Mùa thu Nhật Bản không chỉ quyến rũ bởi sắc đỏ, vàng, cam của những cánh rừng chuyển sắc dịp tháng 9-10-11 mà còn nổi tiếng bởi mùa hoa bỉ ngạn đỏ rực. Loài hoa này mang nhiều ý nghĩa đặc trưng trong văn hóa Á Đông, trong đó, ở Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đều có những truyền thuyết tương tự nhau.

Hoa bỉ ngạn Nhật Bản thưởng nở sớm, báo hiệu mùa thu khoảng cuối tháng 9 cho tới hết tháng 10. Hoa có màu đỏ rực, mọc thành bụi, có chiều cao vài chục cm, thường nở đồng loạt nên tạo ra cảnh sắc biển hoa đẹp đến nao lòng.

Hàng năm, người dân Nhật Bản cũng thường tổ chức các lễ hội ngắm hoa bỉ ngạn vào mùa thu, giống như lễ hội ngắm lá vàng diễn ra sau đó vài tuần. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng Covid-19, nhiều hoạt động đã không được tổ chức.

Du khách tới tham quan, thưởng hoa đều thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang, không đi theo đoàn đông. Một trong những điểm ngắm hoa bỉ ngạn đẹp là công viên Gongendo ở Satte, Saitama.

Ở Nhật Bản, hoa bỉ ngạn được gọi với cái tên manjushage, hay còn được gọi là "hoa địa ngục", "hoa ma quỷ", tượng trưng cho cái chết, chia ly và lãng quên. Theo truyền thuyết, loài hoa mọc dọc theo bờ sông Sanzu, một con sông thần thoại được cho là ngăn cách thế giới dương gian và cõi âm.

Còn trong văn hóa Trung Hoa, hoa bỉ ngạn là loài hoa duy nhất mọc trên đường xuống hoàng tuyền, khi linh hồn trước khi đi qua cầu Nại Hà bắc ngang bờ Vong Xuyên, sẽ gửi toàn bộ ký ức của mình cho hoa bỉ ngạn. Dù là đau khổ tột cùng hay yêu thương thắm thiết, hoa bỉ ngạn đều thu nhận những hồi ức đó. Ở Nhật, loài hoa này còn có tên gọi khác là "hoa hồi ức đau thương", ở Triều Tiên - Hàn Quốc là "hoa nhung nhớ", ở Trung Quốc là "hoa ưu mỹ thuần khiết".

Hoa có màu đỏ tươi, càng rực rỡ dưới nắng. Khi hoa nở, lá sẽ rụng, chỉ còn lại phần đài hoa đỏ phía trên và thân cây xanh phía dưới.

Hoa bỉ ngạn mọc trong tự nhiên ở Nhật. Một số điểm ngắm hoa đẹp ở xứ sở phù tang như cánh đồng Kinchakuda (thành phố Hidaka, tỉnh Saitama), công viên Kenei Gongendo, đền Gugyo-ji, Anao-ji, Katsuragi Hitokotonushi, sông Yakachi và bảo tàng tưởng niệm Nankichi Niimi.

Theo ngoisao