Tại hội thảo trực tuyến "Talk With Scotch" do Trường Quốc tế Đơn ngữ Scotch AGS tổ chức, bà Rebecca Ball, Phó Tổng lãnh sự kiêm Tham tán thương mại cấp cao thuộc Ủy ban thương mại và đầu tư Australia (Austrade) chia sẻ nhiều chính sách của Australia trong giai đoạn tới:
Đầu năm, nước này mở cửa biên giới đón du học sinh sau thời gian dài áp dụng những biện pháp phòng dịch cứng rắn. Trong bối cảnh hiện tại, hỗ trợ và thu hút học sinh, sinh viên quốc tế đến Australia là một trong những mục tiêu hàng đầu của Austrade.
Mới đây, cổng thông tin chính thức của đơn vị đã được thiết kế nhằm tạo nên một kênh tham khảo thông tin cần thiết về ngành học cho du học sinh. Trang này có thể gợi ý những lợi ích của ngành học để học sinh hình dung rõ hơn về triển vọng nghề nghiệp, hành trang cần thiết để phát triển xa hơn trong sự nghiệp.
Bà Rebecca Ball cho biết, trong thời gian tới, Austrade cũng sẽ tăng cường sự hiện diện và gần gũi với học sinh, sinh viên Việt Nam thông qua những chuyến thăm trường học, ngày hội du học. Tổ chức còn thực hiện chiến dịch quảng bá du học Australia trên truyền hình ở Việt Nam, dự kiến tiếp cận khoảng 20 triệu lượt theo dõi.
Bên cạnh đó, Austrade sẽ hợp tác làm việc chặt chẽ hơn với các tổ chức tư vấn du học để họ hỗ trợ phụ huynh và sinh viên Việt Nam hiệu quả hơn trong việc nắm bắt cơ hội học tập tại Australia.
Theo bà, những yếu tố trên cũng là một trong những cơ sở để các chuyên gia nhận định nhu cầu học tập và hưởng thụ nền giáo dục của Australia sẽ gia tăng đáng kể. Theo đó, nhiều tổ chức giáo dục sẽ triển khai các chương trình học tập chuẩn Australia với nhiều hình thức khác nhau, trong đó có mô hình học tại Việt Nam.
Về yếu tố đảm bảo chất lượng của chương trình học quốc tế, bà Rebecca Ball nhận định, phụ huynh có thể an tâm với điều ở Australia bởi tất cả nhà cung cấp dịch vụ giáo dục đều phải tuân theo tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt dựa trên các đạo luật về dịch vụ Giáo dục dành cho du học sinh quốc tế (ESOS Act), được kiểm soát bởi Chính phủ Australia.
Đạo luật có những quy định chặt chẽ buộc cơ sở giáo dục đáp ứng khi muốn tuyển sinh quốc tế, bao gồm chuẩn mực về hoạt động giảng dạy, cơ sở vật chất, dịch vụ hỗ trợ sinh viên,... Điều này đảm bảo quyền lợi cho sinh viên khi đăng ký theo học tại bất cứ chương trình nào của Australia, đặc biệt là những chương trình được triển khai bên ngoài lãnh thổ.
"Sự tin tưởng của phụ huynh là cơ hội tiềm năng đối với các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục Australia", bà Rebecca Ball kết luận.
Lợi thế bất biến của giáo dục Australia
Bà Rebecca Ball tin rằng Australia vẫn luôn là điểm đến ưa chuộng của người trẻ Việt dù trước hay sau dịch. Trong đó, một trong những điểm cộng lớn nhất là khoảng cách địa lý. Điều này cho phụ huynh cảm giác không quá xa con, ngược lại sinh viên cũng thấy gần gia đình hơn so với một số nước ở châu Âu hay Mỹ.
Về mặt vĩ mô, tình hữu nghị, mối quan hệ song phương giữa Việt Nam - Australia đã thiết lập trong thời gian dài, trong đó có lĩnh vực giáo dục, cũng tạo ra nhiều lợi thế. Ví dụ, hai nước luôn có sự tin tưởng với những chương trình đào tạo mới, đồng thời, sẵn lòng tạo nhiều điều kiện cho sinh viên Việt Nam sang Australia khi có cơ hội.
Số đại học chất lượng cao của Australia cũng thuộc nhóm dẫn đầu trên thế giới. Hiện tại, nước này có 13 trường được xếp hạng trong top 200 đại học top toàn cầu, đứng thứ 4 trong các bảng xếp hạng thế giới sau Mỹ, Anh, và Đức.
Bà Rebecca Ball cho biết, khảo sát từ sinh viên thời gian gần đây đã chỉ ra 5 yếu tố quan trọng học sinh, sinh viên chọn học chương trình được cấp bằng của Australia, gồm: chất lượng giảng dạy; danh tiếng; an ninh và an toàn; những hỗ trợ trong học tập và đời sống tinh thần và khung tiêu chuẩn kiểm định nghiêm ngặt.
Với sinh viên Việt Nam, những ngành nghề được quan tâm khi theo học tại Australia khá đa dạng, nổi bật là quản lý - thương mại, công nghệ thông tin và kỹ thuật - y khoa.
Bà Rebecca Ball đánh giá trong thời gian tới, các nhóm ngành y dược hay liên quan đến toán, thương mại sẽ tiếp tục là ưu tiên của sinh viên Việt Nam thời hậu Covid-19. Các ngành như logistics, quản lý chuỗi cung ứng, truyền thông,... cũng đang một đòi hỏi nguồn nhân lực lớn.
Theo vnexpress