Con gà, quả gấc, nem công

Ba chị em gái trong phim Mùa hè chiều thẳng đứng cùng nhau ngắm "siêu phẩm" con gà luộc để thắp hương ngày giỗ, là con gà đẹp tuyệt vời theo chuẩn. Toàn thân đạo cụ này mang màu vàng óng, da căng đều không một vết xước, vết nứt, hai bên cánh gà xòe ra đúng "cánh tiên". NSND Lê Khanh, một trong ba nhân vật, cho biết để phục vụ cảnh quay, không chỉ con gà đã được luộc rất đẹp, mà nhóm đạo cụ còn mang tới trường quay cả nồi nước gà luộc. Cứ một lúc, con gà lại được nhúng vào nồi nước gà còn ấm nóng đó để khi lên hình, gà giữ độ ướt át cũng như màu sắc óng ả và khói tỏa nhẹ lên.

Trong một cảnh quay khác của Mùa hè chiều thẳng đứng, rất nhiều gấc đã được mang tới trường quay để phục vụ cảnh bổ gấc làm xôi. NSND Lê Khanh nhớ lại, diễn viên Trần Nữ Yên Khê đã phải bổ gấc liên tục để có được quả gấc lên phim đúng là gấc nếp, vết dao cũng không được bấm đứt qua hạt. "Âm thanh, ánh sáng, màu sắc, tất cả để tôn màu của quả gấc. Tự dưng mọi người thấy nó đẹp hơn bình thường", NSND Lê Khanh chia sẻ.

leftcenterrightdel
 Gái già lắm chiêu 3 có bữa tiệc đẹp do chính các nghệ nhân chuẩn bị
 
Sau này, cũng chính NSND Lê Khanh lại được chứng kiến sự cầu kỳ về ẩm thực trong set quay khác. Đó là set quay của Gái già lắm chiêu 3, với nhiều món ăn đẹp đẽ ngon lành của ẩm thực Huế. Trong bộ phim này, bà Khanh là người quán xuyến tổ chức bữa tiệc hào môn xứ Huế. Bà dùng sự cầu kỳ trong từng chi tiết của nem công, chả phượng để chào đón khách, cũng như "thị uy" với cô người yêu của cậu con trai duy nhất.

Chuyên gia truyền thông điện ảnh Ân Nguyễn cho biết có không nhiều món ngon trên màn bạc Việt. Một số món ăn khi xuất hiện là nằm trong câu chuyện, chứ không phải là để quảng bá.

"Có mấy món nằm trong câu chuyện phim như bánh canh trong phim Nhà bà Nữ, bữa tiệc trong Tiệc trăng máu có bánh khọt, Gái già lắm chiêu 3 có nem công chả phượng và bánh bột lọc, Thưa mẹ con đi cũng có mâm cơm… Với phim truyền hình có Mùi ngò gai, Bếp trưởng tới… Nhưng đúng là làm quảng bá ẩm thực thì hơi ít thật", ông Ân Nguyễn nói.

Cơn say Nàng Dae Jang Geum

Trong khi đó, ông Ân Nguyễn cho rằng nhiều người có cảm tình hơn với món ăn Hàn Quốc thông qua các bộ phim truyền hình của nước này. Trong số đó có phim Nàng Dae Jang Geum. Phim phát sóng tại Hàn Quốc từ tháng 9.2003 đến tháng 4.2004. Rating phim trung bình lên đến 46,3%, có tập đạt kỷ lục rating 57,8%. Đây cũng là kỷ lục rating của phim truyền hình Hàn Quốc trong vòng 20 năm trở lại đây. Tác phẩm được sản xuất với kinh phí 15 triệu USD nhưng đã thu về 103,4 triệu USD, nhờ bán bản quyền phát sóng ở 91 quốc gia và vùng lãnh thổ. "Do Nàng Dae Jang Geum thành công nên càng nhiều người muốn tìm hiểu ẩm thực Hàn Quốc hơn sau khi xem phim", ông Ân Nguyễn nói.

leftcenterrightdel
 Cảnh quay có đạo cụ quả gấc trong phim Mùa hè chiều thẳng đứng

leftcenterrightdel
 Nàng Dae Jang Geum góp phần quảng bá ẩm thực Hàn Quốc

Bộ phim này giới thiệu ẩm thực Hàn tại VN cũng thành công đến mức nhân vật Dae Jang Geum (do Minh Hằng thể hiện) còn xuất hiện trong số Táo quân Gặp nhau cuối năm của năm chiếu phim đó. Nhiều phim khác của Hàn Quốc cũng giới thiệu các món ẩm thực một cách khéo léo. Trong phim Chàng hậu, rất nhiều cảnh quay chế biến, nấu nướng được thực hiện. Món khoai tây lốc xoáy từ khi chế biến đến lúc lên bàn tiệc cũng chiếm sóng phim này. Bộ phim Ký sinh trùng cũng xuất hiện một món mì khi nó được yêu cầu phục vụ gấp trong khoảng thời gian rất ngắn.

