Bà có 4 đứa con, 7 đứa cháu, đứa nào bà cũng trông nom. Giờ đến cậu con trai út lập nghiệp xa, cuộc sống cũng chưa mấy dư dả, lấy vợ gần 5 năm mới có đứa con đầu lòng, bà mừng lắm. Dù con không “triệu” bà vào trông cháu nhưng bà tự nguyện.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Jcomp Freepik

Hơn 2 ngày say xe, bà cũng vào đến nơi. Hôm sau, chưa lại sức, bà đã phải trông cháu cho con dâu đi làm. Thằng bé hay mè nheo, đòi bế suốt, cho nó ăn cũng phải đánh vật. Con trai, con dâu đứa thì đi làm xa, đứa thì công việc nhiều, ngày nào cũng về muộn. Bà ở nhà, hết bế cháu lại cho nó ăn, ngủ, tắm rửa.

Có khi mỏi mệt, cháu ngủ, bà muốn ngả lưng nhưng rồi lại tranh thủ cơm nước để con đi làm về được nghỉ ngơi. Có những hôm ông gọi điện cho bà, bà mải việc không để ý. Cũng có khi bà bắt máy nhưng vừa hỏi han nhau được vài câu thì thằng cháu quấy khóc lại phải dừng. Đến thuốc huyết áp, tiểu đường, bác sĩ dặn phải uống đều đặn, đúng giờ vậy mà bà bữa quên, bữa nhớ.

Hè năm ngoái, bà về quê. Ông tưởng bà về luôn, mừng lắm, nhưng ở nhà mấy ngày, bà lại soạn sửa quần áo để vào chăm cháu. Ông bảo: “Cháu cũng lớn rồi, để cho nó đi học, bà đừng vào nữa”. Bà thấy ông gầy đi và biết ông cũng mong bà ở nhà, nhưng bà vẫn nặng lòng với thằng cháu sinh thiếu tháng, hay bệnh vặt, phải đi gửi nhà trẻ, bà không cam lòng.

Bà lại vào Nam. Vài lần vào dịp nghỉ lễ, bà định về quê thăm ông, nhưng tàu xe, máy bay đắt đỏ, sợ phiền đến con nên bà lại thôi. Cháu biết bò, biết đi, bà càng mệt hơn vì cứ phải để mắt canh chừng. Có hôm ăn cơm tối, dọn dẹp xong, bà mới cầm đến điện thoại, thấy ông gọi nhỡ 4, 5 cuộc. Bà định gọi về cho ông, nhưng đoán giờ ấy ông đã đi ngủ, nên để sáng mai gọi. Sáng dậy lại cuốn vào cháu, vào việc nhà, rồi bà quên.

Hôm rồi, có người ở quê báo cho bà tin động trời: ông qua lại với cô Hương.

Cô Hương ở gần nhà bà, chồng mất sớm, ở vậy nuôi 2 đứa con. Cô là người đứng đắn, ông cũng vậy, sao lại có chuyện đó được. Lòng dạ rối bời, bà gọi điện cho ông, định hỏi cho ra lẽ, nhưng điện thoại của ông không có tín hiệu. Không muốn con trai và con dâu biết chuyện nên bà giấu. Cả đêm bà không ngủ được, lấy cớ ông ở quê mệt, bà bảo con sắp xếp để bà về quê sớm.

Bà không báo cho ông biết. Xuống tàu, bà đón xe ôm đi thẳng về nhà. Nhà cửa vắng hoe, bà đi xuống bếp rồi vòng ra sau nhà, không thấy ông đâu. Cái điện thoại Nokia cục gạch của ông vẫn để trên bàn tắt ngóm. Bà thấy lo nên sang nhà hàng xóm hỏi thăm, nhân tiện mang cho mấy đứa nhỏ gói bánh bà đem từ phố về.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Freepik

Cô cháu hàng xóm rót cho bà ly nước chè xanh rồi nói: “Ông vừa đi đám giỗ nhà chú Hiếu rồi bà. Đợt này bà đi lâu quá, mải chăm cháu, bỏ quên ông. Mấy hôm ông bị cảm nằm bẹp giường, không gọi cho ai, cũng không cho cháu báo tin cho bà, sợ bà lo. 2 hôm đầu, cháu đi chợ giùm ông, nhưng rồi sau đó cháu cũng dính cúm nên phải nhờ cô Hương cơm nước, chợ búa cho cả mấy nhà”.

Bà chế tạm gói mì ăn cho xong bữa, lên giường nằm nghĩ ngợi. Cũng may bà chưa trách oan ông. Hơn 40 năm chung sống, hồi còn trẻ, ông công tác xa nhà, lo tạo dựng sự nghiệp, bà dành hết thời gian, sức lực cho con. Khi ông nghỉ hưu thì bà phải vào Nam ra Bắc chăm cháu, cũng mất gần 10 năm.

Giờ đến tuổi già cần kề cận, dựa cậy nhau, bà lại để ông một mình. Cháu không có bà sẽ có người khác trông, nhưng ông chỉ có mình bà bên cạnh. Bà cũng chùn chân, mỏi gối rồi; chỉ vì thương con, thương cháu mà đi, quên mất ông cũng cần được ưu tiên.

Nghĩ thông suốt rồi, bà bấm điện thoại gọi cho con dâu: "Vợ chồng thu xếp cho con đi nhà trẻ, bà không vào nữa, bà ở nhà với ông".

Theo phụ nữ TPHCM