Tình yêu đẹp, dù bao nhiêu tuổi
Cặp đôi yêu nhau và cùng nhau chứng kiến gia đình mình lớn mạnh qua nhiều thời khắc lịch sử của dân tộc. Cả hai hay kể chuyện tình của ba mẹ và “sự tích ra đời” mỗi đứa con.
Năm 1960, cô gái Vũ Minh Nguyệt tròn 20 tuổi, nhà nghèo nên chỉ học hết cấp II. Cô xin vào làm nhân viên đánh máy tại văn phòng Ủy ban Khoa học Nhà nước (Hà Nội). Chàng trai Đặng Văn Thuyết (24 tuổi) tốt nghiệp Trường đại học Bách khoa Hà Nội, có quyết định về ủy ban, làm công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật ngành cơ khí. Hằng tháng anh phải đưa dự thảo báo cáo nhờ cô gái đánh máy.
|
|
Các con, cháu chắt luôn biết ơn ba mẹ, ông bà |
Các buổi trưa, 2 người đều ăn cơm tại nhà ăn của ủy ban, rồi đọc báo treo ở bản tin ở sân ủy ban. Một hôm đọc thông tin chiếu phim Đàn sếu bay qua của Liên Xô, ở rạp Long Biên, anh Thuyết nói: “Phim này hay đấy”, cô Minh Nguyệt tiếp lời: “Em mua vé đi xem nhé”. Tối ấy, họ đợi nhau ở rạp chiếu phim. Tóc cô gái vừa gội còn ướt, để xõa, thơm mùi lá sả. Buổi xem phim thật lãng mạn và ấm áp.
Năm ấy, nhân ngày Quốc tế Lao động, cô gái mời anh về nhà chơi, được ông bà ngoại của cô mời dùng cơm, anh chân thành đón nhận. Ngày thời bao cấp tem gạo không đủ ăn, anh thanh niên thường phải uống 1 tô nước trước bữa ăn cơm cho đỡ đói. Từ đó, gia đình cô gái cũng quý anh hiền lành, dễ thương nên cho phép đôi trẻ tìm hiểu nhau.
Hằng tuần cứ vào tối thứ Bảy, lúc 19g, anh đưa cô gái bằng xe đạp lên vườn bách thảo trò chuyện tâm sự đến 21g thì về.
Trải qua năm tháng khó khăn nhưng êm đềm, cuối năm 1963, công đoàn các ban tổ chức đời sống mới cho đôi uyên ương. Cưới xong, chú rể đạp xe đưa cô dâu về tổ ấm - căn buồng vỏn vẹn 7 mét vuông người cô của cha cho ở nhờ.
2 người lấy nhau, tự lực từ 2 bàn tay trắng, hết lòng hết sức lo dạy dỗ, nuôi nấng con cái ăn học đến nơi đến chốn tùy theo khả năng của mỗi đứa con. Họ yêu thương các con và đối xử công bằng. Đến nay, họ tự hào khi tất cả các con đều đã trưởng thành, có công ăn việc làm, có nhà cửa đàng hoàng và gia đình hạnh phúc.
Đối với 2 bên nội ngoại, ông bà rất hiếu thảo, được các cụ và họ hàng đôi bên yêu mến. Đối với cơ quan và các tổ chức xã hội phường, quận, thành phố, ông bà đều tích cực hoạt động, được mọi người yêu quý, tín nhiệm, được tặng nhiều giấy khen, bằng khen, huân - huy chương.
Với con cháu, ông bà là tấm gương sáng chói về tình yêu, các ứng xử trong quan hệ vợ chồng. Ông bà luôn cùng nhau đi du lịch trong nước, đến Hạ Long, Đà Lạt, Nha Trang, Vũng Tàu… ra cả nước ngoài: Nga, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Campuchia… Bao nhiêu năm qua đi, dẫu bận bịu và khó khăn đến đâu, ông bà cũng không bao giờ quên kỷ niệm ngày cưới, sinh nhật của nhau. Thời bao cấp, không có tiền mua hoa, mua bánh nhưng họ không thiếu thời gian để nhắc lại kỷ niệm.
Ông bà luôn khích lệ con cháu: “Đừng ngại khó, đừng nghĩ mình già”. Ông tích cực tham gia các hoạt động khu phố, vẫn đi họp sinh hoạt Đảng thường xuyên, vẫn truyền lửa cho thế hệ trẻ. Trong các dịp đám cưới, ông hay được mời làm MC, ca hát không mệt mỏi và lan tỏa niềm vui ấy cho tất cả những người xung quanh. “Cuộc đời vẫn đẹp sao. Tình yêu vẫn đẹp sao. Dù cho tuổi có là bao nhiêu tuổi” là câu hát mà ông thường xướng lên trong dịp vui.
Những lời biết ơn sâu sắc của con cháu
Những đứa con của ông bà giờ đây cũng đã nhiều tuổi. Song với cha mẹ, họ vẫn luôn là đàn con bé nhỏ, không ngần ngại chia sẻ về tình cảm dành cho cha mẹ.
|
|
Ông bà Đặng Văn Thuyết và Vũ Minh Nguyệt luôn cùng nhau sau 60 năm chung sống |
Đối với họ, ba Thuyết mẹ Nguyệt còn vượt hơn cả tình yêu thương thông thường. Ba mẹ không những dành cả những tháng năm tuổi thanh xuân cho các con, mà ngay cả khi về già, tuổi cao sức yếu vẫn tận tụy chắt chiu từng giọt tinh túy cuối cùng cho các con, các cháu, chắt.
