Yêu nhau nhờ... dịch COVID-19

Đà Lạt những ngày se lạnh. Quyện trong hơi gió heo may là mùi hồng chín nồng nàn. Đây là lần đầu Nam cảm nhận được rõ nhất hương vị của tình yêu khi bên cạnh anh còn có thêm cô gái mà anh quyết không bỏ lỡ. Thư - vợ Nam - đang ngái ngủ trong tay chồng. Đôi vợ chồng kỷ niệm 1 năm ngày cưới bằng chuyến du lịch xe máy từ Nha Trang lên Đà Lạt.

Họ vẫn ngỡ ngàng, chưa tin có ngày có thể thảnh thơi rong chơi cùng nhau như những đứa trẻ hồn nhiên. Thư dụi đầu sâu vào vai chồng, nắm chặt tay Nam, thầm cảm ơn anh đã kiên nhẫn, dịu dàng với một cô gái khá ương bướng như mình.

Vợ chồng Thư - Nam vừa kỷ niệm 1 năm ngày cưới tại Đà Lạt - Ảnh do nhân vật cung cấp
Vợ chồng Thư - Nam vừa kỷ niệm 1 năm ngày cưới tại Đà Lạt - Ảnh do nhân vật cung cấp

Chuyện tình của họ bắt đầu nhờ dịch COVID-19. Năm 2020, khi dịch bùng nổ ở TPHCM, Thư về quê tại thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) rồi bị kẹt lại. Khu nhà cô ở bị dựng rào chắn cách ly. Nam lúc đó trong đội dân quân trực chốt, thường xuyên có mặt để hỗ trợ, tiếp tế lương thực, thuốc men. Cả hai thi thoảng có nói chuyện nhưng chỉ trở nên thân thiết sau khi Thư nhờ Nam sửa laptop cho mình.

“Tôi ấn tượng với Thư vì tính cách nhí nhảnh, trẻ con, vô tư. Dù mắt gần như không nhìn được tới 90%, cô ấy vẫn sống rất yêu đời, mạnh mẽ… Ngoài ra, Thư nói chuyện khá hấp dẫn và có duyên. Đó là lý do tôi bị cuốn vào những cuộc nói chuyện trực tiếp hay nhắn tin miên man với Thư” - Nam nhớ lại.

Nam cũng không hề biết, khi đó, Thư đang là một vận động viên cờ vua cừ khôi, từng đạt rất nhiều huy chương từ những giải đấu khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, thời điểm đó, Nam cũng đang tìm hiểu một cô gái khác. Nhưng Thư mới chính là cô gái đánh thức bản năng vừa muốn chinh phục, vừa muốn che chở trong anh. Vậy là chỉ sau 1 tháng trò chuyện, Nam chính thức bày tỏ tình cảm và được Thư chấp nhận.

Thư kể: “Tôi thoát ly gia đình khá sớm để lên thành phố học, rồi cũng đi thi đấu khắp nơi, quen biết nhiều người, nhưng không ngờ tình yêu của đời mình lại ở ngay gần nhà. Anh Nam nhìn bề ngoài có vẻ hiền lành, nhút nhát nhưng thật ra rất tình cảm, tâm lý và quyết đoán. Tôi khá ngang bướng, vậy mà anh khiến tôi trở nên nhu mì hơn rất nhiều kể từ khi yêu”.

Mưa dầm ắt thấm lâu

Họ yêu nhau, nhưng phải hơn 3 năm sau lời tỏ tình, Nam mới chính thức rước được Thư về làm vợ. Người không đồng ý đôi trẻ đến với nhau không phải mẹ Nam mà chính là mẹ Thư. Thư nhớ lại, khi biết tin con gái có bạn trai, mẹ cô khá lo lắng và tỏ ra không ủng hộ mối quan hệ này. “Xưa giờ mẹ nghĩ tôi bị tật ở mắt như vậy đã đủ khổ rồi, đèo bòng thêm ai nữa thì càng khổ thêm. Hơn nữa, căn bệnh về mắt của tôi có khả năng di truyền rất cao, nên mẹ lo. Mẹ không muốn tôi lấy chồng, sinh con, để không phải khổ” - Thư chia sẻ.

Tình yêu càng bị ngăn cấm lại càng mãnh liệt. Những ngày đầu ở cạnh nhau, cả hai thường phải hẹn hò lén lút. Hết dịch, Thư lên TPHCM, hoàn thành chương trình đại học và tốt nghiệp, đi làm. Họ lại bắt đầu hành trình yêu xa với đủ cung bậc cảm xúc, nhưng luôn tin tưởng, thương yêu và tôn trọng nhau.

Nam vẫn tiếp tục công việc của một thợ sửa điện tử, điện lạnh. Anh có cửa hàng nhỏ nên tự tin lo cho bạn gái. Thư làm việc trong một doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường. Bất chấp sự phản đối từ mẹ Thư, cả hai lặng lẽ làm việc, tích cóp, dành dụm, mơ về một ngôi nhà chung.

