leftcenterrightdel
Chương trình “Mẹ đỡ đầu” của Hội Phụ nữ Công an TP Cần Thơ là một trong những mô hình, phần việc tiêu biểu của Hội phụ nữ Bộ Công an trong nhiệm kỳ 2016 - 2021 

Tại hướng dẫn số 62/HD-ĐCT ngày 9/12/2021, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam nêu rõ: Chương trình "Mẹ đỡ đầu" do Hội LHPN Việt Nam triển khai nhằm vận động cán bộ, hội viên, các tổ chức, cá nhân tích cực hưởng ứng Chương trình, nhận đỡ đầu, hỗ trợ chăm sóc/nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, trước mắt chương trình tập trung vào đối tượng trẻ em mồ côi do dịch bệnh Covid-19 có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện để các em được phát triển toàn diện trong môi trường gia đình, cộng đồng. Đối với địa bàn có trẻ em mồ côi sinh sống, chương trình hướng tới mục tiêu đảm bảo 100% trẻ mồ côi do Covid-19 tại địa bàn đều có "Mẹ đỡ đầu". Đối với địa bàn không có trẻ em mồ côi sinh sống, chương trình hướng tới mục tiêu đảm bảo 100% cơ sở Hội tham gia hưởng ứng Chương trình "Mẹ đỡ đầu". Tối thiểu, mỗi đơn vị đăng ký nhận đỡ đầu ít nhất 01 trẻ mồ côi do Covid-19 cho đến khi trẻ đủ 18 tuổi. Tùy điều kiện của địa phương, các cấp Hội có thể mở rộng đối đến đối tượng trẻ mồ côi do các nguyên nhân khác.

Về cách thức thực hiện, Mẹ đỡ đầu (cá nhân, cán bộ, hội viên, phụ nữ hoặc tập thể, đơn vị, tổ chức nhận chăm sóc, đỡ đầu) có thể đỡ đầu trực tiếp như chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tại nhà hoặc lựa chọn hình thức hỗ trợ phù hợp như: Hỗ trợ nhu yếu phẩm, sinh hoạt phí, chi phí học tập, chi phí khám và chữa bệnh…; hoặc đỡ đầu gián tiếp thông qua Hội phụ nữ địa phương/người trực tiếp chăm sóc thay thế (hỗ trợ nguồn lực).

Theo đó, các cấp Hội cần triển khai, truyền thông, vận động, hỗ trợ thực hiện Chương trình; Tổ chức hoặc kết nối các hoạt động nâng cao năng lực, hỗ trợ; Tiếp nhận, quản lý và điều phối nguồn hỗ trợ Chương trình; Giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ trẻ em mồ côi ở các địa phương theo chức năng của tổ chức Hội. Hỗ trợ, hướng dẫn trẻ em mồ côi và gia đình tiếp cận được đầy đủ chính sách của Nhà nước.

Ngoài ra, các cấp Hội cần theo dõi, đánh giá và vận động chính sách; Tổ chức các hoạt động tham vấn, vận động xây dựng cơ chế giám sát, điều phối, quản lý chặt chẽ, hiệu quả nguồn lực vận động hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi. Định kỳ tổ chức sơ kết, đánh giá thực hiện Chương trình, biểu dương khen thưởng, động viên kịp thời.

Văn bản cũng hướng dẫn hoạt động cụ thể của từng cấp Hội nhằm triển khai chương trình một cách hiệu quả. Về kinh phí thực hiện, chương trình được thực hiện bằng ngân sách nhà nước và Nguồn lực xã hội hóa.

leftcenterrightdel
 

Sự hưởng ứng nhanh chóng và rộng rãi

Với ý nghĩa nhân văn cao cả, chương trình "Mẹ đỡ đầu" đã nhanh chóng nhận được hưởng ứng rộng rãi. Tháng 11/2021, Mạng lưới lãnh đạo nữ Ủy viên Ban Chấp hành TƯ Hội LHPN Việt Nam khối Bộ, Ngành đã phối hợp với Ban Nữ công của Tòa án Nhân dân tối cao tổ chức Lễ phát động phong trào hưởng ứng Chương trình "Mẹ đỡ đầu".

