Nhân vật chính trong bộ ảnh trên là bà Đào Thị Nguyên (94 tuổi), bà Đào Thị Chi (90 tuổi) và bà Bùi Thị Ngọ (90 tuổi), ở H.Tam Nông, Phú Thọ. Bà Nguyên và bà Chi là hai chị em ruột, nhà cách nhau khoảng 500 m. Người thực hiện và đăng tải bộ ảnh trên là chị Lê Thu Phương, cháu nội cụ bà U.100.
Luôn yêu thương nhau
Chia sẻ với Thanh Niên, chị Phương cho biết, ở xóm có nhiều người trạc tuổi 3 bà nhưng bộ ảnh được chụp ngẫu nhiên khi họ cùng đến nhà chị chơi. Bà Nguyên đang sống với gia đình chị.
|
|
Cụ Nguyên (giữa), cụ Chi (trái) và cụ Ngọ trong bộ ảnh của chị Phương |
Khi còn trẻ, 3 bà đều làm nông, ở gần nhau nên ngày nào cũng gặp gỡ, trò chuyện. Hiện sức khỏe các bà vẫn ổn định, duy trì mối quan hệ thân thiết từ hàng chục năm nay. Ở nhà có gì ăn ngon, các bà lại mang đến san sẻ cho nhau.
"Hôm nào bận không gặp sẽ có bà bất giác bảo: "Nay không gặp các bà ấy, nhớ phết!". Có câu chuyện nào mới, các bà cũng trò chuyện, tâm sự với nhau nên nhiều khi mình trêu là "cụm camera chạy bằng cơm uy tín nhất xóm", chị Phương chia sẻ.
Bản thân là người thích chụp ảnh và sống với bà từ nhỏ nên chị Phương thấy có trách nhiệm trân trọng và lưu giữ tình cảm thân thương từ bà nội. Việc chụp lại những khoảnh khắc đời thường của bà cũng là cách thể hiện và lưu giữ những kỷ niệm ấy.
"Mỗi bài đăng lên mạng xã hội về bà, mình đều trìu mến gọi với cái tên thân thương là nàng thơ. Sau nhiều lần đăng, các nàng thơ có nhiều người biết đến. Mỗi bình luận chúc sức khỏe mình đều đọc lại cho bà nghe và thấy vui vì mạng xã hội đã kết nối bà với mọi người gần hơn bao giờ hết. Bà mình hay trêu là cháu gái quỷ sứ vì thường xuyên chụp hình", chị Phương kể thêm.
Bà Đào Thị Lương (53 tuổi), cháu gái ruột của bà Nguyên và bà Chi, bày tỏ hai cô lúc nào cũng yêu thương nhau. Bà cảm thấy vui vì hai cô luôn trò chuyện, vui vẻ với con cháu và hàng xóm.
"Cụ Chi nhanh nhẹn và hoạt bát, tôi cũng thương cụ Nguyên vì vất vả hơn. Giờ có gì ngon, các cụ cũng đem ra cho nhau. Hai chị em chưa một lần hiểu lầm hay dỗi nhau. Tôi cũng mong được sống bình dị và tình cảm như các cụ. Hàng xóm cũng rất quý nhau vì các cụ sống tình cảm, gần gũi với mọi người", bà Lương trải lòng.
U.100 vẫn cầm cuốc bổ củi
Cũng theo chị Phương, bà nội đã 94 tuổi nhưng vẫn có thể cầm cuốc bổ củi. Bà Nguyên cũng không chịu đi chơi đâu xa, đi đâu cũng đòi về sớm vì sợ con trai ở nhà không biết… cho đàn gà ăn.
|
|
Cụ bà U.100 vẫn minh mẫn, thường xuyên làm việc nhà |
Bà vẫn có thể đi chợ mua đồ ăn giúp con dâu, quét sân, nấu cơm và tính toán rất cẩn thận, không bao giờ bị nhầm tiền. Dù con cháu đã ngăn cản, không cho làm nhưng bà vẫn nhất quyết không để tay chân nghỉ ngơi. Thấy bà vui vẻ, ăn ngon khi được làm việc mình thích, mọi người đồng ý nhưng vẫn theo dõi thường xuyên, không để bà làm việc nặng.
Cụ bà U.100 luôn dành tình yêu thương cho các cháu, giữ mối quan hệ tốt đẹp với con dâu hàng chục năm qua. Ngược lại, mỗi lần đi chợ, mẹ chị Phương đều mua quà bánh cho bà. Biết bà thích ăn trầu, mẹ cũng mua sẵn để ở nhà, không bao giờ để bà phải thiếu trầu. Mỗi khi có thời gian rảnh, chị em chị Phương cũng nằm thủ thỉ, tâm sự với bà.
"Mình nghĩ một trong những yếu tố để bà có cuộc sống chất lượng là ở quê thường ăn rau củ quả, cá, thịt… do nhà tự nuôi trồng được. Ngoài ra, bà luôn vận động vừa sức, được con cháu chăm sóc, trò chuyện nên tinh thần luôn thoải mái. Mình mong các bà luôn mạnh khỏe, sống vui vẻ bên con cháu", chị Phương bày tỏ.