Ngày còn trẻ, để đàn con được ăn no mặc ấm giữa vô vàn thiếu thốn, ông bà không ngần ngại gánh lấy trách nhiệm và chịu đựng áp lực, sẵn sàng làm lụng vất vả để con cái ăn học thành tài, có sự nghiệp ổn định. Những tháng ngày khó khăn, họ nuôi heo, nuôi gà… để mong cho đàn con được ăn uống đầy đủ, có thể lực khỏe mạnh.
3 đứa con càng lớn, càng cần tiền để được học hành đến nơi đến chốn. Vì thế, ông bà phải chấp nhận sống xa nhau. Mẹ vất vả sống và làm việc ở xứ sở xa xôi đầy bão tuyết. Trong chuỗi ngày xa cách, nhớ nhung giữa vợ và chồng, giữa mẹ và con, những lá thư mặn nồng thường xuyên được trao đi gửi lại. Những nét bút, dòng thư là cả một khung trời yêu dấu.
Thế nhưng không để nỗi nhớ cản trở, mẹ đã đưa nhớ thương vào việc hăng say lao động để có năng suất cao và tích lũy vật chất ngày trở về. Ba toàn tâm thay mẹ trông nom con cái và những việc đối ngoại 2 bên gia đình.
Hẳn là có rất nhiều đêm cô đơn giá lạnh, mẹ cũng chạnh lòng nhớ chồng con nhưng chưa bao giờ kêu ca, phàn nàn.
Mẹ về, thì ba lại đi làm xa, tự chống chọi với cơn đau dạ dày, thiếu bàn tay chăm sóc ấm áp của mẹ. Làm sao các con quên được những tháng ngày cơ cực ba mẹ hy sinh cho các con.
Một đời lo đủ kinh tế nuôi con, nhưng ba mẹ chưa khi nào lơ đãng chuyện dạy dỗ. Khi lớn lên, các con hiểu, điều ba mẹ lo lắng nhất là dạy con. Vì thế, ông bà luôn nỗ lực uốn nắn, dạy các con những bài học làm người. Ba mẹ chính là người thầy suốt đời của con.
Các con luôn biết, tình cảm yêu thương, sự nâng niu, quan tâm chăm sóc bằng cả tấm lòng mà ba mẹ dành cho mình là thứ tình cảm vô giá, không có gì cân đo đong đếm được. Rồi tháng ngày khó khăn, vất vả cũng qua, 3 đứa con khôn lớn. Ba mẹ chu toàn dựng vợ gả chồng cho các con. Niềm vui khôn xiết khi nhìn các con hạnh phúc và lo lắng đến mất ăn mất ngủ mỗi khi con gặp chuyện chẳng lành.
3 người con không có địa vị cao trong xã hội nhưng mỗi người đều có nhà riêng, con cái ngoan ngoãn, chưa làm điều gì để ông bà, ba mẹ phải đau lòng, phiền muộn. Dẫu vậy, ông bà vẫn luôn bên con cháu theo dõi, chăm lo, quan tâm đến cuộc sống của từng người.
Đó chính là tình yêu thương vô bờ bến, một tình cảm bất tử theo thời gian mà các con không bao giờ quên. Mỗi khi được trở về ngôi nhà có ba mẹ đang ở, các con như được trở về nguyên sơ thời thơ ấu, như quên đi mọi buồn lo trên cõi đời này, được trở về vòng tay yêu thương chưa bao giờ xao lãng của ba mẹ.
Đàn cháu, chắt tổng số lên tới 10 hội tụ đầy đủ trong những ngày lễ, tết và những dịp liên hoan của gia đình. Tình cảm, tình yêu thương của ông bà luôn mang đến cho con cháu một cảm giác an toàn tuyệt đối. Khi ở tuổi bát thập, ông bà về quê hương ở cho yên tĩnh, vui thú điền viên.
Mỗi khi về quê, ở bên ông bà, đàn cháu chắt được hòa vào bầu không khí ấm áp của đại gia đình, học hỏi những kinh nghiệm và được lan tỏa tình thương mến của ông bà.
Trong dịp đám cưới kim cương này, con cháu không mong gì hơn là ông bà có thật nhiều sức khỏe, minh mẫn để con cháu được hưởng thêm nhiều diễm phúc là con, cháu của ông bà. Các con cháu cùng nhau làm bài thơ và đọc cho ba mẹ, ông bà nghe trong niềm biết ơn sâu sắc:
Chúc mừng đám cưới ông bà
Sáu mươi năm ngỡ như là mới đây
Bao năm chiu chắt dựng xây
Hồng phúc để lại đong đầy cháu con
Mặn nồng tình cảm sắt son
Biết ơn dâu bể vuông tròn nghĩa sâu
Mong ngày tháng trôi thật lâu
Mong ông bà mãi thiên thu đất trời.
Theo phụ nữ TPHCM