leftcenterrightdel
 Chị Lê Mai Phương

Không có việc khó, chỉ là do bản thân thấy… khó

Năm 2014, cô gái 28 tuổi Lê Mai Phương (ở thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) quyết định nghỉ công việc tại một ngân hàng, khiến nhiều người cảm thấy tiếc nuối. Dù gì, đó cũng là một công việc mà nhiều người trẻ ao ước. 

Phương quyết định chuyển hướng kinh doanh trái cây, công việc mà cô chưa có nhiều kinh nghiệm. Thế nhưng, cô luôn tâm niệm, tuổi trẻ không nên dễ bằng lòng với những thứ mình có mà cần mạnh dạn thay đổi.

Thử sức ở một công việc mới, thời gian đầu, Phương phải nghiên cứu, học hỏi rất nhiều. Kinh doanh thực phẩm là công việc không dễ nhưng Phương chọn "ngách" của mình là trái cây sạch, phục vụ khách hàng mong muốn được sử dụng trái cây an toàn, chất lượng đảm bảo. "Vườn nhà cây" của Phương trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều khách hàng ở thành phố Quy Nhơn.

Dù lượng khách ngày một đông nhưng Phương không cho phép mình "đứng yên". Quan điểm của cô là phải nâng cấp bản thân liên tục. Phương thường xuyên tham gia các khoá học để nâng cao kiến thức, kỹ năng của mình. Chưa hết, cô mời chuyên gia về công ty để đào tạo cho nhân viên của "Vườn nhà cây". 

"Việc kinh doanh biến động mỗi ngày, nếu mình không nâng cấp bản thân, nâng cấp đội ngũ nhân viên thì mình sẽ bị thụt lùi. Mình muốn các bạn nhân viên "Gen Z" phải hướng đến nâng cao giá trị bản thân từ công việc mình làm. Đó chính là cách các bạn tạo ra thương hiệu bản thân. Và thương hiệu công ty cũng đến từ đó", Phương chia sẻ.

Hiện tại, "Vườn nhà cây" có hơn 20 nhân viên, đều là người lao động trẻ tuổi. Để có được thành công như ngày hôm nay, Phương đã dám thay đổi, dám thực hiện giấc mơ của mình. Chặng đường kinh doanh 10 năm, Phương cho rằng không có việc gì khó. "Nếu bản thân mình thấy khó thì sẽ là khó. Việc gì cũng có cách làm và đều có thể vượt qua được", Phương khẳng định.

Không ngại thay đổi

Giống như Phương, 10 năm trước, ở tuổi 27, Châu Duy Nghi (Công ty TNHH XNK Thịnh Phú, có trụ sở tại thành phố Quy Nhơn) cũng bỏ công việc ổn định ở Canada để về Việt Nam khởi nghiệp. Lựa chọn ngành hàng gỗ ngoài trời, một ngành mà kiến thức, kinh nghiệm của bản thân là con số 0, Nghi cũng nghĩ "tuổi trẻ nên liều một chút". 

leftcenterrightdel
 Chị Châu Duy Nghi

Nghi mày mò tìm hiểu thị hiếu của khách hàng, tự thiết kế các mẫu mã sản phẩm. Từ những đơn hàng đầu tiên, hiện tại, sản phẩm của công ty Thịnh Phú đã xuất khẩu sang hơn 20 nước, trong đó thị trường chủ yếu là Mỹ, châu Âu.

Việc kinh doanh có lúc thăng, lúc trầm nhưng Nghi cho biết, chưa có giai đoạn nào công ty của cô rơi vào cảnh bế tắc. 

"Trong bối cảnh khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, nhiều công ty không xuất khẩu được hàng vì họ không có khách hàng mới. Nhiều công ty ngại làm với khách hàng mới bởi họ phải thay đổi nhiều thứ như mẫu mã, quy trình sản xuất… Tôi không ngại cái mới. Tôi đào tạo để cả công ty có thể thích ứng với những cái mới liên tục", Châu Duy Nghi chia sẻ.

Nhật Minh