Ảnh minh hoạ
Rất nhiều ngôi sao châu Á, sau một lần hôn nhân đổ vỡ, đều quyết định chọn lựa tái hôn. Ca sĩ người Hong Kong Lương Tĩnh Kỳ (Toby) gần đây vừa làm đám cưới với bạn trai Jon. Vài tuần trước, diễn viên Trần Pháp Lai cũng cưới một doanh nhân người Pháp. "Thiên vương" Lê Minh sau hôn nhân đổ vỡ đã quyết định đi bước nữa với một phụ nữ đã một đời chồng.
Tại sao phụ nữ đã ly dị, khi tái hôn lại thường hạnh phúc hơn? Dưới đây là 4 lý do, theo Cosmopolitan:
1. Phụ nữ tái hôn nhìn rõ bản chất của hôn nhân
Nhà triết học Mạch Linh Linh từng chia sẻ quan điểm của mình: "Quyết định kết hôn có thể chỉ là một lựa chọn bốc đồng nhất thời, trong khi người ta chưa hiểu rõ về nó".
Tình yêu của một cặp được ví như cuộc chạy marathon trong nhiều năm, tình cảm ổn định, tốt đẹp, nhiều người thậm chí thấy rằng cưới hay không cũng chẳng làm thay đổi tình cảm của họ.
Tuy nhiên, với một số đôi, việc quyết định đi đến hôn nhân có thể là một quyết định bốc đồng từ một trong hai phía, trong khi họ chưa hiểu rõ bản chất, ý nghĩa thực của hôn nhân. Thế nên, nếu không nỗ lực để duy trì, họ sẽ phải trả giá bằng chính cuộc hôn nhân đó.
Vậy bản chất của hôn nhân là gì? Hôn nhân không phải là câu chuyện của chỉ riêng hai người, mà là của hai gia đình, gắn liền với xã hội, bao gồm các trách nhiệm liên quan.
So với những cô gái lần đầu kết hôn, phụ nữ đã trải qua một lần đổ vỡ nhìn rõ bản chất của hôn nhân, thấu hiểu trách nhiệm của mình trong mối quan hệ vợ chồng, hiểu rõ các vai trò đa dạng mà họ cần phải thực hiện, thay vì chỉ đảm nhận một vai trò duy nhất, là "làm vợ".
2. Phụ nữ tái hôn hiểu rõ hơn về cách quản lý hôn nhân
Nhiều phụ nữ cho rằng hôn nhân là "đoạn kết" của con đường tình yêu. Trên thực tế, đây là một quan điểm sai lầm, bởi hôn nhân thực chất là sự khởi đầu khác cho một chặng đường dài: Nếu khi yêu nhau, bạn phải đổ 10 phần công sức để quản lý mối quan hệ của mình, thì khi kết hôn, chắc chắn bạn sẽ phải đổ đến 100 phần sức lực. Đừng quên rằng, thời gian kết hôn với bạn đời không phải là một năm, 5 hay 10 năm, mà là cả cuộc đời.
Người phụ nữ trải qua một lần đổ vỡ, khi bước vào một cuộc hôn nhân mới, chắc chắn sẽ hiểu được điều này. Từ những bài học kinh nghiệm của lần hôn nhân trước, họ sẽ học được cách làm thế nào để quản lý hôn nhân, để bản thân lẫn bạn đời tìm thấy sự cân bằng và hạnh phúc nhất.
3. Phụ nữ tái hôn chú ý nhiều hơn đến cảm xúc, nhu cầu của bạn đời
Trong một cuộc hôn nhân, tình cảm một lúc nào đó có thể trở thành lối mòn, khiến hai phía cho rằng sự tồn tại của một nửa bên cạnh mình là hiển nhiên mà không cần lưu tâm, chăm chú. Dần dà, điều này sẽ dẫn đến việc bỏ qua cảm xúc, nhu cầu của đối phương. Nhiều phụ nữ có quan niệm sai lầm: "Đã kết hôn, bên kia không còn lựa chọn nào khác, phải ở bên mình suốt đời", và rồi dẫn đến tâm lý phó mặc.
Trong thực tế, không hề có chuyện đó. Kết hôn được là ly hôn được. Nếu bạn quên việc chăm sóc cho tình cảm của mình, hôn nhân có thể tan vỡ bất cứ lúc nào.
Người phụ nữ tái hôn thường đã trải qua giai đoạn "thờ ơ với cảm xúc của nửa kia", họ sẽ hiểu vai trò của mình trong hôn nhân, đã trải nghiệm những giá trị sai lầm của cuộc hôn nhân đầu. Do đó, họ sẽ sử dụng chính kinh nghiệm từ hôn nhân trước để làm cho bản thân tốt hơn, khi sống bên bạn đời mới, thông qua việc lắng nghe nhiều hơn, chú ý nhiều hơn đến nửa kia.
4. Phụ nữ tái hôn thực sự trưởng thành hơn
Quan niệm của nhiều người châu Á cho rằng 30 là một độ tuổi "cửa ngõ", và "tốt nhất là nên kết hôn trước 30". Tuy nhiên, trước 30 liệu có phải độ tuổi thích hợp để kết hôn? Kết quả có thể là không, bởi vì hôn nhân có quá nhiều thứ phải xem xét, có quá nhiều trách nhiệm cần phải đảm nhận, và trước 30, nhiều phụ nữ chưa đủ trưởng thành để có thể đón nhận điều đó.
Người phụ nữ sau một lần hôn nhân đổ vỡ sẽ không còn bị áp lực bởi định kiến "kết hôn trước tuổi 30" như trước. Sau một lần lỡ dở, họ trưởng thành hơn và hiểu được giá trị thực của hôn nhân không nằm ở yếu tố trước, hay sau tuổi 30, mà ở chính cảm xúc của mình.
Theo vnexpress