Thoả thuận tiền hôn nhân

Vợ chồng anh Đức và chị Thái Hà (sống tại Hà Nội) cách nhau 9 tuổi nhưng luôn phối hợp ăn ý trong cuộc sống. Vợ chồng “tương kính như tân”, 2 con ngoan ngoãn, mỗi người đều được tự do phát triển, không ràng buộc hay kiểm soát nhau. Anh Đức hiện là chuyên gia một tập đoàn công nghệ Hà Lan. Còn chị Thái Hà là chuyên gia nhân sự.

leftcenterrightdel
 Chị Thái Hà là chuyên gia nhân sự với sự nghiệp vững vàng

Bí quyết hạnh phúc của cặp đôi chênh nhau khá nhiều tuổi này là mọi thứ được thỏa thuận rõ ràng từ đầu, thông qua… "cuộc họp tiền hôn nhân".

Đầu năm 2017, anh Đức và chị Hà làm lễ cưới thì trước đó 1 tháng, anh chị đã có một cuộc họp đúng nghĩa để thỏa thuận những điều kiện sống chung. Nhờ rõ ràng mọi thứ, họ bước vào hôn nhân với tâm thế thoải mái nhất và tránh được những cãi cọ về sau.

"Cuộc họp tiền hôn nhân” kéo dài 3 tiếng

Chị Hà kể, anh Đức luôn tỏ ra thờ ơ với những công đoạn chuẩn bị đám cưới. Nhẫn cưới mua loại đơn giản nhất, chỉ 3 triệu đồng một đôi. Trang phục cưới cũng chỉ là một bộ vest 5 triệu đồng. Tất cả những lễ nghĩa khác, anh Đức để cha mẹ đôi bên muốn thế nào cũng được, không tham gia ý kiến.

Nhưng riêng việc “họp tiền hôn nhân”, anh Đức lại coi trọng hàng đầu, rất nghiêm túc. Đến ngày hẹn, chị Hà đến chỗ họp và thấy buồn cười vì chồng sắp cưới đã cầm sẵn 3 cái bút dạ, bảng trắng được chuẩn bị kỹ càng, sẵn sàng vào… cuộc họp.

Sau 3 tiếng trò chuyện cởi mở, anh Đức và chị Hà thống nhất 4 việc quan trọng nhất trong gia đình: tiền trong nhà, bố mẹ 2 bên, cuộc sống riêng của 2 đứa, nuôi con.

leftcenterrightdel
 Một đoạn tin nhắn giữa hai vợ chồng chị Thái Hà: Anh Đức nhắn tin cảm ơn vợ vì đã... dọn nhà vệ sinh

“Theo đó, anh Đức nói rằng anh sẽ chịu toàn bộ chi phí nuôi con để công bằng, vì tôi đã mang thai sinh nở rồi. Còn vợ chồng "thân ai nấy lo", tức là tiền sinh hoạt của mỗi người thì bản thân phải tự quản, nếu vay thì phải trả đàng hoàng. Tiền tiết kiệm thì hùn cùng nhau chung để làm những việc chung. Riêng giai đoạn mang thai, nuôi con nhỏ, anh sẽ có phụ cấp riêng cho vợ bằng lương hàng tháng của tôi ở thời điểm đó”, chị Hà nói về thỏa thuận tài chính.

Chị Hà cũng kể, anh Đức đề nghị cha mẹ hai bên được đối xử như nhau, không phân biệt nội ngoại. Chị Hà thích về ngoại lúc nào thì về, ăn tết ở nhà nào cũng như nhau hết và anh hoàn toàn không đặt nặng.

Cuộc sống riêng tư của mỗi người cũng được tôn trọng tối đa. Vợ chồng muốn đi đâu làm gì thì không ai quản lý nhau, chỉ cần hỏi nhau trước để không vướng việc nhà hay trùng lịch của bạn đời. Tất nhiên cũng không ai được sờ vào điện thoại, email hay Facebook của nhau.

