Dẫu nguồn gốc có thể nhiều ý kiến, nhưng thực tế ngày nay bộ bà ba cùng với khăn rằn đã trở thành trang phục có giá trị nhận diện, là nét đẹp đặc trưng của đất và người phương Nam.

Bà ba, khăn rằn biểu tượng của đất và người phương Nam - Ảnh 1.

Hoa khôi Huỳnh Thúy Vi, Đại sứ du lịch Cần Thơ, duyên dáng trong bộ bà ba truyền thống.

Sức sống của bộ bà ba

Soạn giả Nhâm Hùng, nhà nghiên cứu văn hóa ở Cần Thơ, cho rằng xa xưa, áo bà ba trong hình hài những chiếc áo dài vạt lửng, nút vải thắt bên hông, nhưng theo thời gian, đã có sự biến đổi cả về kiểu dáng và màu sắc. Từ kiểu vạt hò nút thắt, dần dà biến đổi thành nút bấm ở giữa. Qua thời khẩn hoang, người dân cất đình làng, xây chợ phố, sự giao lưu nhiều hơn qua lễ hội, cưới hỏi, hiếu hỉ, sinh hoạt cộng đồng, từ đó, bộ áo bà ba cũng chuyển biến theo. Ông Hùng nói: "Ban đầu chỉ có màu đen, vải thô bình dị đàn ông, đàn bà mặc đều như nhau thì về sau, áo bà ba được giới nhà giàu, trung lưu, thượng lưu, địa chủ chấp nhận. Họ may thành những chiếc áo bà ba bằng lụa lèo, gấm vóc sang trọng hơn".

Từ xa xưa, bộ bà ba, khăn rằn đã trở thành trang phục và phụ kiện truyền thống không thể thiếu của người Nam bộ với nét đẹp duyên dáng, mộc mạc như chính con người nơi đây.

Những năm 1965 - 1975, có thể xem là thời hoàng kim của áo bà ba. Khắp chốn nông thôn hay các đô thị miền Nam, áo bà ba trở thành trang phục thông dụng trong mỗi gia đình. Những hiệu may bà ba nở rộ ngoài phố, giới thợ may bắt đầu cách tân thêm như xẻ tà áo sâu hơn, chít eo nhiều hơn cho vạt áo ôm theo cơ thể, suôn dài ngang mông. Vạt áo ôm hờ theo những đường cong cơ thể, vóc dáng nuột nà của người mặc cũng như được tôn lên. Và mỗi khi đến dịp lễ tết, hội hè, những thiếu nữ xinh tươi lại xúng xính diện những bộ bà ba sắc màu rực rỡ, hớp hồn bao chàng trai trẻ.

Sau này, những bộ bà ba đủ màu sắc trắng, xanh, đỏ, tím, vàng… xuất hiện ngày càng nhiều. Kiểu dáng áo bà ba cũng dần được cách tân đa dạng hơn, từ cổ tròn truyền thống thành cổ trái tim, cổ cánh sen, cổ bẹt… Quần mặc chung với áo bà ba không chỉ là màu đen, trắng đơn điệu mà đã xuất hiện bà ba complet (áo, quần đồng màu - PV).

Mặc dù ngày nay, âu phục "chiếm sóng" nhưng bộ bà ba vẫn có một vị trí thiêng liêng với người dân phương Nam với nét đẹp chân quê, mộc mạc. Ở khắp các vùng nông thôn miền Tây, bộ bà ba vẫn là trang phục phổ biến. Ngoài thị thành, bà ba vẫn là trang phục không thể thiếu trong những dịp lễ tết, hội hè, gắn với những hoạt động văn hóa, nghệ thuật, biểu diễn dân ca, cải lương, đờn ca tài tử... Ở hầu hết những khu du lịch miệt vườn, bộ bà ba cũng xuất hiện như một cách thể hiện nét riêng, nét văn hóa đặc trưng của vùng đất phương Nam.

Nhà thiết kế Chương Đặng, chủ thương hiệu áo dài Kujean by Chuong Dang, nhận định: "Trong tương lai bà ba cách tân vẫn có thể tạo ấn tượng hơn nữa, bởi mọi trang phục truyền thống đều sống với thời gian, đi cùng với lịch sử. Điều đó không có nghĩa là năm nay, hay thậm chí là trong thập kỷ này cái tốt nhất sẽ xuất hiện. Bởi cái tốt hơn sẽ đang trên hành trình hình thành, như quy luật tất yếu. Thời trang nói chung và áo bà ba nói riêng không phải ngoại lệ".

