Số tôi kể cũng may. Chồng tôi không chỉ nấu ăn ngon mà còn cực kỳ thích nấu ăn. Mỗi lần đi chợ, mắt anh sáng lên khi thấy nguyên liệu gì đó hay ho, lập tức não “nhảy số” xem nấu gì cho hợp. Tuy nhiên, cho dù đi chợ, vào bếp là sở thích của chồng và anh luôn tự nguyện làm trong vui vẻ, đôi khi tôi vẫn cần dùng đến một số bí kíp để chồng không thể từ chối mỗi khi “chồng ơi, vợ thèm món này, món kia”.

Cá nục kho măng - món khoái khẩu của vợ được chồng chế biến
Cá nục kho măng - món khoái khẩu của vợ được chồng chế biến

 

Bí quyết thứ nhất là luôn đi chợ cùng chồng. Nhà khác sao tôi không biết, nhưng ông chồng nhà tôi cực kỳ thích chở vợ đi chợ, dù tôi chẳng có tác dụng gì trong cuộc chợ búa của anh. Cá con nào tươi, thịt phần nào ngon, gà trống, gà mái con nào kho ngon con nào nấu cháo hợp… là anh sành sỏi, còn tôi thì rất lơ mơ. Thế nhưng lúc nào đi chợ, chồng tôi cũng thích chở vợ theo chỉ để hỏi những câu kiểu như: “Nay anh nấu món này nha”, “Có canh rồi, giờ món mặn mình ăn gì em?”.

Đến lúc này thì tôi mới bắt đầu cảm thấy mình “có tác dụng”. Phải là một người ăn có chính kiến là châm ngôn sống còn của cuộc đời tôi. Các chị em thử nghĩ xem, với một người thích nấu ăn thì còn gì “mất hứng” hơn là câu trả lời “ăn gì cũng được”. Biết mình muốn ăn gì, thèm ăn gì, ra đề bài rõ ràng là cách để chồng biết mình thật tâm thưởng thức những món chồng nấu, biết món gì chồng nấu ngon để mà thèm, mà nhớ. “Vợ ơi, tối nay mình ăn gì?”. “Thịt kho mắm ruốc nha anh” - tôi đáp, với tất cả sự hào hứng mình có thể trưng ra cho chồng xem.

À, mà tôi chỉ có chính kiến trong chuyện ăn gì thôi, nhưng phải “thảo mai” trong lúc ăn. Gì thì gì, ai mà chẳng thích được khen. Nấu ngon tất nhiên phải khen, nhưng lỡ như có món gì chồng nấu chưa ngon hay không hợp khẩu vị, các chị em cũng nên nhẹ nhàng: “Anh ơi, món này bữa sau anh làm nhạt chút để em bớt ăn cơm lại, để còn giảm cân anh nha”, “Chồng ơi, cá này em nghĩ chiên giòn thêm một chút sẽ ngon hơn”. Mấy đức ông chồng coi vậy mà cũng mong manh dễ vỡ lắm, bỏ công cả buổi nấu cho vợ ăn mà bị chê này chê kia, thể nào chẳng buồn, đúng không?

Sau khi xoa dịu rồi thì hãy biết cách “khích tướng”. Ngoài việc vui vẻ đi chợ với chồng, trân trọng công sức chồng bỏ ra, chúng ta cũng nên tham gia vào công cuộc bếp núc của chồng bằng cách siêng năng cập nhật món mới cho đầu bếp nhà. Chồng tôi vốn thích tìm tòi các món ăn ngon, mới, lạ cho gia đình.

Mỗi khi nghe tôi đề xuất món này món kia, tỉ tê thỏ thẻ: “Món này nhìn ngon, mà chắc khó nấu lắm anh ha”, con người tò mò và có phần háo thắng trong anh lập tức trỗi dậy, tìm cho bằng được cách nấu để vợ phải trầm trồ. “Ba cái này có gì đâu mà khó”. Câu này tôi vẫn thường được nghe chồng nói mỗi khi bị vợ ra đề bài khó.

Bí kíp tiếp theo là thỉnh thoảng, hãy nấu ăn cho chồng. Dù rất vụng về chuyện bếp núc, những lúc cần, tôi vẫn có thể nấu được dăm ba món cơ bản như sườn ram, thịt kho trứng, canh cải thịt bằm… Mỗi lúc như vậy, người chồng của tôi thường không giấu được ánh mắt vui vẻ xen lẫn tự hào, dù anh vẫn phải thường xuyên nhắc: “Cá này em đừng chiên kỹ quá, khô thịt”, hay đôi khi tủm tỉm hỏi: “Nãy em nêm bao nhiêu muối vào canh?”.

Cá mú um măng khế, một món lạ mà chồng nấu theo yêu cầu của vợ
Cá mú um măng khế, một món lạ mà chồng nấu theo yêu cầu của vợ

 

Thật ra, các bà vợ vào bếp để chồng biết họ cũng được vợ chăm là một chuyện, nhưng cái chính là tôi muốn để anh thấy rằng, việc nấu ăn là sở trường của anh ấy. Nhìn tôi loay hoay khổ sở trong bếp, thể nào anh cũng chép miệng: “Thôi, để anh nấu cho lành”.

Nói vui là thế chứ bí kíp quan trọng nhất, theo tôi, vẫn là sự tôn trọng và trân quý tình cảm cũng như công sức mà nửa kia dành cho mình. Mỗi một món ăn nấu ra, không chỉ là thực phẩm ăn cho no bụng mà còn là sự quan tâm mà vợ chồng dành cho nhau.

Còn nữa, bất kỳ mối quan hệ nào cũng cần có sự cân bằng và cùng nhau, trong trường hợp này là sự cân bằng và cùng nhau chăm sóc gia đình. Chồng nấu ăn, vợ dọn rửa hoặc ngược lại. Tương tự với những chuyện khác trong gia đình, mỗi người góp một tay cùng xây nên mái ấm. Đừng xem bất cứ sự chăm sóc nào của nửa kia dành cho mình là mặc nhiên, là bổn phận.

Nếu được nhận, chúng ta cũng phải biết cho đi, đó mới là bí kíp bền vững nhất trong bất kỳ mối quan hệ nào, bao gồm hôn nhân.

Theo phụ nữ TPHCM