Theo kế hoạch, Mạng lưới sẽ triển khai hoạt động hỗ trợ và đỡ đầu trẻ em vị thành niên, mồ côi cha, mẹ do dịch Covid-19, có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi trẻ em được hỗ trợ ban đầu với mức 2 triệu đồng. Đối với một số trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt (bị bệnh hiểm nghèo, gia đình nuôi dưỡng đặc biệt khó khăn…) thì mức hỗ trợ một lần từ 10 triệu đến 20 triệu đồng/em.

Ngoài ra, tùy điều kiện cụ thể, các thành viên Mạng lưới sẽ tự mình hoặc phối hợp với Công đoàn, Ban nữ công Bộ, Ngành, đơn vị mình tự nguyện hỗ trợ như chăm sóc, nuôi dưỡng hoặc hỗ trợ vật chất, tinh thần, hỗ trợ học tập… cho các em có cuộc sống ổn định, phát triển tốt.

Hoạt động hưởng ứng Chương trình "Mẹ đỡ đầu" này được thực hiện gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ 1/11/2021 đến 31/12/2022 hỗ trợ và đỡ đầu trẻ em dưới 18 tuổi mồ côi cha, mẹ do Covid-19 có hoàn cảnh khó khăn tại Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM. Giai đoạn 2 từ 1/4/2022 đến 31/12/2024, hỗ trợ và đỡ đầu trẻ em dưới 18 tuổi mồ côi cha, mẹ do dịch Covid-19 có hoàn cảnh khó khăn tại 63 tỉnh, thành cả nước.

leftcenterrightdel
Chương trình “Mẹ đỡ đầu” của Hội Phụ nữ Công an TP. Cần Thơ là một trong những mô hình, phần việc tiêu biểu của Hội phụ nữ Bộ Công an trong nhiệm kỳ 2016 - 2021 

Tại các địa phương, sự hưởng ứng chương trình cũng diễn ra nhanh chóng. Hội LHPN tỉnh Bình Dương và Hội nữ doanh nhân tỉnh đã tổ chức hỗ trợ trẻ mồ côi do dịch Covid-19 từ chương trình "Mẹ đỡ đầu". Hiện đã có 38 nữ doanh nhân nhận đỡ đầu, hỗ trợ 105 trẻ (tuổi từ 1 đến 16). Trước mắt, trong 1 năm đầu, mỗi bé sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng với tổng số tiền hơn 1,2 tỉ đồng. Sau 1 năm thực hiện chương trình, hai đơn vị sẽ có đánh giá kết quả cũng như nắm bắt nguyện vọng, nhu cầu của các bé, người giám hộ để điều chỉnh phù hợp.

Mới đây, Hội LHPN huyện Nông Cống (Thanh Hoá) cùng các Hội LHPN xã Yên Mỹ, Trường Sơn và Hội LHPN thị trấn Nông Cống cũng đã nhận đỡ đầu 8 cháu bé mồ côi mẹ. Đây là con em của 4 nữ công nhân tại công ty Giày Kim Việt, đã tử vong do bị sốc phản vệ sau tiêm vaccine xảy ra cuối tháng 11/2021. "Chúng tôi sẽ thường xuyên thăm hỏi, giúp đỡ các cháu lúc khó khăn. Hằng năm, Hội LHPN Nông Cống sẽ hỗ trợ tiền mua sách vở, quần áo để các cháu đến trường", đại diện Hội LHPN huyện Nông Cống cho biết.

Tính đến ngày 29/10/2021, Hội Phụ nữ Công an TP Cần Thơ đã phối hợp tham mưu nhận bảo trợ chi phí học tập, mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể đến năm 18 tuổi cho 11 em có cha, mẹ mất vì Covid-19 trên địa bàn thành phố; đồng thời, hỗ trợ chi phí quần áo, sách vở, xe đạp cho các cháu đến trường vào đầu năm học mới; phối hợp hỗ trợ tiền mặt cho 4 cháu tại huyện Phong Điền và quận Bình Thủy; tiếp tục tổ chức đoàn đến thăm, động viên và tặng quà (tiền mặt, nhu yếu phẩm, sữa, gạo) cho 15 em có cha, mẹ mất vì Covid-19 trên địa bàn.

Theo báo cáo nhanh của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến hết ngày 14/10, cả nước hơn 2.184 trẻ mồ côi, không nơi nương tựa do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Hải Yến