Ông Ân Nguyễn đánh giá chúng ta chưa có cách lồng ghép món ăn vào câu chuyện sao cho hiệu quả, mà mới chỉ dừng ở việc trình bày món ăn. Thậm chí có sự xuất hiện lại trở nên đáng tiếc. Trong bộ phim Đào, phở và piano, một tác phẩm muốn tôn vinh văn hóa phở của người Hà Nội, hình ảnh bát phở xuất hiện lại bị lố khi dùng hiệu ứng lóe sáng như… quảng cáo.

Ông Ân Nguyễn cho biết để đạt được sự thành công trong giới thiệu ẩm thực như Nàng Dae Jang Geum cần sự tính toán trong sản xuất. Sự tính toán này thể hiện ở việc thiết kế, tổ chức đạo cụ. Thứ nữa là có thể có tài trợ. "Đôi khi các món Hàn Quốc được nhấn vì họ có tài trợ", ông Ân Nguyễn cho biết. Ý kiến này của ông cũng có điểm chung với thực tế phim Việt. Chẳng hạn, trong phim truyền hình ăn khách Về nhà đi con cũng có những cảnh quay liên quan đến nhãn hàng ẩm thực. NSND Trung Anh cho biết trong phim này các diễn viên có nhiều cảnh quay ăn bánh caro. Đây là một nhãn hàng và các diễn viên cũng được thông báo về việc đó.

Đẩy phim lên trước, ẩm thực theo sau

Từ thành công của Nàng Dae Jang Geum trong quảng bá ẩm thực, ông Ân Nguyễn cho rằng: "Nếu những đạo diễn có phim ăn khách như Trấn Thành, Victor Vũ… đưa ẩm thực Việt vào phim thì ẩm thực có thể lan tỏa. Nếu phim đó được mang ra nước ngoài thì càng tốt cho giới thiệu ẩm thực Việt".

Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn lại cho rằng cần xác định rõ quảng bá ẩm thực là quảng bá cho ai. "Chúng ta xác định muốn làm phim quảng bá cho ai thì phải nhắm tới đối tượng đó. Với ẩm thực cũng thế thôi. Nếu quảng bá trong nước thì người VN đã thừa thông tin rồi. Cách quảng bá với người VN nhanh nhất chính là TikTok, không cần đến điện ảnh. Nếu muốn quảng bá ẩm thực Việt ra nước ngoài thì nên là một phim Hollywood làm về ẩm thực mới quảng bá được", ông Tuấn nêu quan điểm.

Ông Tuấn cho rằng hiện nay phim Việt chưa có nhiều người xem trên thị trường quốc tế. "Cho nên, nếu VN cần làm phim để quảng bá ẩm thực VN thì chúng ta lại cần những phim điện ảnh như Kong, hoặc phim như A tourist's guide to love trên Netflix năm ngoái, mới quảng bá được", ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cũng phân tích trường hợp Nàng Dae Jang Geum để thấy muốn quảng bá ẩm thực qua điện ảnh thì cần thúc đẩy điện ảnh trước. "Trước khi Nàng Dae Jang Geum tạo ra được hiệu ứng giới thiệu ẩm thực như vậy vào những năm 2000 thì người Hàn Quốc đã có 10 năm để tạo ra làn sóng văn hóa Hàn Quốc Hallyu rồi. Có Hallyu thì Nàng Dae Jang Geum mới có được thành công như vậy. Còn quay lại năm 1990 mà Hàn Quốc làm những bộ phim như Nàng Dae Jang Geum cũng chả có tác dụng gì về quảng bá ẩm thực. Phim ra đời vào đầu thập niên 2000 mới có khán giả châu Á xem, chứ còn sớm hơn thì hiệu ứng cũng không được như thế", ông Tuấn phân tích.

Cũng trên cơ sở đó, ông Tuấn cho rằng đầu tiên cần thúc đẩy điện ảnh VN phát triển trước rồi mới tính đến chuyện quảng bá ẩm thực qua đó. Bên cạnh đó, việc "nhờ" các kênh điện ảnh nước ngoài như Hollywood cũng là một cách quảng bá đạt hiệu quả.

Đề tài ẩm thực văn hóa cần xã hội hóa thực hiện

Về chủ trương, nhà nước khuyến khích người làm phim đưa lên phim không chỉ ẩm thực, mà mọi yếu tố văn hóa, bản sắc văn hóa Việt đều được khuyến khích đưa vào phim. Điều này cũng nằm trong chủ trương giới thiệu, phát huy, quảng bá văn hóa, đất nước, con người VN.

Hiện tại, nhà nước chỉ tài trợ, hay phim nhà nước tài trợ chỉ có đề tài lịch sử cách mạng, lãnh tụ, dân tộc, thiếu nhi. Còn những đề tài như ẩm thực, kể cả văn hóa, bây giờ không thuộc diện được nhà nước tài trợ. Cho nên muốn làm phim về ẩm thực, cái đó xã hội hóa làm thôi chứ đừng cái gì cũng yêu cầu nhà nước phải đầu tư quan tâm.

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT-DL)

Theo Thanh niên