Hát quan họ dưới thuyền - một đặc sản của hội Lim
Thạc sĩ Trần Thị Thảo - Phó Trưởng khoa Thanh nhạc - Nhạc cụ cho rằng, trong lễ hội, âm nhạc đóng vai trò vừa là để điều khiển việc tế lễ, vừa là hiệu lệnh hướng dẫn các trò chơi, vừa là nhạc đệm cho các bài hát thờ thần, lại vừa là một hình thức nghệ thuật hấp dẫn lôi cuốn, thu hút người trảy hội. Nhiều lễ hội thể hiện sự giao thoa, lồng ghép giữa hai yếu tố nghi lễ và nghệ thuật. Vì lẽ đó, chúng ta có thể hiểu âm nhạc trong lễ hội chính là minh chứng cho quá trình “nghi lễ hoá nghệ thuật” hay “nghệ thuật hoá nghi lễ”.
Vì lẽ đó, ở miền Bắc hàng năm có rất nhiều lễ hội thể hiện sự tôn vinh âm nhạc truyền thống như: Hội Lim ở Tiên Du, Bắc Ninh tôn vinh hát quan họ; Hội hát Dô ở Quốc Oai, Hà Nội; Hội hát Chèo tàu ở Đan Phượng, Hà Nội; Hội Phường chèo ở Lục Ngạn, Bắc Giang; Hội Đức Bác ở Vĩnh Phúc tôn vinh ông tổ hát Xoan...
Hội Lim là lễ hội lớn nhất nhì vùng Kinh Bắc được tổ chức từ ngày 12-14 tháng Giêng (Âm lịch) hàng năm, trên địa bàn huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Có giả thuyết cho rằng, hội Lim có nguồn gốc từ hội chùa, hội hát, liên quan đến tiếng hát của chàng Trương Chi trong truyền thuyết Trương Chi - Mỵ Nương mà dấu xưa để lại là hình vết dòng sông Tiêu Tương khá rõ ở các làng quê vùng Lim. Hội Lim là hội của những làng xã cổ nằm quanh núi Lim và đôi bờ sông Tiêu Tương.
Ở phần lễ, vào sáng ngày 13 tháng Giêng toàn thể quan viên, hương lão, nam đinh của các làng xã thuộc tổng Nội Duệ phải tề tựu đầy đủ tại lăng Hồng Vân để tế lễ hậu thần. Trong khi tế có nghi thức hát quan họ thờ thần. Để hát thờ, các bọn quan họ nam và nữ của tổng Nội Duệ đứng thành hàng trước cửa lăng hát vọng vào. Trong khi hát, họ chỉ được hát những giọng lề lối để ca ngợi công lao của thần.
Ở phần hội sẽ có nhiều trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm nhưng đặc sắc hơn cả là phần hát quan họ - đặc trưng nhất của hội Lim. Từ hát mời trầu, hát giao duyên… đến hát giã bạn. Các hội thi hát được tổ chức theo hình thức du thuyền hát quan họ. Tại một hồ nước nhỏ sát bên cánh đồng làng Lim, chiếc thuyền hình rồng được sơn son thiếp vàng rời bến trong những câu hát đậm đà nghĩa tình. Một bên thuyền là các liền chị, đối diện là những em nhỏ súng sính trong những tà áo tứ thân. Các liền anh thì đứng hoặc ngồi sát hai phía đầu và cuối thuyền.
Hội hát Dô ở Liệp Hạ (Quốc Oai) trước đây được tổ chức theo quy định cứ 36 năm mở một lần từ ngày 10 đến 15 tháng Giêng âm lịch. Hội bắt đầu bằng lễ rước kiệu từ ở đình, miếu ra đền Khánh Xuân từ chiều mồng 9 tháng Giêng. Đại phu là thôn anh cả đi đầu, rồi đến thôn anh hai là Vĩnh Phúc, và sau đó là các thôn Bái Nội, Bái Ngoại, Thông Đạt, Đồng Sơn. Đám rước đi trong rừng cờ, cầm lọng là một người trạc tuổi 17, 18, đầu quấn khăn lượt, trong áo trắng, ngoài áo the đen, quần trắng, chân quấn xà cạp mầu đỏ, hoặc giày vải, thanh nữ cũng mặc quần áo như những người khênh kiệu rước cờ rước lọng, nhưng chân không quấn xà cạp... xong rồi tất cả trở về nhà.
Hát Dô ở Quốc Oai
Sáng hôm sau, tất cả mọi người tập trung ở đền Khánh Xuân và vào hội hát Dô. Người cái dẫn dắt bạn nàng vào đứng trước đền Khánh Xuân, sau đó người cái cầm xênh gõ nhịp làm hiệu, dẫn bạn nàng vào trước bàn thờ, tất cả đều đi theo hình chữ chi. Khi nghe tiếng xênh mở đầu làm hiệu, các bạn nàng từ từ bỏ dép, bước vào chiếu, xòe quạt và bắt đầu múa hát. Câu mở đầu là những bài hát chúc của người cái, phần lớn là các bài hát đều không có động tác. Sau khi các thôn lần lượt hát xong thì cuộc tế lễ mới bắt đầu.
