Bà dựng chiếc xe đạp, xách giỏ lá cách, mồng tơi, chanh, sả, càng cua… để lên bậc thềm, lần chìa khóa mở cửa. Tiếng lách cách nghe mượt hơn lúc trước, hình như ông vừa vô mỡ bò. Ta nói đàn ông thiệt lạ, hệt như trẻ nhỏ, cái gì cũng phải nhắc. 

Chuyện nhắc ông vô mỡ bò chìa khóa, đóng lại bản lề hay lau chùi bàn thờ đã đành, uống viên thuốc hay tắm cũng phải nhắc mới lạ kỳ. Kỳ hơn, không nhắc là không làm hay do quên, bà cũng không biết. Hồi nãy, bà đã nhắc có uống ly trà với ông Sáu Thành thì uống rồi mau về chứ không trời mưa lớn.

Tuổi ngoài 70 như trái chuối chín cây, không cần gió lay cũng rụng, được ngày nào hay ngày nấy. Vậy mà bà về nhà chặp lâu, trách ông trời hết nước hết cái cũng không thấy bóng dáng ông đâu. 

Con cháu ở xa. Mình lo mình khỏe cho tụi nó an tâm mà sống, chứ giúp gì được cho tụi nó. Nội thấy mấy đứa cháu lâu lâu về chạy quanh nhà thôi là bà đã chóng mặt cả tuần. Bóng xế tuổi già không ở với con cháu nhiều khi là tốt.

Bà thấy rất rõ tụi nó là con cháu ruột rà của mình mà vẫn có cái gì đó như cung đàn lời ca lỗi nhịp. Muốn hay cố cho lắm thì ông bà cũng thuộc về những trang sách cũ, những năm tháng cũ. Dẫu thương nhớ thật nhiều, khác biệt vẫn là khác biệt. 

Hàng xóm láng giềng nhiều lúc hồn nhiên bày tỏ sự ái ngại khi thấy 2 người già quanh năm vào ra căn nhà thênh thang. Từng đồ vật, từng cọng cỏ ngọn cây trong sân cũng thở nhẹ như nhịp sống, nhịp thở của chính ông bà. Bà tự đi chợ nấu ăn theo ý mình, theo sức khỏe của 2 người.

Việc gì nặng nhọc khó khăn quá thì nhờ đám cháu họ, trai hàng xóm giúp rồi gửi tụi nó vài trăm ngàn đồng cà phê cà pháo. Cái yên ắng bên nhau cả ngày của ông bà không phải là sự yên ắng của việc buồn chán hay giận dỗi. Nó là cái yên ắng của bình an và sự thấu hiểu một đời. Chỉ cần vài tuần một tháng, lễ tết con cháu về chơi là mãn nguyện, sống nốt đời chuối già chuối chín.

Bà đặt nồi nước sôi lên bếp để lát nữa nhổ lông 2 con gà mới nhờ thằng Tám Đẹt cắt tiết. Nhắc đến những dịp con cháu đủ đầy hình như cái mắt kính lão nhòe đi. Hơi tỏa từ nồi nước hay hơi ẩm của cơn mưa ngoài kia?

Nhớ ngày này 2 năm trước mùa dịch bệnh, cái điện thoại trong tay bà suýt rớt khi nghe con gái ngập ngừng “Không biết đến tết con về được chưa…”. Ai tưởng được có một ngày mà ông bà con cháu chỉ cách nhau một quãng nhưng cũng khó khăn để gặp. Ai tưởng được có một ngày ở ngay Sài Gòn mà cọng rau con cá mua cũng khó khăn. Chưa sống hết một đời vật đã đổi sao đã dời rồi sao?

Bà vừa nhổ lông gà vừa nghĩ đến cái loa xã. Đời thiệt ngộ, mấy cái ồn ã nhiều khi phiền chết đi được mà không dưng có lúc vắng lại nhớ. Người già nào cũng không thích tiếng ồn. Nhiều khi mới 5g sáng, biết là có ngủ ngáy gì nữa đâu nhưng cái loa cứ ra rả sát hông nhà khiến đầu óc bà váng vất.

Bà đích thân gặp anh chàng văn hóa thông tin xã đã 2 lần, càm ràm: “Bây dọn cái loa xa xa nhà bà hay bây phát lùi giờ lại một chút, chớ bà nhức đầu. Ông Năm, ông Bảy, bà Chín cao huyết áp, có ngày bây đền không hết đa. Mà bà nghĩ bây nghỉ phát đi cho khỏe. Mắc gì mà bắt 2 đứa nó nói thôi là nói, nói còn hơn cô giáo giảng bài, mà có ai nghe đâu ha bây?”. 

Dợm đứng lên nhưng 2 chân tê rần, bà khẽ nhích một chút sang bên đợi giây lát. 2 tay buông thõng chạm nhẹ vào chân như chạm vào trẻ sơ sinh. Bà nhìn con thằn lằn ôm chặt bức tường nằm bất động mà nghĩ đến đời người chóng vánh. Mới ngày nào muốn đi là đi, muốn đứng là đứng, giờ khẽ khàng như đàn bà mới sinh.

Ngày nào ăn cái gì cũng thấy ngon, giờ đến bữa, đứng tần ngần trước cái tủ lạnh ăm ắp đồ ăn, nghĩ mãi không biết đem cái gì ra nấu. Gà, vịt, bò, heo thiếu chi đâu mà bữa cơm, 2 ông bà cứ ngồi trệu trạo như ngậm miếng dăm bào trong miệng. Khi người ta trẻ, ăn cái gì cũng thấy ngon, đi đâu cũng thấy vui. Như đám con cháu bà bây giờ, tụi nó ăn thấy thương. 

Khi bước vào tuổi già, một tiếng động nhỏ cũng làm người ta thon thót. Mấy tháng nay có đêm nào bà không nằm đếm thời gian ì ạch chảy, nghe nỗi lo lắng phập phồng cho một ngày mai của con cháu cứ quấn lấy mình. Sớm mai dậy tựa như có ai dùng chày dần mạnh từng đoạn xương từ đỉnh đầu trở xuống. Đau buốt.

Ảnh mang tính minh họa - Internet
Ảnh mang tính minh họa - Internet

 

Vậy mà sáng nay, đọc tin nhắn của đám con: “Hay mẹ mua đồ ăn ở quê rồi gửi xe lên cho tụi con, thèm đồ quê mình quá!”, hệt như trẻ con được hứa hẹn cho quà, chân tay bà phút chốc trở nên nhanh nhẹn.

Bà gói ghém từng mớ rau con cá, đến trái ớt, trái chanh, nhúm sả, miếng bánh… mà nghe vui vẻ khỏe mạnh hẳn.Bà gọi với lên nhà trên nhờ ông viết cho mấy miếng giấy bỏ vào từng gói đồ cho mấy đứa nhỏ dễ nhận diện để lấy ra nấu nướng cho lẹ.

Lẫn trong tiếng loa xã, bà nghe tiếng ông cười cười: “Cá chuối đắm đuối vì con, chẳng sai”. 

Theo phụ nữ TPHCM