Em Nguyễn Bình Nguyên, học sinh lớp 9 trường THCS Nguyễn Tri Phương (Ba Đình, Hà Nội) là người đạt giải nhất cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 51. Bức thư được công bố đã khiến nhiều người xúc động, thậm chí ngạc nhiên với lời văn sắc sảo, cách lập luận rõ ràng và đong đầy cảm xúc trong đó.

Tuy nhiên, đi cùng những lời khen ngợi thì cũng có ý kiến trái chiều xuất hiện, khi cho rằng nó quà già dặn so với tư duy của một đứa trẻ. Nhiều người còn hoài nghi về tác giả của nó có đúng của một đứa trẻ lớp ̣9 hay không?

Mẹ của Bình Nguyên, chị Nguyễn Thị Huyền Hậu, cũng là một cô giáo dạy Ngữ Văn ở trường THCS Nguyễn Tri Phương. Chị đã có nhiều năm tâm huyết với nghề gieo cảm hứng chữ nghĩa cho con trẻ.

Trước những ý kiến trái chiều nhận được, dù vốn không thích sự ồn ào, nhưng chị đã quyết định trải lòng từ góc nhìn của một người từng "được" trải qua cảm giác "SỮNG SỜ", "HOẢNG HỐT" và "KÍNH PHỤC" trước những trang viết của lũ trẻ…

Chính chị đã từng có lần đã phải tự thốt lên: "Trời ạ, người lớn đã làm cái quái quỷ gì, để một đứa trẻ 13 tuổi phải viết ra những dòng này?"...

Mẹ của nam sinh đạt giải nhất viết thư UPU 51:

Tôi cảm thấy hơi "choáng" khi tiếp nhận ý kiến ở cả 2 chiều

- Sau khi Bình Nguyên đạt giải nhất cuộc thi UPU lần này, dư luận cũng có nhiều ý kiến khác nhau, người khen ngợi rất nhiều nhưng ý kiến trái chiều cũng có, chính chị ban đầu cũng từ chối cuộc phỏng vấn này, thực tế chị đã nghĩ gì?

Thú thực tôi cảm thấy hơi "choáng" khi tiếp nhận ý kiến ở cả 2 chiều.

Những lời khen thực sự lớn hơn bản thân con. Đúng là Nguyên đã rất cố gắng và tâm huyết với lá thư này, nhưng đây không phải toàn bộ cuộc sống của con. Trong thực tế, con vẫn là một cậu bé đang tuổi lớn với những lo lắng, trăn trở, băn khoăn, tò mò; con cũng có những mối quan tâm nhảm nhí như các bạn cùng lứa, cũng hay chọc ghẹo cô em gái…

Những hiểu biết thể hiện trong thư không phải là hiểu biết thường ngày của một cậu bé 15 tuổi, bởi để hoàn thành lá thư, con đã phải tìm hiểu rất nhiều thông tin trong sách báo, trên mạng, xem qua TV và chọn lọc tư liệu cho phù hợp. Những cảm xúc vốn có sẽ được làm đầy trong quá trình tìm hiểu đó. Câu từ và lập luận cũng có một thời gian dài để mài giũa, chỉnh sửa. Năm nào cũng thế, BTC phát động và nêu đề tài từ khoảng tháng 10-11, và thu bài đến khoảng hết tháng 2. Nghĩa là Nguyên cũng như các bạn có thời gian gần nửa năm để hoàn thành lá thư của mình.

 

Ngay từ lần đầu tiên tôi đọc những lời bình luận về lá thư, tôi đã gặp những nghi ngờ, băn khoăn, nhưng nó được đưa ra một cách rất lịch sự và chừng mực. Tôi hoàn toàn tôn trọng điều này, bởi mỗi người đều có quyền cảm nhận và bày tỏ cảm nhận của mình.