Rồi ngày về chung nhà cũng đến. Thư được bà ngoại yêu thương, ủng hộ và thuyết phục mẹ đồng ý. Họ tổ chức đám cưới trong niềm vui chung của 2 bên gia đình, bạn bè. Sau đám cưới, họ vẫn tiếp tục yêu xa. Tháng đôi lần, Nam lại vào thành phố thăm, nấu ăn, dẫn Thư đi chơi, mua sắm…

Sau thời gian yêu xa, Nam - Thư tổ chức đám cưới trong sự chúc phúc của 2 bên gia đình, bạn bè - Ảnh do nhân vật cung cấp
Sau thời gian yêu xa, Nam - Thư tổ chức đám cưới trong sự chúc phúc của 2 bên gia đình, bạn bè - Ảnh do nhân vật cung cấp

Với Thư, điều cô lo sợ nhất là ở quê y tế không được tốt như thành phố. Việc Thư bị mất đi tới 90% thị lực cũng là do ngày trước cô không được cứu chữa kịp thời. Cô ám ảnh bởi điều đó nên đắn đo mãi mới chịu về quê đoàn tụ cùng chồng.

Từ ngày vợ về sống chung, Nam rất vui. Anh tự tay thiết kế, xếp đặt lại đồ đạc trong nhà. “Những đồ Thư hay dùng, tôi sắp xếp để gần tầm tay của Thư nhất. Đặc biệt là đồ điện trong nhà, tôi phải thiết kế lại cho an toàn và lắp thêm thật nhiều đèn, để ban đêm mà Thư có việc phải di chuyển trong nhà thì mắt vẫn cảm nhận được ánh sáng” - Nam vui vẻ kể.

Hiện Thư phụ chồng trông coi cửa hàng điện tử, điện lạnh; còn việc nhà, cơm nước… hầu như do Nam và mẹ chồng cô lo. Nam xong việc là về nhà, dành thời gian thật nhiều ở cạnh vợ để Thư bớt cảm giác cô đơn.

Anh chu đáo hoạch định tương lai cho 2 vợ chồng: “Tôi biết, đến một ngày, có thể Thư sẽ không nhìn thấy gì nữa, khi ấy sẽ rất khó khăn cho sinh hoạt, nhất là nếu có con. Thế nên hiện tại, tôi cố gắng làm lụng, tích cóp để sửa nhà cho Thư tiện sinh hoạt. Sau đó, 2 vợ chồng sẽ dành tiền để sinh con bằng cách làm thụ tinh ống nghiệm, tránh mọi rủi ro cho đứa bé, do bệnh của Thư có khả năng di truyền khá cao”.

Trong hành trình 4 năm bên nhau, 2 vợ chồng chưa khi nào cãi nhau. Tuy có tranh luận cỡ nào, nhưng trong mọi chuyện, Nam sẽ luôn là người xin lỗi Thư trước.

Mẹ Thư chứng kiến con gái được yêu thương, hạnh phúc và con rể có kế hoạch rõ ràng cho tương lai nên đã yên lòng phần nào. Từ chỗ phản đối, bà ủng hộ Thư bỏ lại công việc ở thành phố để về quê đoàn tụ với chồng. Như mọi bà mẹ khác, bà cũng mong mỏi có cháu bế bồng. Nhưng với vợ chồng Thư, chuyện có con là một kế hoạch lớn. Bản thân Nam luôn tôn trọng mọi quyết định của vợ.

Nói về tình yêu đặc biệt của con trai, bà Thái Thị Loan - mẹ Nam - chia sẻ: “Ban đầu thấy Nam yêu Thư và quyết lấy Thư làm vợ, tôi cũng khá lo lắng. Nhưng tôi thương và luôn tôn trọng quyết định của con trai. Giờ đây, thấy con hạnh phúc, tôi rất mừng. Thư mắt kém như vậy tôi lại càng thương hơn. Giúp đỡ gì được 2 vợ chồng con, tôi sẽ cố gắng làm, chỉ mong các con vui, hạnh phúc. Tôi cũng mong có cháu bế bồng sớm, nhưng tôi tôn trọng quyết định của 2 con”.

Nguyễn Thị Minh Thư là một vận động viên cờ vua từng giành nhiều thành tích xuất sắc tại các giải đấu khu vực và quốc tế. Cô từng được trao Huân chương lao động hạng Ba vì những cống hiến cho thể thao nước nhà. Thư mắc chứng bệnh teo gai thị giác bẩm sinh khiến cô hỏng hoàn toàn mắt trái, mắt phải thị lực rất yếu, chỉ có thể nhìn ở cự li rất gần.

Thư học tiểu học tại quê nhà Khánh Hòa, sau đó giành được học bổng của Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu tại TPHCM. Tại đây, năng khiếu cờ vua của Thư được phát hiện và bồi dưỡng thành vận động viên thi đấu chuyên nghiệp. Thư vừa học tập, vừa thi đấu, vừa tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm TPHCM trước khi kết hôn.

Theo phụ nữ TPHCM