Bà ba, khăn rằn biểu tượng của đất và người phương Nam - Ảnh 2.

Áo bà ba, khăn rằn là trang phục hằng ngày của những hướng dẫn viên du lịch cộng đồng ở Cồn Sơn (TP.Cần Thơ).

Đình Tuyển

Chiếc khăn mang lại may mắn, bình an

Cũng như bộ bà ba, chẳng rõ từ khi nào, khăn rằn đã trở thành phụ kiện không thể thiếu của người dân Nam bộ. Từ thuở đơn sơ chỉ có sọc carô đen - trắng và sau này biến tấu thêm 2 màu sọc trắng - đỏ và sọc trắng - xanh.

Có tài liệu nghiên cứu ghi chép, những sọc carô ô vuông đặc trưng của khăn rằn xuất phát từ tín ngưỡng của người Khmer theo đạo Hindu thờ vị thần bảo tồn Vishnu. Thần Vishnu luôn cưỡi trên mình rắn thần Naga bảy đầu nhưng lại là vị thần hiền hòa, đôn hậu luôn che chở cho con người. Vì lòng tôn kính thần Vishnu, người Khmer đã dệt ra chiếc khăn Krama (giống như khăn rằn - PV) với những ô carô tựa như vô vàn chiếc vảy trên bộ da của rắn thần Naga bảy đầu. Người ta tin rằng khi có chiếc khăn Krama bên mình cũng giống như có thần Vishnu và rắn thần Naga ở bên che chở và mang lại may mắn, bình an cho bản thân.

Ở Nam bộ, sự giao thoa về văn hóa đã dần đưa chiếc khăn rằn trở thành vật dụng mà cả dân tộc Khmer, Kinh, Hoa và Chăm đều sử dụng. Với người Kinh, khăn rằn cùng với áo bà ba, nón lá trở thành bộ ba gần như luôn đi cùng. Không chỉ để phụ nữ che nắng, che mưa, lau những giọt mồ cơ cực, khăn rằn còn để những cô gái trẻ làm duyên, làm dáng. Những phụ nữ đứng tuổi thì thường quấn khăn rằn sọc đỏ - trắng trên đầu. Những thiếu nữ chưa chồng thì thường chọn khăn rằn sọc xanh - trắng tươi tắn hơn để choàng cổ, vắt hờ qua vai. Cánh đàn ông mỗi khi đi ruộng thì dùng khăn rằn cột ngang trán vừa ngăn mồ hôi làm cay mắt vừa giữ cho búi tóc không rơi xuống mặt lúc lao động. Khăn còn được đàn ông cột ngang hông để gọn gàng tà áo, thắt chặt lưng quần và giắt nông cụ như búa, liềm, lưỡi hái… Ở nhà, khăn rằn còn làm khăn tắm hay để các bà mẹ trẻ quấn địu con… Cũng như bộ bà ba, khăn rằn được mọi tầng lớp sử dụng. Khăn rằn vừa gắn bó với người dân lao động lam lũ nhưng cũng là vật dụng gần gũi của giới nhà giàu có, những địa chủ, trung lưu…

Bà ba, khăn rằn biểu tượng của đất và người phương Nam - Ảnh 3.

Khăn rằn còn là quà tặng đơn giản nhưng ý nghĩa với du khách nước ngoài khi đến miền Tây.

Đình Tuyển

Ngày nay, trong các sự kiện giao lưu quốc tế, khăn rằn cùng với áo dài, nón lá cũng thường xuyên xuất hiện như một hình ảnh của truyền thống, văn hóa của Nam bộ nói riêng và Việt Nam nói chung. Có lẽ, hiếm có phụ kiện mang giá trị truyền thống nào có sự cách tân đa dạng vừa giữ được nét đẹp xưa vừa thích nghi tốt với nhu cầu sử dụng như khăn rằn. Vậy nên cũng thật dễ hiểu khi khăn rằn ngày nay đã vượt qua giá trị sử dụng thông thường để trở thành quà lưu niệm, là phụ kiện thời trang đầy phong cách của giới trẻ.

Dẫu về nguồn gốc còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng thực tế ngày nay bộ bà ba cùng với khăn rằn luôn mang giá trị nhận diện, là nét đẹp đặc trưng của đất và người dân phương Nam.

Theo Thanh niên