Thực tế tôi không (dám) đọc hết những bình luận hay ý kiến trái chiều gay gắt, vì tôi hiểu mình không chịu nổi. Nhưng thật bình tĩnh, tôi nhận ra đôi khi mọi người nghi ngờ hay phản ứng do chưa rõ vấn đề cốt yếu.

- Chị có thể ví dụ cụ thể về những ý kiến trái chiều mà chị đã có cảm giác "không chịu nổi" và khi... đủ bình tĩnh chị sẽ phản hồi như thế nào?

* Ví dụ 1, có ý kiến cho rằng ở lứa tuổi này, sao con không viết về bạn bè, học hành mà lại gồng mình viết về biến đổi khí hậu. Thực ra lựa chọn này của tất cả các bạn viết thư năm nay, vì đó là đề tài của cuộc thi lần thứ 51, do Liên minh bưu chính thế giới đặt ra. Con hay các bạn không lựa chọn.

Đối với tôi, và tôi tin đối với nhiều giáo viên dạy văn khác cũng thế, cuộc thi Viết thư quốc tế UPU là cơ hội cho một hoạt động Ngữ văn đầy sáng tạo và ngẫu hứng trong trường – thoát ra ngoài thế giới khuôn mẫu của sách giáo khoa hay thi cử. Nó không đơn giản là ngồi coi thi 120 phút rồi thu bài, là kiểm tra năng lực tại chỗ của học sinh. Nó là một quá trình.

Nỗi lòng của mẹ nam sinh đạt giải nhất cuộc thi viết thư UPU lần 51

 

Với cuộc thi này, thầy và trò sẽ có một chủ đề đáng giá để thảo luận (đã từng có năm, học sinh của tôi tổ chức hẳn một "hội thảo" để bàn về vấn đề mà UPU đặt ra). Nó là cơ hội để các con tìm hiểu về một vấn đề cấp thiết mà trong cuộc sống hàng ngày đôi khi con không để ý. Biết nhiều về nó, con sẽ tự mình gom góp và nuôi dưỡng những xúc cảm tích cực về thế giới, sẽ khiến đứa trẻ lớn hơn khi tự thấy trách nhiệm của mình với xung quanh.

Lên ý tưởng, viết, đọc cho nhau nghe rồi chỉnh sửa lá thư UPU cũng là lúc để bọn trẻ rèn giũa ngôn ngữ, để thấy rằng vốn từ của mình đang tăng lên, thấy rằng ý tưởng của mình diễn đạt thế nào cho rõ nét và cảm xúc nhất.

Cho nên sau một "cuộc" viết thư UPU, thì bản thân mỗi đứa trẻ viết một cách nghiêm túc và tâm huyết đều có những trưởng thành nhất định. Cơ hội có giải không nhiều, nhưng cơ hội được rèn giũa như thế là dành cho tất cả mọi người.

Được đọc bài, được đồng hành với bọn trẻ từ ý tưởng tới lúc lá thư hoàn thiện là một nguồn vui bất tận – cái vui không bao giờ lặp lại, bởi chẳng có đứa trẻ nào giống nhau cả.

* Ví dụ 2, có nhiều ý kiến nói rằng ngôn ngữ và cách lập luận già đanh, không phải của trẻ 14-15 tuổi mà nhất định là do người lớn làm hộ, mớm lời. Tôi nghĩ rằng là do mọi người chưa từng "được" choáng ngợp bởi trang viết của lũ trẻ.

Là một giáo viên dạy văn, tôi hiểu sức mạnh của ngôn ngữ

- Những "trang viết choáng ngợp", tôi muốn chị nói kỹ hơn về nó để người ngoài cuộc có thể hiểu...

Tôi dạy học sinh cả phần viết tự do (sáng tác) và phần đội tuyển học sinh giỏi, nên cái cảm giác sững sờ tôi đã gặp nhiều.

