Chị Hạnh Dung kính mến,

Vợ chồng tôi vô cùng nhức đầu với chuyện con cái, mong chị giúp cho ý kiến.

Nhà tôi có hai con, một trai một gái. Chúng tôi đã làm việc chăm chỉ, tích lũy tiền và cho các con đi du học nước ngoài. Con gái lớn học xong, lấy chồng và ở lại Úc định cư. Cứ tưởng đến đó là coi như mọi việc đã tốt đẹp, đùng một cái, tôi nghe con gái báo rằng con trai tôi nhất định nghỉ học khi chỉ mới học hết năm thứ 2.

Từ lâu, tôi đã biết con trai giao dịch gì đó trên mạng, kiếm được rất nhiều tiền. Nghe đâu thu nhập của cháu lên tới cả trăm triệu một tháng. Khi cháu nói không cần vợ chồng tôi hỗ trợ học phí nữa, chúng tôi mừng lắm. Nhưng hóa ra đó là cái mầm tai họa.

Cháu tuyên bố với chị gái là sẽ bỏ học để tập trung vào kinh doanh, vì học cũng chỉ để đi làm kiếm tiền, mà bây giờ cháu đã kiếm tiền được rồi, nhiều hơn cả ba mẹ nữa, vậy thì học làm gì? Lúc này điều kiện đang thuận lợi để công việc của cháu phát triển, cháu không muốn bỏ qua cơ hội này, nên quyết định nghỉ học.

Nghe tin đó, vợ chồng tôi hết hồn, vội mua vé bay sang Úc để nói chuyện với cháu. Thì đúng ngày hôm đó, cháu lại mua vé bay về Việt Nam, vì bạn gái cháu bị bệnh. Đến chừng đó, chúng tôi mới biết cháu đi về Việt Nam như đi chợ, vì có tiền riêng, và mỗi lần đi về như vậy, cháu không hề thông báo cho chúng tôi biết. Có khi chỉ về vài ngày, đưa bạn gái đi du lịch rồi lại sang.

Vợ chồng tôi lại lận đận bay về gặp cháu. Nhưng cháu cương quyết không chịu đi học nữa, và hiện cháu đã là người thành công. Vợ chồng tôi la mắng, năn nỉ, giận dỗi cách nào cũng không được. 

Điều khiến chúng tôi lo lắng là công việc của cháu thật ra chỉ theo trào lưu. Nếu một ngày trào lưu đó hết, thì cháu cũng sẽ không còn khả năng kiếm tiền. Liệu lúc đó không có tấm bằng đại học, cháu có thể bắt đầu lại sự nghiệp hay không?

Thế nhưng, cháu vẫn bướng bỉnh nói với chúng tôi rằng cháu không liều và tin ở sự nhanh nhạy của mình, nếu quả thực công việc hiện nay không còn làm ra tiền, cháu cũng sẽ tìm ra hướng đi mới. 

Cháu rất tự tin và cương quyết. Nhưng vợ chồng tôi không an tâm chút nào. Đây là một việc nằm ngoài con đường chúng tôi sắp xếp cho con, mà hướng đi này chúng tôi không biết an toàn và thành công đến đâu.

Xin chị Hạnh Dung giúp chúng tôi thuyết phục cháu quay trở lại học hành, khi nào học xong, có tấm bằng đại học rồi, cháu muốn làm gì chúng tôi cũng không cản, vì chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Cảm ơn chị Hạnh Dung.

Thành Tâm

leftcenterrightdel
 

Anh chị Thành Tâm thân mến,

Người ta bảo bàn tay có ngón dài, ngón ngắn; thì con cái trong một gia đình cũng có đứa thế này, đứa thế kia. Con sẽ có đứa ngoan ngoãn, nghe lời, đi theo mọi con đường bố mẹ vạch ra; cũng có đứa bướng bỉnh, thông minh, bản lĩnh nhưng lại hiếu thắng, phá phách... nên chỉ muốn làm mọi việc theo ý mình... 