Cái hát, ngoài động tác gõ xênh, hầu như không vận động gì. Các bạn nàng thường sử dụng đôi tay cùng với chiếc quạt gần như động tác múa chèo. Vần và nhịp của hát Dô cũng biến hóa linh hoạt. Có câu, có đoạn tuân theo thể lục bát một cách linh hoạt nhưng có những câu, những đoạn co lại, hoặc giãn ra cho phù hợp với các giọng kể, giọng ngâm.
Hội hát Chèo tàu ở Đan Phượng được mở để nhớ ơn Thành hoàng làng Văn Dĩ Thành - được cả 4 làng Thượng Hội, Thúy Hội, Phan Long, Vĩnh Kỳ của xã Tân Hội tôn thờ. Lần mở hội gần đây nhất là năm 1998. Hội hát Chèo tàu cứ 25 năm mới mở một lần và diễn ra trong 7 ngày 7 đêm tại Lăng Văn Sơn.
Để chuẩn bị cho một hội hát, người Tổng Gối chuẩn bị hết sức công phu. Hai làng Thuý Hội và Thượng Hội phải chuẩn bị hai thuyền rồng (còn gọi là tàu) dài từ 4 - 5 mét, rộng 2 mét và có bánh xe đẩy. Hai làng Vĩnh Kỳ và Phan Long phải chuẩn bị hai “ông” voi gỗ cao 2,5 mét, dài 3 mét (có bánh xe để đẩy). Mỗi thuyền có một lá cờ, lọng che cho chúa tàu, cái tàu và con tàu. Trong hát chèo tàu chỉ có nữ, không có nam. Bốn làng phải chọn ra được một Mẹ chiêu quân (chúa tàu) có tuổi từ 50 - 60 là người có uy tín, đức hạnh.
Suốt 7 ngày hội chính, ngày nào cũng thể hiện tuần tự những thủ tục dâng tế, diễn xướng, hát giao duyên. Sau bài văn khấn của các chủ tế, chúa tàu, quản tượng cùng các ca nhi bắt đầu diễn xướng bằng các bài hát nghi lễ như: Khởi lễ, dâng rượu, chúc vua, ẩm phước khúc, lễ trình. Trên mỗi thuyền đều có một bà chúa và 12 cô gái làm cái tàu, con tàu. Người phụ nữ đóng vai chúa tàu (chủ soái) đứng oai nghiêm trên đầu thuyền rồng, cưỡi trên mình voi ra trận. Cái tàu và con tàu đội khăn nhiễu tam giang, quần áo nhiễu điều. Cạnh đó là đôi voi với hai quản tượng có nhiệm vụ thổi tù và làm hiệu. Chèo tàu Tổng Gối là đặc sản của người dân Tân Hội, là nét văn hóa độc đáo của xứ Đoài.
Hội Phường chèo hay còn gọi là Hội đền Từ Hả ở Lục Ngạn, Bắc Giang bắt đầu từ mồng 6 đến 8/1 âm lịch. Đền Từ Hả thờ Thượng tướng quân Thân Cảnh Phúc (tức Vũ Thành) thời Lý, người có công trong cuộc chống quân Tống xâm lược thế kỷ thứ XI (1075-1077). Điểm nhấn của lễ hội, ngoài lễ tế còn có diễn tích trận mạc tượng trưng cho chiến thắng do Vũ Thành chỉ huy.
Hình ảnh thường thấy trong Hội đền Từ Hả ở Bắc Giang
Sau tế lễ là các trò hội như múa sư tử, hát soong hao, Sli, Lượn, Schắng côộ, Sịnh ca... của đồng bào các dân tộc ít người. Tất cả những nghi lễ, diễn xướng, trò hội ở lễ hội Từ Hả đều mang đậm bản sắc dân tộc vùng cao trên đất Bắc Giang. Những hoạt động này nhằm thoả mãn như cầu về tâm linh, nhu cầu văn hoá và qua đó giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào và tình đoàn kết dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Hội Đức Bác ở Sông Lô, Vĩnh Phúc thường diễn ra vào 3 kỳ, kỳ thứ nhất là vào mồng 1 tháng Hai, kỳ thứ hai là 12 tháng Sáu và kỳ thứ ba diễn ra vào trung tuần tháng Tám âm lịch ở đền Thánh ông. Trong ba kỳ lễ hội ấy, lễ hội “khai xuân cầu đinh” vào tháng Hai âm lịch là không thể thiếu những canh hát trống quân, hát xoan rộn rã. Ngay từ chiều mồng 1 tháng Hai, trong không khí nhộn nhịp của lễ hội, làng đã cử một số người gồm cả các bậc trung niên và những chàng trai trẻ khăn áo chỉnh tề ra bờ sông Lô chờ đón phường Xoan về hát.
Theo lệ, các chàng trai Đức Bác mặc quần trắng, áo trắng, đầu buộc khăn đỏ, đai lưng đỏ vai đeo trống kéo nhau ra bến quán đón đào sang hội. Điệu hát được đệm bằng trống nhỏ mặt da, tang gỗ có dây đeo bằng lụa hồng. Cuộc giao đối đôi bên diễn ra liên tục suốt từ bến quán đến làng Xốm, rồi về đến cửa đình của làng mới mãn cuộc.
Theo Thế giới và Việt Nam