Cậu bé Trần Ngọc Lân, khi học lớp 7 đã viết truyện "Lòng nhân đạo" chặt chẽ đến từng chữ về một cô gái đi châu Phi cứu trợ xã hội. Rồi ngay truyện ngắn tiếp theo, cậu viết về xung đột gia tộc, mà trong trang đầu tiên là một xác chết đặt lên bàn tiệc khiến cả các nhân vật và người đọc đều… phát sợ.

Cô bé Nguyễn Trần Ban Mai nửa đêm gửi email cho tôi một truyện ngắn, mà đọc xong trong đầu tôi chỉ có một câu hỏi: Trời ạ, người lớn đã làm cái quái quỷ gì, để một đứa trẻ 13 tuổi phải viết ra những dòng này?

Cô bé viết về một con chó săn bị hắt hủi, vào sống trong rừng. Rồi trong quá trình sinh tồn, con chó gặp lại ông chủ. Con chó đã sững người, ghìm lại cơn cuồng nộ của mình vừa kịp khi hàm răng chuẩn bị cắn nát đối thủ vì nó nhận ra chủ cũ. Nhưng rồi chính ông chủ lại nổ súng giết chết nó. Dòng tâm trạng được nhìn từ phía con chó, ghê gớm và dữ dội.

Mẹ của nam sinh đạt giải nhất viết thư UPU 51:

 

Tôi không đề nghị con sửa một chữ nào, lẳng lặng đặt tên truyện là "Lạnh". Câu chuyện này sau đoạt giải B Cây bút tuổi hồng – cuộc thi sáng tác thiếu nhi của Hội Nhà văn. Bác trưởng ban giám khảo cũng nói rằng, bác thao thức đến tận 2h sáng khi đọc câu chuyện ấy.

Cô bé Phương Nhi có lối viết đẹp đẽ và sang trọng đến từng dấu ngắt, ở tuổi 14 đã viết "Người phụ bếp", về chuyến đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ. Tuổi 14, cô bé đứng vững trên ranh giới mỏng manh của truyện ngắn, mà không bị lạc sang ký sự hay ghi chép lịch sử.

Cùng lớp với Phương Nhi là Dương Quốc An, cậu nhóc nghịch chữ như làm xiếc, viết tưng tửng như không về những con người, về tình yêu trong một cuộc nội chiến ở vùng đất… nào đó, chỉ có cậu mới biết.

Rất nhiều, rất nhiều những cái tên như thế nữa. Những đứa trẻ này không lấy viết lách làm nghiệp. Lân hiện là sinh viên kinh tế của BUV, Ban Mai học khối D, Phương Nhi học chuyên Sử còn Quốc An chuyên Ngoại ngữ. Bút nghiên là một sân chơi đẹp đẽ trên con đường các con đi tìm chính mình.

Đấy là chưa nói đến lập luận xã hội trong những bài thi học sinh giỏi, hoặc ngay cả trong nghị luận xã hội trên lớp thường ngày. Bọn trẻ biết cách bàn luận, phản đề, kết nối, mở rộng…

 

Hướng dẫn học trò sáng tác là một việc "ngoài chương trình" khá tốn thời gian, công sức và sự tâm huyết... Tôi có thắc mắc là thời gian nào chị dành cho việc này trong khi các tiết học của mỗi giáo viên dường như luôn "kín việc"?

Tôi sẽ tận dụng thời gian của các tiết luyện tập, tăng cường, phụ đạo; sử dụng các khoảng trống sau khi thi học kì và đọc bài học sinh trong bất kì thời gian rảnh rỗi nào. Đôi khi tôi yêu cầu viết như một bài tập cho phần Tập làm văn tự sự cơ bản lớp 6, tự sự nâng cao lớp 8 hay văn biểu cảm, nghị luận từ lớp 7.

Và việc viết sáng tạo này chỉ có từ lớp 6 đến lớp 8, còn lớp 9 các bạn sẽ tập trung ôn thi vào lớp 10 là chính. Giai đoạn này học sinh đã sử dụng được khá thuần thục các khả năng diễn đạt.

