Hồi còn ở quê, từ rất nhỏ, tôi đã nghe nhiều người gọi ba tôi là “đại tướng”. Đó là danh xưng vừa hài hước vừa thân thuộc của bà con dành cho một lực điền cao đến trên 1,8m, nặng gần 80kg.

Cũng vì quá khổ như vậy nên ông rất “kén” quần áo may sẵn, vì ít khi có bộ nào vừa vặn; còn dép nhựa thì toàn bị dư gót nên mang ít lâu là đuôi dép bị bẹt dẹp trong khi dép vẫn chưa đứt. Dĩ nhiên, bữa ăn của ông mỗi bữa phải 2 lon gạo (khoảng 6-7 chén cơm), dù chỉ với những thức ăn đạm bạc.

 
leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa
Tôi đã rất tự hào về người cha phương phi, lực lưỡng của mình, bởi ông làm các công việc của nông dân thường hiệu quả gấp rưỡi, gấp đôi người thường. Ba giỏi võ, đặc biệt lại rất hào hiệp. Có lần, ba thấy người ta xúm lại trên bờ kênh, vừa hiểu chuyện, ông vội lao mình xuống kênh để cứu người.

Lần khác, nghe tiếng kêu cứu cách nhà chừng trăm thước, ông lật đật chạy về phía đó thì kịp thời vớt được một cô gái bị trượt té xuống kênh khi đi bắt cá với đứa em.

Lần khác nữa, khi đi chợ, thấy lửa bắt từ ống xả của chiếc xe đò sang hàng hóa chất trên mui, ba tôi vừa chạy bộ theo vừa hét lên, nhờ vậy mà xe dừng lại và kịp dập tắt lửa.

Ba tôi hiền lành, tốt bụng nhưng phải cái tính hay nói thẳng nên nhiều người không ưa. Có mấy ông chú họ hay “kiếm chuyện”, vì thường bị ba tôi rầy rà chuyện lo ăn nhậu, đánh đập vợ con, lâu lâu say xỉn thì lôi ba tôi ra chửi, nhưng ông không để bụng, trừ vài lần đón đường toan hành hung thì bị ba tôi “dợt” cho vài đường, nhưng sau đó vẫn anh em, bởi qua chuyện thì thôi.

Với các con, ba tôi thực sự là một “đại tướng”, một chỗ dựa hết sức yên bình và vững chắc. Chúng tôi có tuổi thơ nghèo khó, cơ cực nhưng đều rất tự hào về cha mẹ. Khi làm việc gì, có ba, tôi đều cảm thấy yên tâm, vì ba không chỉ luôn quyết định đúng mà còn biết cách giúp đỡ, động viên. Trong rất nhiều quyết định, có việc ba tôi chọn cách rời quê, đến vùng đất mới sinh sống, có điều kiện để con cái học hành tốt hơn.

Hơn 30 năm trước, thấy ở quê ruộng ít, không có sinh kế thuận lợi mà ba tôi lại bị bệnh nấm da tay, không làm việc thường xuyên dưới nước được, nên cả gia đình dắt nhau đi miền Đông làm rẫy. Với số tiền dành dụm được khi đó, ông có thể mua được hơn 3 mẫu rẫy, nhưng ông chỉ mua một nửa, nửa còn lại mua 1 cái nhà nhỏ ở ngoài đường để các con tiện đi học. Hằng ngày, mấy anh em sau giờ học thường vào rẫy phụ ba mẹ, đến hè thì vào ở hẳn để làm nông dân. Lần lượt mấy anh em đều đậu đại học.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory

Hồi tôi học cấp III, ba tôi nói hy vọng tôi sẽ học trường nông lâm, để về làm việc gần nhà, nhưng tôi chọn học ngành báo chí và từ năm thứ ba đã gần như ở hẳn thành phố. Ba luôn tôn trọng quyết định của tôi và thường nói: “Con coi mình làm việc gì có ích cho xã hội được thì làm”.

Sau này, ba hay nói, chỉ mong ba sống đến tuổi mà các con nghỉ hưu về cất nhà sống quây quần bên nhau. Hiện nay 2 đứa em tôi, 1 đứa làm giáo viên, 1 đứa làm cho công ty nước ngoài, lãnh nhiệm vụ ở nhà chăm sóc ba mẹ.

Hơn 20 năm trước, ba tôi bị tiểu đường nên sức khỏe sụt giảm rõ. Nhưng ở đất vườn, ba hết trồng cà phê, tiêu, quýt đến nhãn, bưởi, chuối… Để đỡ tốn nhân công, ba tôi tự thiết kế hồ chứa, đường ống và hệ thống tưới bán tự động. Cách làm này là lần đầu xuất hiện trong vùng - khi cần tưới thì bật máy bơm và điều chỉnh các van để tưới cho từng khu vực. Việc bón phân cũng có thể qua hệ thống tưới đó, cần thiết thì thuê thêm người làm. Ba tôi lúc đó thực sự là lão nông tri điền.

Nhưng khi tuổi ngoài 70, ba tôi không còn là “đại tướng” như xưa, bởi lưng khòm, chân yếu. Dù vậy, đến lúc đó, với chúng tôi, ông vẫn là vị “đại tướng”, bởi ông vẫn là chỗ dựa vững chắc về mặt tình cảm và tinh thần cho gia đình.

Khi ông qua đời, mẹ tôi bị sốc, phải gần 2 năm sau mới chấp nhận sự thật. Còn tôi, mỗi khi về nhà lại như thấy chỗ nào cũng có hình ảnh của ba. Dẫu vậy, hình ảnh đại tướng đó vẫn luôn sâu sắc, đậm đà trong lòng từng người, với những tình cảm ấm áp, những kỷ niệm đẹp đẽ không thể nào phai nhạt. Và chính điều đó thôi thúc chúng tôi sống tốt hơn.

Theo phụ nữ TPHCM