Chân dung Tố Linh
Nhưng bỏ ra nhiều năm tuổi trẻ để giam mình trong tháp ngà khoa học không phải là một thử thách dễ vượt qua. Cho đến giờ, văn chương Việt Nam vẫn ít có các tác phẩm viết về cuộc sống làm khoa học, nhất là ở góc độ giới nữ.
Nghiên cứu sinh của Tố Linh là một cuốn sách hội tụ nhiều điều trong sáng khi viết về đời sống của một cô gái Việt làm nghiên cứu sinh ngành di truyền học tại một phòng thí nghiệm (lab) đầu ngành của một trường đại học Mỹ.
Vốn là học sinh chuyên sinh Trường THPT Hà Nội - Amsterdam, đoạt giải học sinh giỏi quốc gia, đỗ thủ khoa ngành sinh hóa, giành được học bổng nghiên cứu sinh tại Mỹ, Tố Linh hiện bén duyên với công việc nghiên cứu khoa học độc lập và viết sách.
Linh đặc biệt thích viết những câu chuyện liên quan đến các ứng dụng sinh hóa trong đời sống. Viết sách có lẽ là niềm say mê đến sau chặng đường nghiên cứu, nhưng Tố Linh đã chứng tỏ mình có cái duyên trời phú.
Sẽ có rất nhiều cách triển khai: một câu chuyện nghẹt thở về đua tranh trong nghiên cứu, một âm mưu nhân danh khoa học được phá vỡ, một sự vươn lên của một nghiên cứu sinh đến từ một nước đang phát triển, hay một chuyện tình yêu ở chốn thần tiên...
Nhưng Nghiên cứu sinh chọn lối đi len lỏi giữa những cách đó, với chất liệu do chính tác giả trải nghiệm và quan sát, thành thực với một chút gia vị khôn ngoan.
Không phải là vai trò giới nữ như một cô phụ tá xinh đẹp, một kiều nữ yểu điệu bên cạnh vị giáo sư khả kính theo lối mòn, mà là một vai nữ chính đối diện với nỗi cô độc của bản thể trong một khung cảnh khô khan bậc nhất.
Một cuốn sách đầu tay dễ thương, nhất là khi nó được viết bằng một niềm tin chắc chắn của một người làm khoa học.
Câu chuyện về một cô gái cặm cụi nửa đêm trong phòng thí nghiệm, hằng đêm có những lời chỉ dẫn ân cần trên những mẩu giấy nhắc việc, đã hoàn toàn hứa hẹn một sự lãng mạn nhiều hồi hộp.
Nhưng chút tinh tế trong cảm xúc của một cô gái Việt (mặc dù rất không nên nói quá nhiều lần rằng đây là cuốn sách của một tác giả nữ) khiến cho câu chuyện tình ở trường đại học này không trở thành một chuyện diễm tình đầy rẫy trong sách vở hay phim ảnh giải trí.
Cho dù cuốn sách vẫn có môtip của tình yêu nhầm lẫn dễ đoán, người tốt giấu mặt lâu nay là một anh chàng đẹp trai như tượng thần La Mã hay là một ai khác, nhưng cách yêu là của một cô gái nhạy cảm, hóm hỉnh và tự trào.
Cuốn sách còn chứa đựng cả một bầu băn khoăn, trăn trở và lo âu về tương lai của thế hệ, cho dù tác giả rất khéo léo diễn đạt nhẹ nhàng. Cái đích của nghiên cứu là gì, nếu không phụng sự nhân văn thì chỉ là nơi cố thủ của những danh vọng ích kỷ và thậm chí, độc ác với con người.
Câu chuyện cạnh tranh giữa hai phòng thí nghiệm, giữa hai phương pháp nghiên cứu của hai vị giáo sư đầu ngành của thế giới trong lĩnh vực liên quan đến ngành y sinh học, là một câu chuyện cần tài năng lẫn hiểu biết của người viết. Tố Linh bắt đầu cuộc dạo chơi với văn chương bằng một câu chuyện đáng nể như thế.
Cuốn tiểu thuyết của Tố Linh từ khi còn là những phác thảo trên blog đã là người bạn tâm tình của nhiều nghiên cứu sinh hằng đêm cô độc đối diện với những câu đố khoa học nơi xa nhà. Giờ đây trong hình hài cuốn sách, Nghiên cứu sinh vén bức màn nhiều ảnh ảo của đời sống khoa học đỉnh cao, nhưng cũng củng cố niềm tin vào một chân giá trị của đời sống ấy.
Theo Tuổi trẻ