Tri ân 15 năm hạnh phúc mặn nồng
Tháp Eiffel là một địa điểm không thể bỏ qua của bất kỳ du khách nào khi tới thủ đô Paris. Mỗi năm có khoảng 7 triệu khách du lịch ghé thăm tháp Eiffel. Kể từ khi ra đời cho đến nay, khoảng 300 triệu người đến từ khắp nơi trên thế giới đã đến đây chiêm ngưỡng, khám phá. Kỷ niệm tháp Eiffel tròn 130 năm tuổi, thành phố Paris tổ chức nhiều sinh hoạt văn hóa xoay quanh nhân vật Gustave Eiffel và công trình nổi tiếng nhất của ông. Lễ sinh nhật tháp Eiffel được tổ chức bằng trò chơi khám phá lịch sử xây dựng tháp và cảnh quan Paris nhìn từ tháp Eiffel.
Vợ chồng Gustave Eiffel - Marie Guadelet và các con
Tháp Eiffel trở thành không gian triển lãm giới thiệu chân dung những con người làm nên công trình xây dựng đồ sộ này qua những bức ảnh đen trắng cỡ lớn (2 mx2m) của nhà nhiếp ảnh Karine Bouvatier. Từ nay đến cuối tháng 6/2019, nhà hát Théâtre des Mathurins quận 8 liên tục cho diễn vở ca nhạc kịch mang tên “Tháp 300 m” nói về đời tư của kỹ sư tài hoa này. Điều ít được biết đến là Gustave Eiffel góa vợ sớm và tháp mang tên ông ngự tọa ở quảng trưởng Champs de Mars ngày nay là một món quà ông tặng cho người bạn đời.
Kiến trúc sư tài hoa Gustave Eiffel
Gustave Eiffel sinh ngày 15/12/1832 tại Dijon (Pháp). Cha của Eiffel tham gia quân đội Napoléon Bonaparte từ năm 16 tuổi. Mẹ của Eiffel là một phụ nữ rất thông minh, tháo vát và sắc sảo trong buôn bán. Bà không những lo lắng chăm sóc con trai trong việc học hành lúc nhỏ mà còn tạo dựng nên hai doanh nghiệp lớn, một về cung ứng than và một về cung ứng hàng hoá đường biển, cả hai đều làm ăn phát đạt. Sau này chính bà đã giúp Eiffel tạo dựng nên một doanh nghiệp riêng. Hai mẹ con gắn bó yêu thương nhau suốt đời. Nghị lực và lòng đắm say cuộc sống của mẹ mình đã truyền cho Gustave Eiffel một sức lao động gần như là huyền thoại. Là một người đa tài, giỏi nhiều nghề nhưng ông nổi danh với tư cách một kỹ sư tài ba về kết cấu thép và nền móng.
Năm 1862, Gustave Eiffel lập gia đình với Marie Guadelet, một cô gái nết na, thuần hậu người Pháp. Trong 15 năm chung sống mặn nồng hạnh phúc, hai vợ chồng ông sinh được 5 người con. Đây cũng là quãng thời gian gian khổ nhưng hạnh phúc của chàng kỹ sư tài hoa và lãng mạn. Vợ ông mất vì bệnh viêm phổi năm 1887 đã khiến ông đau đớn vô cùng.
Các thông số của tháp
Trong 36 năm còn lại, không những ông không đi bước nữa, luôn chăm chút các con mà tuyệt nhiên không quan tâm đến những bóng hồng thuộc đủ các sắc tộc, đủ các màu da vây quanh mình. Thương vợ, ông dồn tất cả sức lực cho công việc và làm nên những đỉnh cao về kiến trúc. Chính trong những ngày tháng thương nhớ khôn nguôi đó, ông Eiffel đã làm nên công trình huyền thoại của đời mình: Tháp Eiffel. Đó là món quà tưởng niệm người bạn đời quá cố.
Đến Paris là phải tới tháp Eiffel
Tháp Eiffel là công trình chào mừng kỷ niệm 100 năm Cách mạng Pháp (1789 - 1889). Khi ấy, Chính phủ Pháp có ý định phô trương sức mạnh công nghiệp và khoa học kỹ thuật của nước Pháp với thế giới nên một công trình có tính kỳ vĩ về nhiều mặt nhưng phải mang dáng dấp hiện đại từ kết cấu tới vật liệu được đặt ra. Hàng trăm ý tưởng, dự án được trình lên nhưng cuối cùng Hội đồng phê duyệt đã nhất trí chọn đề án của ông Gustave Eiffel vì các lý do: Mỹ thuật, kỹ thuật, tính vĩnh cửu và đặc biệt là giá rẻ.
Tháp Eiffel trong quá trình xây dựng vào năm 1888
Cao 324m, tháp Eiffel được ông Eiffel thiết kế và xây dựng năm 1889. Việc xây dựng tháp này kéo dài hơn 2 năm với sự tham gia của 300 - 450 công nhân. Tháp được chia thành 3 tầng: Từ đỉnh tháp tầm nhìn xa đến 67km. Eiffel trở thành ngọn tháp cao nhất thế giới khi đó và tên tuổi Gustave Eiffel gây lên một làn sóng ngưỡng mộ của những người yêu cái đẹp toàn cầu.Nằm bên bờ sông Seine, ngay từ những ngày đầu mở cửa cho khách vào xem, tháp Eiffel đã thu hút nhiều người đến Paris. Riêng năm 1889 đã có gần 2 triệu khách đến tham quan, đạt kỷ lục về du lịch trên thế giới vào thời điểm bấy giờ. Vượt lên trên nguồn lợi kinh tế, tháp Eiffel đã trở thành biểu tượng kiêu hãnh của nước Pháp nói chung và của Paris nói riêng. Trong thế kỷ 20, rất nhiều tháp khác cao hơn tháp Eiffel đã được dựng lên trên thế giới nhưng không có một tháp nào có thể sánh nổi với tháp Eiffel về vẻ đẹp và sự nổi tiếng.
Người Pháp tự hào vì nó, người nước ngoài háo hức muốn được diện kiến nó. Người ta truyền tụng nhau: “Đến Paris mà chưa tới tháp Eiffel thì cũng coi như chưa đến!”. Tháp Eiffel được thế giới công nhận là biểu tượng của thủ đô Paris ánh sáng, là đỉnh cao của nền kiến trúc, cuộc cách mạng khoa học, kỹ thuật thế kỷ XIX. Qua hơn 1 thế kỷ, tháp Eiffel là một trong những công trình nổi tiếng nhất, thu hút nhất và xuất hiện trong rất nhiều tác phẩm văn học, điện ảnh, hội họa, nhiếp ảnh...
Gustave Eiffel mất ngày 27/12/1923 tại nhà riêng, thọ 91 tuổi. Cuộc đời ông là huyền thoại sống động với những công trình vẫn còn đang sừng sững không chỉ hiện ra dưới vòm trời mà còn luôn hiện diện trong trái tim của các thế hệ đã, đang và sẽ tiếp tục ngưỡng vọng ông, người con ưu tú của nước Pháp. Ông còn để lại rất nhiều những kiệt tác kiến trúc và nghệ thuật có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới như Nhà thờ Notre Dame des Champs (Pháp). Tượng Nữ thần Tự do ở Mỹ, cầu Long Biên (Hà Nội), cầu Tràng Tiền (Huế)... Ngoài ra, ông đã để lại cho đời 31 cuốn sách và rất nhiều bài khảo cứu về kết cấu công trình và kết cấu nền móng.
Theo
phunuvietnam