Theo lẽ thường, cha mẹ rất thương anh trai tật nguyền và cũng giành nhiều tình yêu, hy vọng vào con trai út. Và tôi khi đã gần đến tuổi “thất thập” vẫn không tự lý giải được điều gì đã khiến tôi luôn tâm niệm “ Cha yêu tôi nhiều nhất”!?
Cũng như nhiều người dân xứ Nghệ, tôi được sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học. Ông nội tôi là một “Đồ Nho”. Ông bà có 5 người con trai và cha tôi là con cả. Sinh thời, ông bà đã chăm lo cho các con ăn học và luôn tâm niệm lớn lên sẽ cho các con theo nghề thầy giáo hoặc thầy thuốc, 2 nghề mà ông cho là “mô phạm”, là đáng trân trọng nhất trong xã hội. Nhưng rồi, các chú tôi đều lần lượt vào quân ngũ từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, mình cha tôi ở lại cùng ông bà, và sau vài năm, ông cũng tham gia công việc kháng chiến ở địa phương.
Ảnh minh họa.
Kết thúc kháng chiến chống Pháp, chú Ba tôi nằm lại Quảng Trị (ông hy sinh trong một trận công đồn mùa hè 1950), chú Hai và chú Tư giải ngũ về quê khi sức khỏe không còn, chú Út (Nguyễn Trọng Oánh) trở thành nhà văn và đi tiếp cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ông lâm bệnh nặng và qua đời khi vẫn dở dang những tác phẩm đã định hình trên hàng chồng “Nhật ký chiến trường” được chất cao trong phòng làm việc.
Được sinh ra sau ngày “hòa bình lập lại” ở miền Bắc, so với các anh chị trong nhà, tôi và em trai út có những năm tháng tuổi thơ vô cùng hạnh phúc. Mỗi tối ăn cơm xong, chúng tôi theo chị cả ra sân Hợp tác xã để nô đùa vui chơi cùng các bạn; đêm về trước khi ngủ, hai chị em nằm nghe cha kể chuyện “Tam quốc”, nghe mẹ đọc Kiều; nghe các chị học thuộc lòng thơ Tố Hữu,…
Tôi vào lớp 1, đúng vào năm Đế quốc Mỹ ném bom miền Bắc. Vài năm sau, cha xin nghỉ việc xã để cùng mẹ lo việc đồng áng và chăm sóc các cháu cho chị Cả và chị Hai tôi yên tâm công tác. Chị Cả tôi đông con, đứa lớn gửi ông, đứa nhỏ nhờ bà ngoại theo chăm ở nơi sơ tán của cơ quan cách nhà năm sáu chục cây số.
Tôi nhớ những ngày mẹ vắng nhà, để tránh bom đạn, cha thường dậy đi cày từ 4 giờ sáng, khoảng 8 giờ về, tay dắt bò, vai vác cày, phía trước thường treo lủng lẳng vài mớ rau, mớ cá cha mua từ dọc đường. Rồi ông tự tay vào bếp, lo cơm nước cho cả nhà. Đến bữa, các cháu, chị em tôi quây quần quanh mâm cơm đạm bạc mà vô cùng ngon miệng, lũ cháu ăn từ tốn và trật tự theo chỉ bảo của ông ngoại.
Thời cấp 1, cấp 2 tôi và em út 1 buổi đến trường, buổi còn lại cùng nhau cắt cỏ, chăn bò, nhặt phân và đi mót (cả lúa, khoai, lạc) trên ruộng của hợp tác xã sau mùa thu hoạch, khoai lúa để ăn còn lạc phơi khô đem bán cũng đủ mua sách vở, dụng cụ học tập cho 2 chị em.
Có lẽ, điều mà cha mẹ chúng tôi được an ủi nhất là mấy chị em tôi đều sớm biết tự giác lao động, chia sẻ việc nhà, việc đồng áng với cha mẹ và là những học sinh giỏi của trường làng đến trường huyện. Hai chị gái (thứ 3 và thứ 5) và em trai út học xong cấp 3 đã được chọn đi du học nước ngoài. Trong mấy chị em (trừ anh trai câm điếc không được đến trường) chỉ mình tôi là có thiên hướng thích văn học.
Từ cuối cấp 1 tôi đã nghiền hết tủ sách của cha, chưa biết đọc tôi đã có thể thuộc thơ Tố Hữu khi nghe các chị gái học bài. Năm lớp 7, nhờ sự bồi dưỡng của thầy chủ nhiệm, tôi trở thành học sinh giỏi văn qua các kỳ thi tuyển từ huyện, tỉnh và may mắn đạt giải “Khuyến khích” trong kỳ thi toàn miền Bắc năm đó (Năm học 1970 - 1971).
