|
|
Lễ tế nữ quan trong Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ |
Độc đáo Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ
Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ (xã Hiền Lương, Hạ Hòa, Phú Thọ) khai Hội vào ngày mùng 7 tháng Giêng hàng năm. Một trong những nghi lễ đặc biệt thiêng liêng trong Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ là Lễ tế nữ quan do đội tế nữ chủ trì.
Đội tế nữ gồm 14 người, bao gồm những cô gái thanh tân, có sức khỏe, nhanh nhẹn, phẩm hạnh tốt, gia đình không có vướng "bụi", được dân làng lựa chọn từ trước. Các cô gái trong đội tế đều mặc áo dài, đầu đội khăn kim tuyến, chân đi hài thêu, thắt lưng lụa, Chủ tế mặc trang phục màu đỏ. Trong tiếng trống chiêng trầm hùng, tiếng nhạc bát âm réo rắt, giữa không khí trong đền hương trầm tỏa ngát, cuộc tế lễ diễn ra hết sức thiêng liêng. Tất thảy dân làng và người dự hội cùng hướng vào đền, bày tỏ lòng thành kính tưởng nhớ, ngưỡng vọng Thánh Mẫu Âu Cơ và cầu Người phù hộ cho gia đình, bản thân được an khang, làm ăn phát đạt, gặp nhiều điều tốt lành.
Ngoài phần lễ, tại sân đền còn diễn ra phần hội không kém phần sôi động với các trò chơi dân gian như đu tiên, cờ người, chọi gà, tổ tôm điếm có thưởng, đặc biệt còn có phần ca hát những bài hát ca ngợi Mẫu Âu Cơ và công đức của Người.
Lễ hội Phủ Dầy
Lễ hội Phủ Dầy (Kim Thái, Vụ Bản, Nam Định) đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, nổi tiếng với nghi lễ chầu văn - hầu đồng, một nghi thức tín ngưỡng tiêu biểu nhất của đạo Mẫu, trở thành tiêu biểu của Di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt. Lễ hội diễn ra từ ngày mùng 3 đến mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm.
|
|
Khai mạc Lễ hội Phủ Dầy năm 2019 |
Lễ hội Phủ Dầy bao gồm: Phần lễ với các hoạt động tế, lễ rước Mẫu thỉnh kinh từ Phủ Vân Cát đến chùa Linh Sơn; lễ rước đuốc tại Phủ Tiên Hương…; phần hội có Liên hoan nghệ thuật hát chầu văn tại Phủ Tiên Hương và Phủ Vân Cát, kéo chữ Hoa Trượng Hội, thả rồng bay, múa lân sư rồng, thi đấu các môn thể thao truyền thống như đấu vật, cờ người…
Di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt thể hiện đậm nét ở Lễ hội Phủ Dầy là hoạt động văn hóa dân gian độc đáo có ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước, thể hiện tinh thần hòa hợp dân tộc, làm giàu thêm bức tranh đa dạng văn hóa của Việt Nam và của nhân loại.
Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam
Theo truyền thuyết, cách đây hơn 200 năm, dân làng phát hiện trên núi Sam (Châu Đốc, An Giang) có pho tượng cổ ngồi trên bệ đá sa thạch và muốn "thỉnh" tượng xuống núi để gìn giữ và phụng thờ. Nhưng bao nhiêu tráng đinh lực điền được huy động nhưng không sao nhấc pho tượng lên được. Bỗng một bé gái mách bảo: "Hãy chọn 9 cô gái đồng trinh để đưa bà xuống núi". Lạ thay, 9 cô gái khiêng Tượng bà đi một cách nhẹ nhàng.