Trường hợp như con trai chị ngày nay cũng không phải là hiếm. Cái thời người ta cố gắng hết sức để có tấm bằng đại học, và quan niệm rằng cửa vào đại học là con đường duy nhất để tương lai ổn định, thành công... đã qua. 

Sự nhanh nhẹn, thay đổi, linh hoạt của môi trường sống, môi trường phát triển sự nghiệp, cộng với thành công của một số người nổi tiếng mà không thông qua con đường học vấn, khiến nhiều bạn trẻ có chút bản lĩnh, thông minh và cả sự may mắn, chỉ muốn đi con đường ngắn nhất để đến thành công. Điều đó khiến cho những bậc cha mẹ đã quen với nếp cũ cảm thấy bất ổn, lo lắng.

Có thể nói rằng cả anh chị lẫn cháu chẳng ai sai, ai đúng, chỉ là hai con đường của hai thế hệ đang có chút lệch nhau, vì sự phát triển của thời đại mà hai thế hệ sống đã có nhiều điều khác nhau.

Cách giải quyết tốt nhất là phải trò chuyện, lắng nghe, hiểu nhau, và cho nhau niềm tin sẽ giúp cả hai điều chỉnh những điều chưa trùng khớp, hay những kết quả không như ý.

Niềm tin mà anh chị cần có ở đây, chính là tin vào sự tài giỏi, thông minh của cháu. Ở tuổi cháu có những thành công như vậy, quả là niềm tự hào của bố mẹ. Hãy cho cháu hiểu điều đó. Và cũng đừng vội nói với cháu về những thất bại có thể tới, bởi cách nói đó sẽ khiến cháu nghĩ rằng bố mẹ chỉ coi kết quả này là sự "ăn may" với thời cuộc.

Hãy giúp cháu nhận thức rằng, khi cháu có được những tố chất tốt của một người kinh doanh giỏi để thành công, thì kiến thức học được ở trường lớp, bằng cấp sẽ là một đôi cánh, một cái bệ đỡ giúp cháu đi xa, hay bay cao hơn nữa. Bởi vì, tất cả những gì chúng ta học được ở trường lớp, chính là những điều căn bản nhất để mỗi người có thể dựa vào đó mà phát triển tố chất riêng, bản lĩnh riêng của mình. 

Cứ cho cháu một ví dụ đơn giản, rằng cháu chắc chắn không phải là một người duy nhất giỏi xuất sắc, mà sẽ còn những người khác. Thế thì nếu một lúc nào đó, có một sự chọn lựa giữa hai người giỏi bằng nhau, thì vấn đề bằng cấp có thể là tiêu chuẩn cơ bản để đánh giá khả năng của một người.

Hơn thế nữa, nếu cháu rất tự tin vào bản thân mình, rằng mình đủ giỏi, đủ làm nên sự nghiệp, thì tại sao một việc đơn giản và dễ dàng bao nhiêu người làm được là có một tấm bằng đại học, cháu lại không thể làm được? Một chút kích thích, một chút tự ái được dẫn dắt khéo léo, có thể cũng giúp cháu nhìn lại quyết định của mình.

Dù sao thì cháu cũng còn trẻ, rất trẻ. Và cháu cũng còn khá đủ thời gian để có thể làm nhiều việc, kể cả việc học. Anh chị cứ cho cháu một khoảng thời gian nào đó, giống như là đi vào thực tiễn, để áp dụng những gì mình biết... Một chút nhượng bộ, khéo léo, thậm chí đánh vào tâm lý - tình cảm của cháu, có lẽ giúp anh chị và cháu tìm ra những phương án dung hòa mong muốn, mục đích của cả hai bên dễ dàng hơn. 

Hạnh Dung tin là với sự thông minh, giỏi giang của cháu, sự bình tĩnh thuyết phục, chỉ dẫn trong tinh thần ủng hộ cháu, và thời gian sớm cho cháu những kinh nghiệm... mọi việc của cháu rồi sẽ tốt đẹp. Anh chị đừng quá lo lắng.

Theo phụ nữ TPHCM