Với thành tích này từ năm học lớp 8 tôi được chọn vào lớp bồi dưỡng học sinh giỏi (chuyên Văn) của tỉnh Nghệ An. Lên lớp 9 do chiến tranh phá hoại ác liệt, lớp chuyên Văn được chuyển lên Thanh Chương cách nhà 60km. Trong 3 năm ấy chúng tôi được nhà nước bao cho ăn học và tôi đã sống xa cha mẹ từ đó. Phải chăng đây cũng là một lý do khiến cha mẹ thương tôi nhiều hơn?
Để rồi, sau 3 năm học trường chuyên của tỉnh, vài lần được chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia (mà không có giải), tôi là đứa con đầu tiên khiến cha mẹ phải buồn - tôi rớt Đại học với một nguyện vọng duy nhất mà hầu như cả lớp đều chọn: Thi vào trường Đại học tổng hợp Văn Hà Nội.
Mùa hè ấy, tôi giải buồn bằng cách mải miết theo mẹ ra đồng ngày 2 buổi, cùng các bạn thanh niên đi làm thủy lợi, tham gia phong trào dân quân tự vệ, những cuộc hội thao, hội diễn ở xã, ở huyện… Cha không hề trách tôi việc thi trượt đại học, chỉ khi có các bác trong xóm đến chơi và hỏi: “O chưa đi à?” (là đi học Đại học ấy) tôi nghe cha trả lời đúng 1 tiếng: “Trật”! - Tiếng “Trật” này được phát ra vô cùng khó nhọc, nó thực sự khiến tôi nhói lòng - thương cha, trách mình!
Đặc biệt trong những ngày tham gia hội thao, dân quân tự vệ, được bắn đạn thật, ý nghĩ được vào quân ngũ đã nhen nhóm trong tôi ngày càng thôi thúc. Có một lý do (mà có lẽ ai thời ấy cũng nghĩ giống tôi) đó là, ở Miền Bắc ngày ấy - trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, rất hiếm gia đình không có người đi bộ đội. Trong khi nhà tôi chỉ có 4 anh rể là bộ đội (Một anh đã hy sinh trận Mậu Thân) và em trai thì chưa đến tuổi. Và rồi, khi các bạn trong lớp đang háo hức cho một cuộc chiến mới trên con đường học tập (sau khi không đậu vào tổng hợp văn, một số bạn chuyển vào các trường có điểm chuẩn thấp hơn, một số bắt đầu ôn tập để thi lại), tôi xin cha mẹ lên xã xung phong đi bộ đội khi sắp tròn 18 tuổi, đúng vào dịp quê tôi có đợt tổng động viên cả nam và nữ.
Tiễn tôi đi, mẹ chỉ cười lặng lẽ trong đoàn các bà, các chị đứng 2 bên đường vẫy tay theo xe, tôi hồi hộp giữ chặt túi áo bên trong là tờ giấy có bài thơ cha tặng trước lúc ra khỏi nhà. Đêm đầu tiên ở nơi tập kết, tôi đã đọc thơ cha cho các bạn cùng nghe, cha đã viết như vậy:
Tặng con gái lên đường nhập ngũ
Vượt núi Trường Sơn đá chập chùng
Tấm thân bồ liễu, chí tang bồng
Văn chương ghi dạ đôi hàng lệ
Trung hiếu hai vai, một chữ đồng
Khuya sớm đi về con vắng tiếng
Tháng ngày chờ đợi, mẹ hằng mong
Bình minh ríu rít, chim rời tổ
Giữa cảnh trời xuân, điểm nụ hồng!
Dưới bài cha còn câu tái bút:
“ Ngày con về chắc chắn sẽ là “rực cánh hồng”?
Thật sự, đến thời điểm tôi vào quân ngũ, cả dân tộc ta đã chắc chắn tin vào ngày toàn thắng!
Sự kiện khiến tôi tin cha đã yêu tôi nhiều nhất chính là vào thời điểm chúng tôi chuẩn bị lên xe hành quân về đơn vị thì cha tôi xuất hiện. Ông đã đạp xe 5 cây số kịp đưa cho tôi 2 que xâu dép bằng tre cật mà tối qua ông đã vót thật mượt, ông dặn với theo tất cả chúng tôi: “ Chân cứng đá mềm con nhé!”
Ba năm quân ngũ, trong đó hơn 2 năm là lính thời bình, thời bình giữa đại ngàn Trường Sơn với đủ đầy gian khổ thách thức. Công việc chính của chúng tôi là tiếp nhận vũ khí đạn dược từ chiến trường chuyển ra, để phân loại, bảo dưỡng, bảo quản.