Xuống đến chân núi, tượng bỗng nặng trịch, không nhấc lên nổi. Dân làng hiểu rằng bà muốn ngự nơi đây nên đã lập miếu thờ. Ban đầu, Miếu Bà Chúa Xứ được xây dựng đơn sơ bằng tre lá, sau nhiều lần trùng tu, Miếu Bà mới được hoàn chỉnh và khang trang như hiện nay.
|
|
Lễ phục hiện rước tượng Bà Chúa Xứ từ đỉnh núi Sam xuống miếu thờ |
Hàng năm, Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam thu hút hàng triệu lượt du khách ở khắp nơi trong và ngoài nước đến để tham quan, chiêm bái. Đông nhất là vào thời điểm diễn ra Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam từ ngày 22 đến 27/4 (âm lịch).
Năm 2001, Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam được công nhận là lễ hội cấp Quốc gia. Từ đó, ngoài phần lễ truyền thống, phần hội được tổ chức sôi nổi với các chương trình sân khấu hóa, tuần lễ văn hóa-thể thao, trò chơi dân gian, trình diễn văn nghệ dân tộc, múa lân-sư-rồng… phục vụ nhân dân và du khách. Năm 2014, Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Năm 2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đồng ý Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan lập hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Vía Bà chúa Xứ Núi Sam (tỉnh An Giang), trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đệ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Lễ hội Đền Bà Chúa Kho
Lễ hội Đền Bà Chúa Kho được diễn ra vào ngày 14 tháng Giêng âm lịch tại đền Bà Chúa Kho (thôn Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh).
Tương truyền, Bà Chúa Kho có dung nhan xinh đẹp, lại thông minh, khéo léo, được vua Lý lấy về và phong là Linh Từ Quốc Chế. Bà chính là người chiêu dân lập ấp, khai khẩn ruộng nương tại làng Quả Cảm, Cổ Mễ và Thượng Ðồng. Bà cũng giúp vua Lý và triều đình tổ chức sản xuất, tích trữ và trông nom kho lương thực tại núi Kho.
Vào năm Đinh Tỵ (1077), trong cuộc kháng chiến chống quân Tống, khi đang phát lương thực cứu đói cho dân làng, Bà đã bị giặc sát hại. Vua Lý thương tiếc hạ chiếu phong Bà là Phúc Thần. Người dân Bắc Ninh đã lập đền thờ để tỏ lòng biết ơn Bà tại kho lương thực cũ nơi bà từng trông coi ở Núi Kho và gọi bà với sự tôn kính là Bà Chúa Kho. Tháng Giêng hàng năm, người dân tại đây lại tổ chức lễ hội nhằm tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn đến Bà.
|
|
Du khách trẩy hội Đền Bà Chúa Kho |
Điều đặc biệt nhất trong Lễ hội là nghi lễ vay vốn Bà Chúa Kho. Nghi lễ vay vốn này được bắt nguồn từ những huyền tích tín ngưỡng xa xưa do các cụ truyền lại và vẫn được lưu truyền đến ngày nay. Nghi lễ này tượng trưng cho việc người lễ bái vay vốn Bà Chúa Kho và hứa trả lễ lại sau mỗi năm. Mỗi người đến lễ sẽ dâng hương và sớ vay vốn. Trong sớ người lễ bái sẽ phải ghi rõ thỉnh cầu muốn là vay Bà Chúa Kho bao nhiêu, sử dụng làm gì và bao lâu sẽ trả lại như khi vay vốn thật. Thậm chí còn có nhiều người còn hứa rằng vay 1 trả 5, trả 10... với mong muốn Bà Chúa Kho sẽ phù hộ cho năm mới có nhiều tài lộc, thịnh vượng. Với tục lệ này, người vay vốn đã vay thì phải trả, dù năm đó làm ăn có phát đạt hay không thì vẫn phải giữ đúng lời hứa tạ lễ cuối năm ở đền Bà Chúa Kho mong cho năm sau vốn liếng dồi dào, làm ăn tốt hơn…
Bên cạnh nghi lễ dâng hương, vay vốn Bà Chúa Kho, Lễ hội Đền Bà Chúa Kho còn diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa như: chọi gà, cờ tướng, tổ tôm… Đặc biệt từ năm 1989, khi Đền Bà Chúa Kho được Nhà nước xếp hạng và được nhân dân địa phương trùng tu tôn tạo, mở rộng với quy mô lớn, địa chỉ này càng trở nên thu hút đông đảo du khách thập phương
Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân
Nữ tướng Lê Chân vốn là người An Biên, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn (nay là xã An Thủy, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Bà xuất thân trong một gia đình nền nếp chuyên nghề dạy học và chữa bệnh giúp dân. Sinh thời, Lê Chân nổi tiếng xinh đẹp, thông minh, giỏi võ nghệ và có chí hơn người. Thái thú Tô Định nghe danh, đòi lấy làm tỳ thiếp nhưng cha mẹ bà kiên quyết khước từ và cha bà đã bị hắn giết hại.
