35 tuổi, sau khi thoát khỏi cuộc hôn nhân nhiều đau khổ và một thời gian vất vả với cuộc sống làm thuê làm mướn, mẹ chọn lấy ba. Ba cũng tay trắng, một thân một mình đi lập nghiệp ở vùng kinh tế mới. 2 người chọn Bình Phước để cùng xây tổ ấm. Tổ ấm lần này xây bằng cái nghèo. Ba mẹ nghèo tới mức cả tháng mới mua được thịt heo để ăn 1 lần.
Khó khăn, thiếu thốn trăm bề, cuộc sống cũng có những va chạm không tránh khỏi, nhưng ba không bao giờ đánh mẹ. Ba cũng từng hứa với mẹ rằng, khi kinh tế ổn định, sẽ đưa các con riêng của mẹ về sống cùng nhau. Còn giờ thì cây trồng chưa lớn, chưa có nguồn thu, 1 cái trứng gà chia làm 2 bữa, ba chưa đủ sức để có thêm con. Mẹ nuốt nước mắt không đòi hỏi. Đó là nỗi day dứt trong lòng mẹ. Thỉnh thoảng ngủ mơ mẹ vẫn gọi tên các con. Nhưng mẹ chưa từng hối hận vì quyết định rời đi và lấy ba.
Ba chở che cho mẹ khỏi những lời gièm pha từ bên họ nhà nội. Ai lời ra tiếng vào chuyện mẹ đã có 2 con riêng, ba vẫn không lay chuyển. Ngày ba dẫn mẹ về nhà nội ở miền Bắc ra mắt, ba kéo mẹ lên mâm trên ngồi ăn (trong khi tục lệ vùng này thì đàn bà con gái phải ăn dưới bếp, huống chi mẹ tôi lại bị xem là đàn bà quá lứa lỡ thì, lại mấy lần đò).
|
|
Ba - mẹ tác giả hạnh phúc tuổi xế chiều - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Đến bây giờ, khi cả hai cùng quá tuổi nghỉ hưu, ba không để mẹ lên rẫy. Mẹ mệt, ba đi rẫy về sẽ nấu cơm, rửa chén, giặt đồ… và câu cửa miệng của ba là “Một nửa của mình mà, không thương thì thương ai”. Ba luôn gọi mẹ là Cọp, vì mẹ sinh năm Dần. Ba cưng mẹ là điều mà tất cả phụ nữ trong làng đều thấy và ghen tị.
Không ai hoàn hảo. Ba cũng vậy. Ba không đẹp trai, cao ráo như người cũ của mẹ. Nhưng so về độ yêu thương vợ, có trách nhiệm với con cái, ba tôi xứng đáng 10 điểm. Mẹ may mắn và hạnh phúc bên ba, nhưng những vết thương cũ trong lòng mẹ thì không chữa được.
Gần 30 năm từ ngày mẹ trốn đi, mẹ vẫn không dám gặp lại người chồng cũ. Mẹ vẫn sợ bị đánh. Mẹ ám ảnh với cuộc hôn nhân tan vỡ vì bạo lực ấy đến độ từ bé tới lớn, tôi được mẹ dặn đi dặn lại rằng: dù người đàn ông đó có nói ngàn lời mật ngọt yêu thương, dù anh ta có tặng con bao nhiêu vật chất, nhưng đã 1 lần đánh con thì sẽ có lần 2, lần 3 và con vĩnh viễn không thể có hạnh phúc với người đó. Mẹ đặt ra một nguyên tắc: bạo lực không thể song hành với tình yêu và chàng rể tương lai chỉ cần phạm vào “điểm liệt” đó thì mẹ sẽ không bao giờ chấp nhận.
Mẹ không hô hào nữ quyền, không biết phân tích diễn giải thâm sâu, nhưng mẹ dạy con gái luôn phải đi trên đôi chân của mình và phải nói không với bạo lực. “Giàu nghèo với mẹ không quan trọng. Chỉ cần người con chọn có chí tiến thủ, siêng năng và nhất là thật lòng yêu thương con, trân trọng con thì mẹ luôn rộng cửa chào đón” - mẹ ôn tồn nhắn nhủ. Những lời mẹ dặn, tôi mang theo làm hành trang để bước vào đời.
Theo phụ nữ TPHCM