“Đội quân tóc dài” ra đời trong phong trào Đồng khởi của tỉnh Bừn Tre năm 1960 sau khi có Nghị quyết Trung ương số 15 mở ra con đường đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ tranh của cách mạng miền Nam, phát động hàng chục triệu lượt quần chúng yêu nước nổi dậy thành cao trào Đồng khởi.
Phong trào bắt đầu bùng nổ ngày 17/1/1960 tại 3 xã: Định Thuỷ, Phước Hiệp, Bình Khánh của huyện Mỏ Cày tỉnh Bến Tre. Sau đó phong trào đã lan rộng ra 47 xã thuộc 6 huyện của tỉnh Bến Tre. Dưới sự lãnh đạo của tỉnh uỷ Bến Tre chị em đã cùng đồng bào nổi trống gõ mõ, gây tiếng nổ, kéo lực lượng vây đồn, đốt bốt, hù doạ địch, gọi hàng binh sĩ, tước súng để trang bị cho lực lượng quần chúng diệt tề, phá kìm kẹp, giải phóng cho 22 xã, phá khu dồn dân, giành quyền làm chủ cho 22 xã khác. Trong cuộc nổi dậy này, đã xuất hiện người nữ lãnh đạo tài tình Nguyễn Thị Định.
Cuộc nổi dậy tấn công địch của quần chúng đã liên tục giành thắng lợi và phong trào Đồng khởi ngày càng lan rộng. Chị em đã đấu tranh trực diện đòi địch chấm dứt càn quét, bắn giết nhân dân với những khẩu hiệu đấu tranh sắc bén, đã tranh thủ được sự ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân, làm cho địch phải lùi bước trước sức đấu tranh của quần chúng.
Trung ương cục miền Nam đã đánh giá thắng lợi to lớn của phong trào Đồng khởi của tỉnh Bến Tre và coi đó là hình thức khởi nghĩa tiêu biểu ở vùng nông thôn, đồng bằng với 2 phương châm (chính trị, vũ trang), tấn công địch bằng 3 mũi giáp công (chính trị, binh vận kết hợp với vũ trang), đặc biệt là sự xuất hiện của “Đội quân tóc dài” tấn công trực diện vào cơ quan đầu não của địch.
Từ thắng lợi này, khắp đồng bằng Nam Bộ và các tỉnh miền Trung đến Tây Nguyên, quần chúng nhân dân đã nhất tề nổi dậy thành phong trào Đồng khởi của toàn Miền Nam với khí thế to lớn chưa từng có.
Tổng kết phong trào Đồng khởi năm 1960, đã có 9 triệu lượt quần chúng nổi dậy, gần 1 triệu lượt phụ nữ đấu tranh trực diện kết hợp với lực lượng vũ trang góp phần làm tan rã trên 2 vạn binh lính và dân vệ, phá kìm kẹp 895 xã trên tổng số 1.193 xã ở miền Nam.
Trong khí thế sôi nổi của phong trào Đồng khởi , ngày 20/12/1960. Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. Ngày 8/3/1961, Hội Liên hiệp giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập là ngọn cờ hiệu triệu, tập hợp, đoàn kết các tầng lớp phụ nữmiền Nam tham gia cùng nhân dân miền Nam trong cuộc dấu tranh chống Mỹ cứu nước. Cũng từ đó: “Đội quân tóc dài” -lực lượng đấu tranh 3 mũi kiên cường của phụ nữ miền Nam vững bước tiến lên.
Suốt các giai đoạn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, chị em đã cùng quân và dân miền Nam đánh trả “cuộc chiến tranh đặc biệt”, “chiến tranh cục bộ ” và “Việt Nam hoá chiến tranh” của bọn Mỹ Ngụy. Chị em chẳng những đấu tranh trực diện với bọn Mỹ Ngụy mà còn đấu tranh đối mặt với bọn Mỹ và bọn chư hầu. “Đội quân tóc dài ” đã kiên cường và liên tục đấu tranh phá ấp chiến lược, chống bình định nông thôn, chống hành quân càn quét, chống phi pháo huỷ diệt và dồn quân bắt lính của Mỹ Ngụy.
“Đội quân tóc dài” đã ngày càng vận dụng nhuần nhuyễn phương châm 3 mũi giáp công. Lực lượng phụ nữ có khả năng tiến hành được cả 3 mũi: chính trị, binh vận và vũ trang. Một phụ nữ cũng có thể đấu tranh được 3 mũi: vừa trực diện đấu lí với địch, vùa khéo léo tranh thủ binh sỹ và tự mình thừa thời cơ diệt ác, trừ gian. Lúc đấu tranh tại chỗ thì các mẹ và các chị kiên cường bám trụ“một tấc không đi, một li không rời”, khi đấu tranh tập trung liên tục tấn công vào sơ hở của kẻ địch để giành thắng lợi, lúc kết hợp vũ trang thì mưu trí sáng tạo và cơ động; hình thức đấu tranh thì vô cùng quyết liệt và phong phú. Tổ chức lực lượng đấu tranh của “Đội quân tóc dài” ngày càng quy củ và linh hoạt: có lực lượng xung kích và chủ công; có hợp đồng lực lượng nhiều địa phương, có tiếp tế, có hậu cần tải thương, khi bị khủng bố có thay quân và bổ sung cần thiết, kiên trì đấu tranh giành cho được thắng lợi.
Với những họat động tài tình nêu trên, “Đội quân tóc dài” được đánh giá: .
Tại các đô thị, lực lượng đấu tranh của “Đội quân tóc dài” bao gồm các tầng lớp phụ nữ như công nhân, tiểu thương, nữ tu, phật tủ, giáo chức, trí thức... Lực lượng phụ nữ đô thị đã phối hợp nhịp nhành với lực lượng phụ nữ vùng nông thôn, vùng ven, các tỉnh Tây Nguyên và phối hợp chặt chẽ với chiến trường làm cho địch vô cùng hoảng sợ. Đảng ta đã đánh giá: Phụ nữmiền Nam không những có thành tích lớn trong đấu tranh binh vận mà còn tỏ ra có năng lực lớn trong đấu tranh vũ trang.
Hàng chục vạn phụ nữ từ miền núi đến đồng bằng và đô thị đã tham gia du kích bám đất giữ làng, tham gia tự vệ làm nhiệm vụ diệt ác phá kìm, giáng cho Mỹ Ngụy những đòn sấm sét ngay tại sào huyệt của chúng.
Từ phong trào Đồng khởi đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, “Đội quân tóc dài” -lực lượng đấu tranh của phụ nữ- đã tham gia trực tiếp đánh giặc, góp phần làm tan rã ngụy quân, ngụy quyền ở cơ sở, giành chính quyền về tay nhân dân.
“Đội quân tóc dài” đã góp phần to lớn vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
“Đội quân tóc dài” xứng đáng là niềm tự hào của phụ nữ và dân tộc Việt Nam .
Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (Theo phunu.hochiminhcity.gov.vn)