Hồi đó, cứ mỗi buổi chiều quê, đám nhóc tụi tôi đang tụ tập reo hò chơi đủ trò ở một góc nào đó trong xóm thì mấy bà mấy má đứng ở ngõ gọi với ra: “Tối rồi, về nhà ăn cơm”. Dù cho tiếc hùi hụi buổi chơi dang dở, đứa nào cũng phải ba chân bốn cẳng chạy về cho kịp giờ cơm.
Nhà tôi thường ăn cơm tối vào lúc đã hoàn thành hết mọi việc của ngày. Sau khi má dọn xong hàng từ sạp rau củ sẽ nhóm bếp lửa thơm phức, cơm trắng cá kho; sau khi ba bật bơm, kéo vòi tưới ướt đẫm mấy luống rau, hàng cây trong vườn nhà; sau khi tôi đã tắm rửa, thay áo quần sạch sẽ và nhanh tay dọn chén, so đũa sắp xếp lên bàn.
Chừng 7g tối, cả nhà quây quần bên mâm cơm, ba bật ti vi, chương trình thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam.
Mọi người vừa ăn cơm vừa nghe tin tức và bàn luận sôi nổi. Thỉnh thoảng má sẽ chen vài câu hỏi han tình hình học tập của tôi hoặc ba kể câu chuyện hay ho nào đó đã nghe được. Tới khi đài chuyển sang bản tin thời tiết là lúc má dọn lên món chè đậu hoặc đĩa trái cây tráng miệng. Mắt mũi ba kèm nhèm, luôn nhờ tôi coi giúp dự báo nhiệt độ mưa nắng ngày mai. Rồi ba má ra hiên trải chiếu hóng gió ngắm sao trời, tâm sự đôi câu, trao đổi về những gì sẽ làm vào hôm sau.
Vậy thôi mà thành nếp nhà. Sau này, rất nhiều lần trong quãng đời xa xứ, tôi nhớ tới thắt lòng những giờ phút giản đơn như thế.
Một vài bữa sáng, có thể vì tôi vội đến trường nên gặm ổ bánh mì, má lo dọn hàng đành ăn đỡ gói xôi, ba phải tới cơ quan nên ăn vội tô bún ở quán. Bữa trưa, ai rảnh sẽ về nhà nấu cơm, có khi đợi nhau, cũng có lần người ăn trước người ăn sau. Nhưng dù bận bịu tới mấy thì bữa tối chắc chắn luôn chờ đầy đủ thành viên, cùng ngồi lại bên nhau với bữa cơm nhà ấm áp; để cùng cười vui vẻ, chia sẻ bao điều đã trải qua trong một ngày dài; để nói lời yêu thương, động viên hay chỉ dạy sâu sắc; để hiểu rằng, bão giông ngoài kia sẽ luôn dừng lại sau cánh cửa nhà mình.
Thời sinh viên, ngoài buổi học ở trường, tôi làm thêm nhiều việc để kiếm tiền trang trải chi phí sinh hoạt. Bữa lăng xăng bán kẹo dạo, ngày làm nhân viên phục vụ, tối tranh thủ nhận lớp gia sư. Chạy tới chạy lui, tới khi đường phố lên đèn, quán xá thoảng mùi đồ ăn, nghe tiếng bụng kêu mới nhận ra bản thân đang đói meo. Chẳng có ai cạnh bên bới giùm chén cơm nóng, múc tô canh đầy.
Tới khi tốt nghiệp, tôi thành nhân viên văn phòng, có nhiều ngày chạy deadline, bận tối mắt tối mũi, phải ở lại công ty tăng ca, ngước mặt lên đã 9, 10g đêm. Mệt phờ phạc, dắt xe ra về, đi ngang quán lề đường, tấp vào ăn tô hủ tíu. Cũng có những tối, được tan ca đúng giờ, một mình trong căn gác trọ, bưng chén cơm vừa ăn vừa coi phim cho dịu bớt nỗi cô đơn. Lúc ấy mới thấm thía giá trị một bữa cơm nhà, có người thân cùng ăn cùng chuyện trò. Bao nhiêu buồn tủi chẳng biết kể với ai, trong cuộc gọi về ba má đều lén giấu đi giọt nước mắt.
Trải qua vô vàn bữa tối giữa phố xá chông chênh, tôi hiểu hạnh phúc đơn giản là được vào bếp phụ giúp má nấu những món ăn ngon cho gia đình. Bữa cơm được nêm nếm bằng rất nhiều tình yêu thương, ai thích ăn gì cả nhà đều nhớ, khẩu vị ai ra sao mỗi người đều hay. Bữa cơm là lúc gắn kết mọi thành viên trong nhà, cùng nói nhau nghe, hiểu và thương nhau nhiều hơn. Đi xa rồi, nhớ nhà chính là nhớ những bữa cơm bình dị như thế.
Theo phụ nữ TPHCM