Một ngày tháng 9/2020, Thùy Dương, 27 tuổi, hết tiết dạy tại trường quốc tế và về bàn làm việc. Thấy màn hình máy tính báo có thư từ chương trình học bổng Fulbright, cô hít một hơi thật sâu rồi nhấn chuột mở. Dòng chữ cô luôn mong chờ đã xuất hiện: "Congratulations!" (Chúc mừng!).
Dương chạy qua phòng một đồng nghiệp thân thiết thông báo, cả hai ôm nhau khóc vì mừng. Trong giây phút ấy, Dương gọi điện báo tin cho thầy giáo ở trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, tỉnh Quảng Nam. Chỉ đến khi được xem thư, thầy mới dám tin cô học trò nghèo đã chạm đến ước mơ, sau bao biến cố cuộc sống và hai lần nộp hồ sơ thất bại.
Tháng 8 tới, cô giáo 9X sẽ sang Mỹ, bắt đầu hai năm thạc sĩ ngành TESOL (phương pháp giảng dạy tiếng Anh). Những ngày này, Dương bận rộn với lịch trình đi dạy. Cô đã xong hầu hết thủ tục, đang tìm chỗ ở và học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước để không bị sốc khi bắt đầu hành trình mới.
Dương sinh ra ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, trong một gia đình nghèo có hai chị em gái. Tuổi thơ của Dương là những chuỗi ngày sống trong mặc cảm, tự ti về hoàn cảnh gia đình, về ngoại hình, về việc học không tốt bằng bạn bè (ở các môn tự nhiên). Thi đỗ chuyên Anh trường chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Dương mất một thời gian khá dài để hòa nhập.
5 năm trước, mẹ đột ngột qua đời, Dương trở thành lao động chính, vừa lo cho em đi học, vừa chăm ba ốm thập tử nhất sinh. Đến giờ, những ký ức đáng sợ ấy vẫn làm tim cô thắt lại, cổ họng nghẹn đắng, nước mắt chảy dài mỗi khi nghĩ về.
Năm 2016, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm TP HCM, Dương về trường cũ làm giáo viên tiếng Anh và gặp bạn trợ giảng người Mỹ. Nhờ người bạn này, giấc mơ Fulbright của Dương bùng cháy, thôi thúc cô tự tìm thông tin học bổng.
Cô chọn học bổng Fulbright vì mơ ước giúp đỡ cộng đồng và trở thành người có ảnh hưởng tích cực lên học sinh, những đồng nghiệp ở trường và vùng quê cô sống. Ngoài ra, Dương không có nhiều hoạt động xã hội nên các tiêu chí của học bổng chính phủ là phù hợp nhất.
"Tôi rất muốn đi học và con đường duy nhất là săn học bổng. Thẳm sâu bên trong, tôi muốn chứng minh rằng mình không thua kém ai và quan trọng hơn cả, tôi không muốn sau này phải hối hận", Dương tâm sự.
Lần đầu nộp hồ sơ, Dương không biết phải bắt đầu từ đâu. Cô lên mạng tìm hiểu nhưng thông tin về Fulbright hồi đó rất ít. Tình cờ biết đến thầy giáo từng giành học bổng này qua mạng, Dương nhờ thầy định hướng giúp hai bài luận. Nhưng do không có kinh nghiệm, Dương nhầm lẫn và bị loại từ vòng hồ sơ.
Năm sau, cô tiếp tục nộp hồ sơ, được vào vòng phỏng vấn nhưng rơi vào ba ứng viên dự bị. Dương sau đó không được nâng lên danh sách chính thức. Khi đã đến thật gần mơ ước mà không chạm tay được, mọi thứ phải bắt đầu lại, đôi lúc Dương nản chí.
Sau lần tham gia buổi chia sẻ online của những người đạt học bổng năm đó, cô mới thấy cố gắng của mình chưa là gì, thất bại do chưa nỗ lực. "Tôi tiếp tục nộp hồ sơ lần ba và nghĩ nếu lần này cố gắng hơn nữa biết đâu sẽ được", Dương kể.
Với Dương, việc thể hiện mình trong hai bài luận 1.000 chữ là khó khăn nhất. Cô phải viết làm sao để phân biệt mình với hàng nghìn bộ hồ sơ và gây ấn tượng với hội đồng tuyển chọn. Lần nào nộp, cô cũng phải làm lại toàn bộ hồ sơ và trải qua mọi quy trình như lần đầu. Bài luận luôn phải sửa đi sửa lại.
So với hai lần trước, lần thứ ba cô được trải nghiệm nhiều hơn trong công việc giảng dạy, nghiên cứu cũng như các hoạt động khác ở trường. Cô cũng làm chung nghiên cứu với người bạn học thạc sĩ tại Anh, làm quen với một số người giành học bổng Fulbright. Những trải nghiệm học tập của họ, cả cách họ sống và tư duy càng thôi thúc Dương phải cố gắng đi học để phát triển bản thân.
"Cảm giác của tôi sau cuộc phỏng vấn lần ba rất khác. Tôi thỏa mãn với hầu hết câu trả lời, kiểm soát được những gì đã nói. Lần trước, ra khỏi phòng, tôi còn lấn cấn một vài điều, nghĩ có thể làm tốt hơn", Dương chia sẻ.
Cô gái xứ Quảng nhận mình cứng đầu, một khi đã đặt mục tiêu là phải cố gắng đạt được và sẽ kiên trì đến lúc thành công. Cô tin mọi thứ xảy đến với mình, dù hạnh phúc hay khổ đau, đều có lý do của nó. "Khi cuộc đời cho bạn một cơ hội, trước tiên nó sẽ cho bạn nhiều thử thách. Chỉ đến lúc vượt qua được, bạn mới xứng đáng với cơ hội được trao", Dương nói.
Dương cho rằng đậu học bổng Fulbright không phải vì xuất sắc mà là người phù hợp. Đó cũng là cơ hội cô xứng đáng được nhận khi đã vượt lên những ý nghĩ tiêu cực của bản thân và phấn đấu cho điều tốt đẹp phía trước. Dương biết ơn những lời khuyên và sự giúp đỡ chân thành từ các bạn và anh chị đi trước. Cô muốn sau này khi đã cứng cáp, có thể giúp đỡ người khác như một cách trả ơn những ai đã, đang và sẽ giúp đỡ cô trong đời.
Sau mấy năm nay đi làm, Dương tích góp được chút ít, hy vọng có thể đủ trang trải cho gia đình trong mấy năm xa nhà. Em gái Dương đã ra trường, đi làm, có thể tự lo và chăm sóc ba. Cô may mắn khi được cả nhà ủng hộ đi học.
Học xong, cô giáo trẻ muốn trở thành chuyên viên đào tạo giáo viên và mentor (cố vấn) cho học sinh ở quê, những người trẻ tài năng nhưng thiếu định hướng xin học bổng của trường hay chính phủ để vươn ra thế giới.
Với những trải nghiệm trong suốt quá trình xin học bổng và hai năm học ở Mỹ, Dương tin sẽ có đủ kiến thức, kỹ năng và trải nghiệm để trở thành một phiên bản tốt hơn cho những học sinh và đồng nghiệp tương lai của mình.
Theo vnexpress