Sáng, mưa, nước ào ào trút xuống khoảng sân đất rồi chảy tràn ra, hòa vào con sông Cái Hố (Chợ Mới, tỉnh An Giang) đỏ quạch phù sa. Tôi nhìn con sông chảy xiết mùa nước nổi, chợt nhớ 40 năm về trước, ngay mái hiên này, mỗi sáng trời mưa, chị em tôi ngồi ngóng má đi chợ về.
Tờ mờ sáng, má tôi đã lấy miếng ni lông lớn trùm lên người, đội nón lá rồi xách dầm tất tả xuống xuồng. Trên xuồng, má chất đầy cải ngọt, rau muống, bầu, bí, dưa leo… - những thứ nhà tôi trồng mang ra chợ bán. Trong lúc má đội rau lên chợ, chị em tôi sẽ trông xuồng, chờ má quay lại mua cho ổ bánh mì hay trái bắp nấu nóng hổi.
|
Ảnh mang tính minh họa - Beo.Ai |
Có những ngày ít hàng, má đi bộ đi chợ. Các chị tôi sẽ phụ má đội xề rau, củ, còn tôi út mới 7, 8 tuổi chạy lúp xúp theo hoặc được ưu tiên bưng rổ điên điển nhỏ. Khi má bán hàng, chị em tôi sẽ lại khu sơn đông mãi võ trước nhà ông Hai Be coi người ta đấm thình thịch vô ngực, cho rắn cắn hay lấy dao rạch tay rồi bán cao dán, thuốc đau lưng nhức mỏi, thuốc giải nọc rắn…
Đến khi má khều chúng tôi, rồi cho vài đồng “thích gì mua đó” thì chị em tôi mới rời vòng tròn mãi võ đầy hấp dẫn trẻ con.
Có những ngày mưa bão lớn, má không cho chị em tôi theo. Chúng tôi ngồi co ro bên hiên nhà, dõi mắt về ngã ba sông chờ má. Không hiểu sao, cứ trời mưa thì bụng chị em tôi lại cồn cào, mau đói hơn nên sự trông ngóng má càng tha thiết hơn.
Ngồi đợi má mà chúng tôi cứ hình dung ra tô cháo nghi ngút khói, dĩa bánh tằm béo ngậy nước cốt hay ổ bánh mì thơm nức mùi xíu mại, nước tương. Má về, chị em tôi ào ra đỡ cái xề trên đầu má xuống. Mạnh đứa nào nấy bươi, vẹt mớ tép cá, bông súng má mua và cả mớ rau củ bán không hết để tìm cái bỏ bụng.
Có hôm chị em tôi rú lên sung sướng vì má mua đúng món ăn chúng tôi dày công tưởng tượng. Nhưng cũng có những ngày, chúng tôi ỉu xìu khi trong xề chỉ có vài củ khoai lang, khoai mì, cái bánh gói… Đó là những ngày má bán ế.
Dòng suy nghĩ miên man của tôi dừng lại khi má nhắc: “Con mặc áo mưa đi chợ mua đồ ăn sáng cho sắp nhỏ đi, mưa này đói bụng lắm. Mua sẵn để sắp nhỏ ngủ dậy có cái mà bỏ vô bụng”. Tôi trùm áo mưa, đội nón lá, đạp xe ra chợ. Chợ Cái Hố ngày xưa đã bị đất lở, ngôi chợ mới xa nhà tôi hơn. Dù vậy, tôi vẫn thích đi chợ quê, nhất là vào mùa nước nổi, tôi như được trở về với ấu thơ.
Tôi thích ngắm những lọn bông súng nở hoa đủ sắc màu. Tôi thích nhìn những rổ điên điển vàng rực trên sạp, mớ tép đồng tung nhảy, những con cá linh vảy còn sóng sánh ánh bạc khi vừa rời khỏi mấy mẻ vó. Dù không còn là con đường đất mấp mô, sình lầy quen thuộc, dù không còn là cái chợ chồm hổm.
Đi qua hàng ăn, ngôi chợ cũ Cái Hố của tôi như vẫn còn nguyên ở đây. Tôi nghe mùi cháo gạo rang thơm lừng quen thuộc từ thương hiệu bà Út Nết nổi tiếng hơn 60 năm, nghe mùi sả thơm hàng bún cá của con gái bà Út Nhẹo cũng 50-60 năm. Tôi bị thu hút vì cái quang gánh đậu hũ hơn nửa thế kỷ, với chiếc nồi được vùi trong thúng trấu để giữ độ ấm của con gái bà Ba Kê…
Rồi hàng chè, bánh lọt của con dâu bà Ba Cai, bánh tằm xíu mại của con dâu bà Tư Hon có từ thời chợ cũ, nhìn đã muốn ăn. Tôi loay hoay nhìn ngó trước sau, chợt thấy bóng dáng má qua hình bóng tôi. Ngày xưa, nhiều lần tôi thấy má tần ngần giữa hàng ăn. Nhưng có lẽ có chút khác biệt. Tôi loay hoay vì có quá nhiều sự lựa chọn. Còn má loay hoay bởi có quá ít sự lựa chọn. Má phải cân đo đong đếm túi tiền ít ỏi để vừa mua thức ăn sáng cho 5 cái tàu há mồm và còn ba tôi, bà nội tôi, vừa mua thức ăn cho 2 bữa cơm trưa chiều, vừa tiền dành dụm cho vụ mùa tới, vừa tiền cho chị em tôi đi học, tiền cúng giỗ chạp…
|
Ảnh mang tính minh họa - Beo.Ai |
Đỡ phải suy nghĩ, tôi gom thức ăn “gần nửa chợ” tay xách nách mang, chất đầy lên xe. Về tới ngõ, tôi thấy 2 cô con gái 10 tuổi đang ngồi trên chiếc xích đu ở hiên vừa ngắm mưa, vừa ngóng ra cửa đợi mẹ. Chúng chạy ào ra, miệng ríu rít “mẹ mua món gì vậy mẹ?”, tay lục tìm thức ăn, tái hiện y hình ảnh của chị em tôi ngày xưa.
Má tôi - nay là bà cụ 89 tuổi - lò dò bước tới hỏi: “Sao con mua nhiều dữ vậy?”. Rồi giọng má trầm xuống: “Ngày xưa, ba má không có nhiều tiền nên tụi con thiệt thòi, không được ăn ngon như mấy cháu bây giờ”.
Tôi cười xua đi sự day dứt của má: “Ngày xưa tụi con ăn gì cũng thấy ngon và còn nhớ, còn thèm tới bây giờ má ơi’’. Gương mặt suy tư của má giãn ra, rồi bà nở nụ cười móm mém, như ngọn lửa sưởi ấm tôi trong cái lạnh ngày mưa.
Nhìn 2 con vẫn đang lục đồ ăn và bàn nhau nên ăn món gì, tôi nhận ra, dù ở tuổi nào và thời nào, khốn khó hay no đủ thì việc chờ má đi chợ về luôn là những khoảnh khắc háo hức nhất, đáng nhớ nhất và đẹp đẽ nhất của những đứa con.
Theo phụ nữ TPHCM