Hồi mới sinh, nước da của tôi rất đen; ba lặn lội đi hái dừa tươi về tắm cho tôi hằng ngày với hy vọng cải thiện da của con gái. Dù sau này da tôi vẫn không thể trắng như 2 đứa em gái, tôi không thấy mặc cảm mà luôn tự hào vì đã được ba chăm sóc hết lòng. Ba luôn sẵn sàng cõng tôi đi chơi. Có lần, cả 3 chị em tôi đều tranh nhau trèo lên lưng ba, tôi bị ngã gãy chân, phải bó bột cả tháng trời cũng là ba chăm sóc.
|
|
Ba của tác giả là ông ngoại thân thiết của các cháu |
Tôi luôn thấy mình may mắn, gia đình chẳng giàu sang, nhưng ngôi nhà đầy ắp tiếng cười và tuổi thơ luôn có đồ chơi do chính tay ba làm cũng như đã được học hành đến nơi đến chốn. Nhà tôi ngay gần dòng sông Đà. Vào những chiều hè, ba thường dẫn chúng tôi ra sông, dạy chúng tôi bơi. Có thời gian ba làm việc ở trên lòng hồ sông Đà, cứ đến mùa xoài, táo mèo Sơn La, người ta chở xoài, táo mèo từ Sơn La về Hòa Bình. Chỉ cần các con nói thích ăn trái cây gì, ba sẽ mua rất nhiều cho chúng tôi ăn thật đã mới thôi.
Năm 1999, ba thuê phòng trọ ở cùng tôi suốt 2 đợt tôi thi vào Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Ba đi xem kết quả thi và đưa tôi xuống trường làm thủ tục nhập học, mua đồ sinh hoạt cho tôi vào ký túc xá. Thời đó chưa có sữa tắm, ba ra bờ sông Đà tìm hòn đá cho tôi mang xuống Hà Nội để tôi tắm trong suốt thời sinh viên.
Năm 2001, khi tôi sang Trung Quốc học đại học năm thứ ba theo diện trao đổi sinh viên giữa 2 trường đại học, ba ra ga xe lửa Hà Nội tiễn tôi; chờ tàu chuyển bánh thật xa, ba mới đi xe về Hòa Bình.
Năm 2017, khi tôi bảo vệ luận án tiến sĩ, ba đến dự lễ bảo vệ của tôi. Năm 2018, ba có mặt dự lễ trao bằng để chứng kiến giây phút hạnh phúc nhất trong sự nghiệp học hành của tôi.
Nhà tôi ở gần nhà ba mẹ. Cứ cuối tuần, chị em tôi thường về nhà ba mẹ ăn cơm. Ba ít khi hỏi chuyện, nhưng luôn chủ động vào bếp nấu cơm; ăn cơm xong ba giành phần rửa chén, dọn dẹp hết để các con chỉ việc ngồi nói chuyện. Có lẽ, sẽ có người cho rằng chúng tôi lười, để ba nấu cơm, rửa chén; nhưng chỉ chị em tôi mới hiểu, ba luôn nhận về mình phần vất vả, luôn muốn chúng tôi được thoải mái nhất, sung sướng nhất khi về nhà. Ba luôn coi chị em tôi là báu vật, chiều chuộng chị em tôi.
|
|
Ba và mẹ tác giả trong ngày vui của con gái |
Năm nay ba vừa 69 tuổi, chị em tôi sang nhà ba ăn cơm ngày 30 tết; mùng Một tết, chúng tôi phải dặn trước là để chúng con rửa chén, nhưng ba ăn cơm xong lại nhanh chóng mang bớt chén đũa, nồi, chảo đi rửa. Trước khi rửa chảo chiên dầu mỡ, ba lấy quần áo cũ, cắt thành các miếng nhỏ làm giẻ lau sạch dầu mỡ trong chảo, vứt giẻ vào thùng rác, rồi mới rửa chảo để tránh dầu mỡ chảy xuống đường ống nước làm tắc cống. Ba không nói những điều to lớn, chỉ luôn dạy chị em tôi những điều đơn giản như thế, dù chúng tôi đã ở tuổi trung niên.
Ba cả đời sống giản dị. Mẹ con tôi mua đồ gì về tặng ba là lại bị ba mắng vì lãng phí. Ba không hoàn hảo nhưng ba có một tình yêu thương đủ lớn dành cho con, một vòng tay đủ rộng để khi con mệt mỏi vẫn có thể trở về. Ba chưa bao giờ nói rằng ông yêu thương tôi, nhưng tôi biết, ba thương tôi nhiều, ba luôn theo dõi và ủng hộ mọi việc tôi chọn và làm. Khi tôi vấp ngã, ba luôn chờ tôi về, động viên và giúp đỡ tôi.
Tôi đã 42 tuổi và ba ngày một già đi. Ba vẫn lặng lẽ, ít nói, dù cả đại gia đình sum họp nói chuyện rôm rả. Giữa những bộn bề của cuộc sống, tôi chỉ cần về nhà ăn cơm với ba là thấy bình yên và an toàn.
Giông bão của cuộc đời này tôi không sợ; khó khăn, vất vả nào tôi cũng sẽ cố gắng vượt qua, vì tôi biết dẫu có ra sao thì tôi vẫn có ba bên cạnh, ở căn nhà nhỏ, luôn chào đón tôi về và luôn là người đàn ông duy nhất trên đời yêu thương tôi vô điều kiện. Mong ba luôn khỏe mạnh, hạnh phúc bên gia đình và luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc của mẹ con chúng tôi.
Theo phụ nữ TPHCM