Những ngày qua, các tỉnh thành phía Bắc phải hứng chịu trận bão Yagi lịch sử. Nhìn các gia đình, trong đó có nhà mình, tất tả chuẩn bị đồ dùng, thức ăn, trong tôi lại thức dậy những ký ức ngày xưa. Đó là ký ức về những bữa cơm ngày bão: có thơm thảo, ấm áp, có phập phồng, thấp thỏm âu lo.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Internet

Những năm ấy, ngay khi đài báo sắp có bão, mẹ tôi bắt tay chuẩn bị lương thực thực phẩm cho cả gia đình. Kinh nghiệm để lại từ thời các cụ đã cho thấy, bão ào qua thường chỉ 1 ngày, 1 buổi, nhưng những ngày sau đó mới thật kinh khủng. Nước ngập úng, không có hoa màu nào sống nổi; gia súc, gia cầm cũng chết. Nhà nào không chuẩn bị thì chẳng có gì ăn.

Nơi tôi ở, gầm giường nhà nào cũng có một ít khoai tây để sát xuống nền đất cho tươi lâu. Bí đỏ, bí đao, khoai sọ là những thứ chỉ cần đi ra vườn, ra ruộng hái về. Thêm nữa thì có thể cắt thêm nải chuối xanh, cũng có thể tính vào các món rau. Đấy là tính về củ quả. Còn các loại rau ăn lá, như rau muống, rau ngót, rau mùng tơi, rau thơm… cũng đều là những thứ trồng ở vườn nhà, chỉ cần đi cắt một buổi là đủ dùng cho mấy ngày.

Còn về các món ăn mặn, mẹ tôi làm món đậu phộng muối mè. Đợt nào có tiền, mẹ còn đi chợ mua sườn heo về làm món sườn băm, món cá khô hay mắm tép chưng thịt. Đủ chừng ấy thứ là gia đình tôi tạm yên tâm cho những ngày bão.

Công cuộc chống bão của mẹ bắt đầu từ việc chế biến những món ăn mặn. Đậu phộng và mè được mẹ rang trên bếp than. Khi rang, mẹ để than âm ỉ, để đậu phộng chín kỹ cả bên trong. Mẹ nhanh tay đổ riêng từng thứ ra cái rá có lót vài tờ giấy báo và gói chặt lại rồi ủ xuống dưới mấy lớp vải. Tiếp đến là rang muối, để muối khô se đi và từng hạt từng hạt muối giòn tach tách trên chảo. Món này để trong hũ có thể ăn được nhiều ngày.

Có những hôm mua được ít sườn heo giá rẻ, mẹ sẽ làm món sườn bằm. Sau hàng giờ lách cách băm chặt, chỗ sườn nay đã nát ra, gồm cả thịt, cả sườn và tủy xương quyện lại. Hỗn hợp đó, được mẹ tôi chiên trên chảo, với hành phi thơm và một ít mỡ cùng nước mắm loại tốt. Đây là món rất "đưa cơm".

Tôi vẫn nhớ những bữa ăn tối ngày bão, khi cúp điện, chỉ còn leo lét ngọn đèn dầu hoặc đèn măng xông, bữa cơm đơn sơ chỉ có rau muống luộc, nước rau vắt chanh, với đĩa sườn bằm. Vậy mà bọn trẻ con chúng tôi ăn vèo vèo mấy chén cơm.

Ngày bão, việc nhóm lửa để nấu nướng trong nhà cũng khó. Củi ẩm làm khói bay lên quanh quẩn, cay xè cả mắt. Nếu bữa nào không nấu bếp củi mà nấu bếp dầu thì góc nhà lại sực lên mùi dầu hôi. Ngày bão cứ quanh ra quẩn vào không đi đâu được, chẳng mấy chốc mà hết ngày.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Net

Bữa cơm cũng chỉ có chừng ấy món, mà chị em tôi cứ háo hức hỏi: "Trưa nay/tối nay ăn gì hả mẹ?". Trong lúc líu ríu tranh nhau dọn cơm, ăn cơm, chúng tôi đâu có để ý đôi mắt mẹ cha đầy lo âu. Cái ao cá sắp đến ngày đánh bắt, nay bão về khéo nước tràn bờ, cá bơi sang ao khác hết. Ruộng đang chuẩn bị gặt, mưa ngập thế này chắc hư hết… Những nỗi lòng đó, sau này lớn lên tôi mới hiểu được, chứ cha mẹ không nói bao giờ.

Một mùa bão nữa đã về. Chị em chúng tôi nay đều đã lớn, đã lập gia đình. Lại giống mẹ ngày xưa, chúng tôi lại tất tả lo cho gia đình trong những ngày bão tới. Tôi lại đi chợ, lại mua đồ khô về tích trữ giống mẹ. May mắn là khu nhà tôi ở vẫn an toàn. Đám con nít được nghỉ học ngày bão, tụ tập với nhau, mở ti vi coi phim. Nhà chung cư trên cao được xây chắc chắn, thành ra, cũng không có cảnh phải chằng buộc, chèo chống cửa nẻo như thuở nào.

Đã xa rồi những bữa cơm ngày bão năm xưa. Ánh đèn tù mù, chiếc nồi gang nấu cơm dẻo mà ngon, đĩa muối mè do bàn tay tảo tần của mẹ sàng sảy, chén thịt chưng mắm tép vị mặn còn đọng tới giờ… Những ngày bão giữa thủ đô, tôi ngồi ăn mà nhớ cha nhớ mẹ rưng rức, nhớ cả một tuổi thơ và hình dung vẫn còn rất nhiều gia đình đang gồng mình với những bữa cơm ngày bão như thế.

Theo phụ nữ TPHCM