Thông tin từ Ban Gia đình - Xã hội, TƯ Hội LHPN Việt Nam - ban chuyên môn được phân công nhiệm vụ là đầu mối, tham mưu thực hiện Chương trình "Mẹ đỡ đầu" do TƯ Hội LHPN Việt Nam phát động cho thấy, qua báo cáo của 43 tỉnh/thành phố có 47.780 trẻ mồ côi, trong đó có 4.037 trẻ mồ côi do Covid-19, đặc biệt có 85 em mồ côi cả cha lẫn mẹ. Đến ngày 21/4, các cấp Hội đã vận động, kết nối, hỗ trợ, đỡ đầu được 5.444 trẻ mồ côi, trong đó có 1.653 trẻ mồ côi do Covid-19 và 3.791 trẻ mồ côi do các nguyên nhân khác.

Xây dựng các điển hình “Mẹ đỡ đầu”, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng - Ảnh 1.

Các đại biểu dự Hội thảo

Ở cấp TƯ, thông qua mạng lưới nữ lãnh đạo là nữ Ủy viên Ban Chấp hành TƯ Hội LHPNVN khối bộ ngành, các ban TƯ Hội đã huy động nhận đỡ đầu 216 cháu với tổng giá trị hỗ trợ dự kiến khoảng 15 tỷ đồng. Ngoài hỗ trợ bằng tiền mặt, nhiều đơn vị, cá nhân đã cam kết sẽ đồng hành cùng Hội hỗ trợ tư vấn tâm lý cho các con và người chăm sóc, nuôi dưỡng các con.

Hưởng ứng Chương trình, Đảng ủy cơ quan TƯ Hội LHPNVN có công văn đề nghị mỗi chiđảng bộ trực thuộc Đảng bộ cơ quan TƯ Hội nhận đỡ đầu 1 cháu mồ côi do Covid-19. Hiện các chi/đảng bộ trực thuộc đã hoàn thiện các bước lập danh sách, xác minh thông tin, hoàn cảnh của trẻ mồ côi, thông tin về người nuôi dưỡng, cách thức đỡ đầu, cách huy động nguồn lực… Trên cơ sở đó có Kế hoạch hỗ trợ cụ thể từ 1 cháu trở lên.

Ở cấp tỉnh/thành Hội, ngay sau khi phát động Chương trình đã có nhiều tỉnh/thành Hội nhanh chóng hưởng ứng, kết nối, vận động được nhiều tập thể, cá nhân nhận làm "Mẹ đỡ đầu" với nhiều cách làm sáng tạo. Điển hình như ở Đồng Tháp đã có 113 tổ/nhóm mẹ/CLB tự nguyện thành lập đỡ đầu 141 trẻ mồ côi do Covid-19 và 228 trẻ mồ côi do nguyên nhân khác và phân công các mẹ luân phiên để các con được chăm sóc chu đáo, luôn có hơi ấm, tình thương yêu của người mẹ. Hội LHPN TPHCM tổ chức Lễ ký kết với Hội Doanh nhân trẻ VN bảo trợ 682 trẻ mồ côi do dịch Covid-19 đến năm 18 tuổi với tổng kinh phí dự kiến trên 100 tỷ đồng…

Xây dựng các điển hình “Mẹ đỡ đầu”, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng - Ảnh 2.

Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Tổ chức, TƯ Hội LHPNVN Bùi Thị Hồng phát biểu tại Hội thảo

Mặc dù Chương trình Mẹ đỡ đầu đạt được những kết quả tích cực bước đầu, tuy nhiên cũng qua báo cáo của các tỉnh/thành phố vẫn còn hơn 2.000 trẻ mồ côi do Covid-19 và nhiều trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn do các nguyên nhân khác vẫn chưa được hỗ trợ, giúp đỡ.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nêu lên một số kinh nghiệm bước đầu trong triển khai thực hiện Chương trình tại các ban/đơn vị TƯ Hội, đặc biệt là trong công tác lập danh sách, xác minh thông tin, hoàn cảnh của trẻ mồ côi; thông tin về mẹ đỡ đầu, người nuôi dưỡng; cách huy động nguồn lực… Qua thực tế cho thấy, để việc đỡ đầu đảm bảo đúng đối tượng, ngoài Ban Gia đình Xã hội là đầu mối cung cấp danh sách thì các ban/đơn vị làm mẹ đỡ đầu phải trực tiếp xác minh thông tin thông qua nhiều kênh: Hội LHPN địa phương, chính quyền cơ sở và trực tiếp từ gia đình có trẻ mồ côi… Đồng thời, thông tin phải được cập nhật đến thời điểm lập Danh sách.

Về việc huy động nguồn lực: Ngoài sự đóng góp của cán bộ, đảng viên, quần chúng trong ban/đơn vị, các ban/đơn vị có thể huy động các mạnh thường quân; những người có uy tín, có ảnh hưởng trong xã hội… qua các mối quan hệ của mình; vận động người thân, bạn bè tham gia hỗ trợ giúp đỡ bằng vật chất hoặc các thế mạnh của mình như: Tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm, dạy ngoại ngữ…

Trong quá trình thực hiện nên mã số hóa hồ sơ để thuận tiện theo dõi và công nghệ hóa hồ sơ lưu trữ: Quay video, chụp ảnh các hoạt động, lập nhóm chia sẻ kinh nghiệm đỡ đầu trong các ban/đơn vị, xây dựng các điển hình Mẹ đỡ đầu với các câu chuyện điển hình. Qua đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân rộng các điển hình.

Để Chương trình triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Tôn Ngọc Hạnh cho rằng cán bộ, công chức, viên chức Cơ quan TƯ Hội cần phải hiểu rõ nội dung, thông suốt trước. Ban Gia đình - Xã hội làm đầu mối cùng các ban liên quan tham mưu xây dựng hướng dẫn, quy chế đảm bảo tính pháp lý. Nên có phần mềm, mã số hóa hồ sơ trẻ được đỡ đầu trong toàn hệ thống Hội để dễ theo dõi. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các mạnh thường quân, các gia đình và cộng đồng xã hội để Chương trình ngày càng hiệu quả hơn. Chú trọng đảm bảo an toàn cho trẻ.

Chương trình "Mẹ đỡ đầu" là chương trình với các hoạt động dài hơi (đỡ đầu các con đến 18 tuổi" và là hoạt động chưa có tiền lệ nên theo Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPNVN Đỗ Thị Thu Thảo: Chương trình cần phải được dày công nghiên cứu với việc xây dựng Kế hoạch kỹ lưỡng, cụ thể; xây dựng các quy định, quy chế triển khai thực hiện trong toàn hệ thống Hội trên tinh thần: Tự nguyện và tôn trọng các quy định của pháp luật về quyền trẻ em; hỗ trợ phù hợp với nhu cầu của trẻ; công khai, minh bạch nguồn hỗ trợ, đối tượng được thụ hưởng; có sự phối hợp chặt chẽ giữa tổ chức Hội…

Lan Hương