Tôi đã có những "sững sờ", "hoảng hốt" và "kính phục" trước trang viết của bọn trẻ

Nhiều người nói bụt chùa nhà không thiêng, nhưng mà khi Bình Nguyên có mẹ là một cô giáo dạy văn giỏi và tâm huyết thì dường như tư duy văn học của cậu đã được chắp thêm đôi cánh. Chị đã đồng hành cùng con mình trong việc học tập như thế nào, chị mang đến cho con áp lực hay tự do?

Nguyên là con lớn, gia đình tôi cùng cháu lớn lên không có một "lý thuyết" nào cụ thể cả, đôi khi rất cảm tính. Tôi không xác định nổi ranh giới giữa trường phái áp lực hay trường phái tự do, và luôn loay hoay giữa 2 phía đó. Tôi vừa muốn con cái có một tuổi thơ tự do, nhẹ nhàng lại vừa hiểu rằng trẻ con mà không có áp lực sẽ không thể có bản lĩnh vững vàng.

Nhưng là một giáo viên dạy văn, tôi hiểu sức mạnh của ngôn ngữ. Mục tiêu của tôi cho cả con cái và cả học sinh của mình, là con cần cố gắng diễn đạt cho rõ ràng, cảm xúc những gì mình nghĩ. Còn chuyện con nghĩ ra điều gì, nghĩ ra đến đâu để mà diễn đạt, thì phụ thuộc vào tố chất và xu hướng của từng đứa trẻ.

Về việc học hành, con cần tự giác và có trách nhiệm, vậy thôi.

- Người ta nói "Lập thân tối hạ thị văn chương" nhưng người ta cũng nói "văn học là nhân học", chị nghĩ thế nào khi hiện tại nhiều cha mẹ định hướng con mình đi theo những ngành nghề hot có tính kinh tế hơn là nghiệp viết lách? Chị thường gieo tình yêu văn học với học trò của mình như thế nào?

Theo cách nghĩ như trên, lập thân thật không thể thiếu văn chương. Bởi nếu không có khả năng bày tỏ ý tưởng, suy nghĩ của mình thì chúng ta sẽ rất thiệt thòi. Văn chương, theo cách "chơi với chữ nghĩa" đó, là một thuận lợi. Còn theo nghiệp văn hay không, cho Bình Nguyên hay cho các học trò khác của mình, theo tôi là do lựa chọn của bản thân các cháu.

Bài học đầu tiên của tôi cho các con ở tất cả các lứa dạy viết, là bài học về Chân, Thiện, Mỹ và về các giá trị đích thực của văn chương. Nghĩa là trước khi bắt đầu thực sự với văn, các con phải biết trân trọng văn. Có nghiêm túc để bắt đầu thì mới có thể nghiêm túc được trong suốt cả hành trình. Và nghiêm túc, có trách nhiệm với văn cũng là một cách để các bạn nhỏ sống nghiêm túc, có trách nhiệm trong cuộc sống với vô vàn điều khác nữa.

Mẹ của nam sinh đạt giải nhất viết thư UPU 51:

Khi kết hợp văn chương với trẻ nhỏ, tôi đã có được những "sững sờ", những "hoảng hốt", những "kính phục" trước trang viết của bọn trẻ

Thực tế, tôi nhiều lần thất bại, khi bọn trẻ "con chẳng nghĩ ra cái gì cả", "con không có ý tưởng", "con nghĩ ra có thế thôi cô ạ", "con không viết được đâu"… Nhưng cũng không sao, tôi hiểu các bạn ấy hoặc là chưa sẵn sàng, hoặc là thực sự không phù hợp với văn chương.

Nhưng cuối cùng, tôi thấy mình hạnh phúc. Bởi khi kết hợp văn chương với trẻ nhỏ, tôi đã có được những "sững sờ", những "hoảng hốt", những "kính phục" trước trang viết của bọn trẻ; mà nếu không làm một cô giáo, tôi đã chẳng thể nào có được.

Đ.X