Từ một tiểu đội trưởng tận tụy, một Bí thư chi đoàn nhiệt huyết, năng động, tôi là người đầu tiên trong số bạn bè cùng nhập ngũ được kết nạp vào Đảng. Hôm ấy, giữa đại ngàn Trường Sơn, trong căn nhà vách nứa, tôi hồi hộp giơ tay tuyên thệ khi biết đằng sau vách nứa ấy các bạn đang dõi nhìn. Trong tôi, lời cha dặn mấy chị em ngày nào lại vang lên: “Cha không yêu cầu các con phải là Đảng viên, chỉ cần các con luôn là người tốt, biết lẽ phải, trọng tình thương …”
Kết thúc 3 năm quân ngũ, tôi thi đậu vào Trường Đoàn TW. Ở đó, ngoài việc học tập, tôi được các bệnh viện ở Thủ đô quan tâm chữa trị các bệnh sốt rét, thấp khớp, viêm dạ dày,… và tiếp nhận tình yêu của chàng trai Quảng Trị - anh là con của một thương binh nặng, từng là cơ sở cách mạng trong vùng tạm chiến.
Cuối khóa học, anh đưa ba ra nhà gặp gỡ và thưa chuyện cưới xin với cha mẹ tôi. Trong câu chuyện của hai người “ đồng chí” ấy, tôi nghe được lời cha “rút ruột” nói với ông “thông gia tương lai” rằng: “Hắn là con gái út, đã từng bị thương, mắc nhiều bệnh tật trong thời gian đi bộ đội, vợ chồng tui hoàn toàn không muốn gả đi xa… nhưng chúng tôi cũng không thể bắt con phải theo ý mình - hắn đã yêu rồi, vô đó xin nhờ cả ông bà trong nớ!”.
Tôi lấy chồng, sinh con vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước. Lúc ấy, cả nước nghèo, Bình Trị Thiên nghèo nhất, cán bộ Đoàn nghèo, vợ chồng tôi neo nhất. Tết đầu tiên, khi cùng chồng đưa con gái từ Huế về quê ngoại, cha tôi đã tuyên bố với các anh chị tôi rằng: “Từ nay, các con có điều kiện thì giúp vợ chồng Thảo, không phải lo cho cha mẹ!”. Tôi biết, khi nói ra điều này, trong lòng cha vẫn canh cánh nỗi lo về gia đình chị Cả - anh công tác biền biệt xa nhà, mình chị vừa làm vừa chăm 5 con ăn học. Thương cảnh góa bụa của chị Hai - anh hy sinh từ Mậu Thân 1968, chị ở vậy nuôi con trai ăn học và chăm sóc bố mẹ chồng; thương anh trai tật nguyền sẽ một mình khi cha mẹ qua đời; thương em út đang học tập ở tận một nơi rất xa…
* * *
Cha ra đi đột ngột vào giữa một đêm hè. Khi tôi đang đi công tác về huyện cách nhà gần 200km. Đêm ấy, vào khoảng 11h00, tôi đột nhiên thức giấc và không thể nào ngủ lại, dù bên cạnh cô bạn cùng đi vẫn ngủ say.
Trời rạng sáng, tôi nhận được điện thoại từ cơ quan, đồng chí Chánh Văn phòng bảo rằng: “Em hãy bàn giao công việc để vào gấp, bác ngoài nhà đau nặng”. Tôi đón được một chiếc xe tải chở gỗ để đi nhờ và vào đến Huế khi trời đã tối.
Bước vào nhà, tôi sững người khi nhìn thấy lư hương đang cháy trên nóc tủ quần áo. Anh ấy và các con đã gói ghém đồ đạc chờ tôi về để lên tàu ra quê. Chúng tôi đến nhà thì cha đã được bà con hàng xóm đưa đi an táng từ chiều qua.
Mẹ kể, tối đó khoảng sau 10h đêm khi cha mẹ đã lên nằm thì trời đổ giông, cha vội dậy ra sân để đưa chỗ củi lá vào, sợ ướt. Rồi cha trở lại giường và không kịp nói lời nào trước khi mẹ phát hiện ra ông đã tắt thở. Nghe mẹ kể, tôi đã chắc chắn một điều, trong phút lâm chung đột ngột ấy, cha đã nghĩ đến tôi, sợi dây linh ứng ấy đã khiến tôi đột ngột bật ngồi dậy trong đêm!
Và tôi mãi chắc chắn một điều: Con gái út tui đây là người được cha yêu thương nhất!
Theo giadinhonline.vn