp tục đặt ra với các con tôi: "Có nên mua thêm máy cho con học? Mua Ipad hay máy tính? Mua loại cũ hay mới? Giá khoảng bao nhiêu tiền? Mua ở đâu uy tín, tin tưởng?".
Tiền ăn không đủ, bây giờ chúng nó phải lo thêm tiền mua thiết bị học online cho con. Tôi không có nhiều tiền tiết kiệm để cho cháu, lòng cũng áy náy. Thế nhưng, con dâu tôi lại nghĩ tôi có nhiều tiền nhưng giữ riêng. Nó thủ thỉ với chồng, để chồng ra xin mẹ. Tôi đâu có nhiều tiền như chúng nghĩ, chỉ còn ít tiền cất để dưỡng già, phòng trường hợp bất trắc. Việc quan trọng thế, làm sao tôi có thể dùng số tiền ấy cho việc khác được. Dù sao cháu cũng chỉ học online thêm vài tháng, sau đó đến trường rồi.
Thấy tôi từ chối, con trai tôi thấu hiểu, không có thêm ý kiến gì nhưng con dâu thì tỏ thái độ khó chịu ra mặt. Trong lúc nó bán hàng, tôi đã dạy con nó học mà chúng lười, mải chơi, tôi mắng cháu thì con dâu hậm hực chạy vào nói: "Mẹ vào phòng đi, để con dạy cháu!". Tôi giận lắm nhưng biết vợ chồng nó đang khó khăn, nên nhịn và bỏ qua.
Hôm trước, tình cờ tôi nghe thấy nó nói chuyện điện thoại với bạn. Không ngờ trong lòng nó, người mẹ chồng này lại xấu xa tới mức có nhiều tiền nhưng để mặc con cháu đói khổ: "Em chẳng hiểu bà ấy cất tiền để làm gì, trong khi việc làm của con cái khó khăn, cháu học qua điện thoại thì toét cả mắt! Cứ ôm, cứ ngắm cho no!". Tôi tủi thân quá Thanh Tâm ạ. Tôi hiểu các con đang rơi vào thế bí nhưng chúng cũng phải hiểu cho nỗi lòng của bà già này chứ? Hay đúng là bản thân tôi đang quá ích kỉ?
Vũ Thị Phú (Hà Nội)
Bà Phú thân mến!
Trong hoàn cảnh khó khăn này, rất nhiều gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Con dâu bác nghĩ và nói như vậy là chưa hiểu về tâm lý và nỗi lo của người cao tuổi. Hơn nữa, trong lúc vất vả, đói khổ, nhiều người thường mong được giúp đỡ và đổ lỗi cho một ai đấy, một điều gì đấy để nhẹ bớt lòng. Bà thông cảm cho các con và tha thứ cho anh chị ấy.
Việc mua thiết bị để cháu học online có thể tính đến sau. Để bảo vệ mắt của các cháu, bà hãy nhắc nhở anh chị ấy kết nối điện thoại vào màn hình ti vi để các cháu học nhìn được tốt hơn. Giữ khoảng cách an toàn từ mắt tới các thiết bị điện tử, hết giờ học các cháu phải cho mắt nghỉ ngơi, xoa nóng tay ủ cho mắt hoặc nhỏ nước mắt nhân tạo và tập thể dục.
Bà có thể tâm sự cùng con trai để anh ấy nói chuyện cho vợ hiểu. Giai đoạn này là lúc khó khăn chung, bởi vậy cả nhà cùng nhau đoàn kết để chống dịch, bà nhé.
Thanh Tâm