Trong việc nuôi con, chị Hà được tùy ý quyết định, nhưng chuyện giáo dục con ra sao thì phải có sự thống nhất, bàn bạc giữa 2 bên.

Những chi tiết tưởng chừng như thật khó có thể giữ được trong mối quan hệ vợ chồng nhưng suốt 6 năm chung sống, anh Đức đã chứng minh rằng anh nói được là làm được.

Tiền ai nấy tiêu, nhưng tiết kiệm chung

Trong mắt chị Hà, anh Đức là thuộc típ người logic đến mức sòng phẳng. Hồi đầu khi mới quen, chị từng bị “sốc”, rất khó để chấp nhận.

Nhớ có lần, yêu nhau được 2 tháng và sắp bước sang tuổi 23, chị Hà thủ thỉ với người yêu: “Anh tổ chức sinh nhật cho em nhé!”. Dường như đề nghị này với một cặp đôi yêu nhau là đương nhiên, nhưng anh Đức lại trả lời một câu khiến chị Hà ngỡ ngàng: “Tại sao anh phải tổ chức sinh nhật cho em?”.

leftcenterrightdel
 Nhờ sự hỗ trợ của chồng, chị Hà có thời gian để phát triển sự nghiệp và chăm sóc cho bản thân.

Trước sự khó hiểu của chị Hà, anh Đức đã giải thích về quan điểm của mình. “Anh bảo, quan điểm của anh là trên đời này ai muốn có cái gì thì mình là người nên nỗ lực để tự làm nó, đừng trông đợi vào ai hết, kể cả là cha mẹ, người thân hay chồng vợ. Anh nghĩ chúng ta nên hạn chế suy luận, cố gắng làm cho rõ ràng. Nếu anh hỏi tại sao tức là anh thực sự muốn biết suy nghĩ của em khi muốn anh làm thế. Anh hỏi: “Tại sao?” không có nghĩa anh từ chối hay không yêu em đâu”.

Vốn cũng thuộc típ người thích sự sòng phẳng, rõ ràng, nên lâu dần, chị Hà lại thấy cách suy nghĩ và tư duy của chồng thật phù hợp. Như trong việc tổ chức sinh nhật, chị Hà có thể thoải mái làm mọi thứ theo ý mình và mời anh Đức tham gia như một người khách đặc biệt. Đôi bên đều vui.

Chị cũng nhận ra việc bắt chồng phải đoán biết suy nghĩ, cảm xúc của mình là điều không tưởng, nên chị luôn nói ra hết tất cả mọi thứ và cảm thấy rất dễ chịu. “Tụi mình nếu có cãi nhau thì cũng chỉ cãi những việc to, ra tấm ra món thôi”, chị Hà cười.

Đến bây giờ, anh Đức và chị Hà vẫn luôn rạch ròi trong chuyện liên quan đến tiền bạc. Chi phí sinh hoạt gia đình được chia đôi, còn anh Đức sẽ lo toàn bộ tiền nuôi con. Nếu anh đi vắng mà chị Hà phải đóng hộ khoản nào cho các con thì chỉ cần gửi biên lai, anh sẽ chuyển lại cho chị. Chẳng ai giữ tiền của ai nhưng mỗi người đều rất trách nhiệm trong việc gửi tiền tiết kiệm chung. Sự tin tưởng nhau đặt lên hàng đầu.

Nhờ có những thỏa thuận rạch ròi, cuộc sống của chị Hà và anh Đức dễ dàng, trôi chảy, chủ động. Ai cũng vừa hoàn thành trách nhiệm với gia đình, vừa phát triển công việc, các mối quan hệ bên ngoài.

Mỗi nhà một nếp sống, miễn vợ chồng đồng thuận, tôn trọng lẫn nhau thì mỗi người trong cuộc sẽ cảm thấy hạnh phúc - nền tảng để xây dựng nên một cuộc hôn nhân văn minh, hòa hợp.

Theo phụ nữ TPHCM