Lê Chân cùng với người nhà lánh về vùng ven biển thuộc huyện An Dương, khai khẩn nơi đây, lập nên một làng quê mới trù phú. Nhớ quê cha đất tổ, bà đã lấy tên làng quê cũ An Biên đặt cho làng quê mới. Trong 10 năm, bà đã ra sức tích lũy lương thảo, luyện tập nghĩa binh, liên kết hào kiệt khắp nơi, chờ thời cơ trả thù nhà, đền nợ nước.
Mùa xuân năm 40, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đánh đuổi quân Đông Hán. Từ căn cứ An Biên, Lê Chân cùng với đội nghĩa binh của mình nhanh chóng gia nhập vào đội quân Hai Bà. Nhờ công lao to lớn, Lê Chân được Hai Bà Trưng phong chức "Chưởng quản binh quyền" kiêm Trấn thủ Hải Tần. Phụng mệnh, Nữ tướng Lê Chân quay về vùng An Biên, tiếp tục xây dựng lực lượng, đào hào, đắp lũy, trấn giữ vùng trọng yếu phía Đông Tổ quốc.
|
|
Biểu diễn văn nghệ trong Lễ hội Nữ tướng Lê Chân năm 2019 |
Ghi nhớ công ơn của nữ tướng Lê Chân, đặc biệt công khai phá và lập ra làng An Biên xưa - nay là Hải Phòng, người dân Hải phòng đã xây dựng đền Nghè thờ bà Lê Chân trên phố Mê Linh, Bà được coi là Thành hoàng của Hải Phòng. Đền Nghè được xếp hạng là Di tích Quốc gia và được nhân gian coi là chốn linh thiêng.
Hằng năm, cứ đến mùa xuân là người dân Hải Phòng về đền Nghè và đình An Biên dự Lễ hội tưởng niệm Nữ tướng Lê Chân vào ngày sinh của Bà. Lễ hội diễn ra tưng bừng từ ngày 8 đến 10/2 âm lịch. Trong 3 ngày đó, người dân đến đền, qua đình thắp nén hương thơm dâng lên Thánh Mẫu Lê Chân và cầu mong một năm mới suôn sẻ, mọi việc may mắn, tốt lành. Theo truyền thống, lễ vật dâng lên Thánh Mẫu ngoài hương hoa, xôi quả, còn có thịt lợn làm sạch, bỏ lòng gan đem tế sống. Sau đó, thịt này sẽ được chia đều cho dân làng. Ngoài ra, lễ vật dâng lên còn có bánh giày, gà, ngan, sò, ốc, cua bể và bún. Tương truyền, đó là những món ăn mà sinh thời bà Lê Chân ưa thích.
Sau đám rước là lễ tế gợi nhắc công ơn của Nữ tướng Lê Chân đối với dân tộc và đối với thành phố Hải Phòng. Trong lễ tế này, các sắc phong của các triều đại dành cho bà cũng được đọc lên trước sự thành kính của dân làng.
Lễ hội Nữ tướng Lê Chân chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia từ năm 2016.
Bảo Phúc