Từ vụng về…

Từ khi nghỉ hưu, ông Lê Văn Hóa (quận Phú Nhuận, TPHCM) thay vợ đảm nhận việc đi chợ mua sắm vật dụng cần thiết cho gia đình. Không những rành rọt các siêu thị, khu chợ gần nhà, ông còn thường xuyên chạy xe ra ngoại ô, đến chợ đầu mối để mua được hàng hóa, thực phẩm tươi ngon, giá rẻ.

Ông Hóa cho biết: “Gia đình tôi có 2 người con thì đều sống xa nhà, lâu lâu lễ tết mới về thăm. Vợ tôi vì điều kiện sức khỏe kém, cùng lúc mắc nhiều chứng bệnh về tim mạch, huyết áp, thấp khớp nên việc đi chợ đối với bà ấy là quá sức. Những lần đầu thay vợ đi chợ, vì không thông thạo nên tôi toàn bị hớ, giá mỗi món có khi bị đội lên gấp rưỡi, gấp đôi”.

Ảnh mang tính minh họa - Ph.Huy
Ảnh mang tính minh họa - Ph.Huy
 

Với ông Nguyễn Cần (quận Tân Phú, TPHCM) thì khác, lý do để ông làm quen với việc chợ búa không phải do gia đình kẹt người, mà do tâm lý muốn thử cho biết, rồi… ghiền. Trước đây, vì vợ không biết đi xe nên ông bất đắc dĩ phải sắm vai xe ôm chở bà đi chợ.

Những lúc vợ vào mua sắm, ông Cần ngồi ngoài đợi. Hết lần này đến lần khác, mỗi tháng đưa đón vợ hơn chục lần, ông vẫn không quen được cảm giác mệt mỏi từ việc chờ đợi. Ông luôn cho rằng, bà đi lâu hơn thời gian cần thiết. Một hôm, ông Cần đánh liều đề nghị vợ để mình tự trải nghiệm việc chợ búa. Bà đồng ý, từ đó trở đi, ông trở thành khách hàng quen thuộc của các chị bán hàng.

Ông chia sẻ: “Giai đoạn đầu đi chợ, tôi bị “mất điểm” trong mắt vợ và các con. Lý do chủ yếu là do mua phải hàng hóa kém chất lượng. Lần thì thịt cũ hôm trước người ta đem ra bán, tôi mua về hồ hởi khoe vì giá rẻ. Lần khác, nào đu đủ, mít, mãng cầu dập nát, mềm xèo do vận chuyển nhưng chủ hàng nói dối là trái chín cây. Nhưng bây giờ thì tôi đi chợ rành rọt chẳng kém bà nhà tôi, không ai “lừa” được tôi nữa”.

… Đến rành chợ

Ở nhiều vùng, trừ những dịp kỵ giỗ lớn cần sự chung tay lo liệu, còn lại trong nhịp sống thường ngày, hiếm khi nào đàn ông quan tâm, “xớ rớ” ở khu vực bếp núc. Góc bếp, cửa hông, ang nước là chốn lui tới thường trực của những người bà, người mẹ, chị em gái trong gia đình.

Những người con trai, ngay từ nhỏ đã được ưu tiên, tạo điều kiện để vui chơi, học hành hoặc theo đuổi sở thích, nhu cầu cá nhân. Tuy nhiên, ngày nay, tư tưởng ấy đã trở thành xưa cũ. Tùy điều kiện và hoàn cảnh, nhiều gia đình đã có sự “hoán đổi” ngoạn mục.

Chị Phan Thị Giao (37 tuổi, quận 8) là dân kinh doanh quần áo. Trước đây, chị có quầy hàng nhỏ ở chợ gần nhà, nhưng nay để có thêm chi phí, chị tranh thủ lúc rảnh để livestream bán hàng qua mạng. Trong khi chị quán xuyến, loay hoay, xoay xở đủ cách để vừa chu toàn việc cơm nước cho chồng con vừa gánh vác kinh tế gia đình, chồng chị vẫn thong dong sáng cà phê, trưa coi ti vi, chiều đi nhậu. Bức bối, mâu thuẫn, cứ vài ngày vợ chồng chị lại cãi nhau. 

Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory
Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory

 

2 năm gần đây, mọi việc đã thay đổi.  Chồng chị Giao từ chỗ ham chơi lêu lổng, nhờ sự góp ý của con cái, họ hàng đã trở nên ghiền chợ, năng nổ chia sẻ việc nấu nướng, bếp núc. Mỗi tuần, anh đi chợ khoảng 3 lần. Đồ tươi như tôm, cá, thịt heo, thịt gà sau khi mua về, anh sẽ sơ chế, chia phần vào hộp nhựa rồi cất vào ngăn đông, ăn dần. Riêng những mặt hàng rau củ quả xào nấu trong ngày, anh sẽ mua ngay ở sạp hàng bán lẻ đầu hẻm để đảm bảo độ xanh tươi.

Chị Giao kể: “Tính ra, tôi đi chợ hao tiền và lãng phí hơn chồng vì có nhiều mặt hàng không thật sự cần thiết nhưng vì cái tính ôm đồm, tôi vẫn mua. Chồng tôi thì khác. Phương châm của anh ấy là chỉ mua thứ mình cần chứ không mua thứ mình thích”.

Đàn ông đi chợ, tưởng chuyện nhỏ nhưng lại lớn; tưởng khó nhưng khi làm được rồi thì lại vô cùng hay ho. Bất kỳ ai, nếu có đủ tình yêu thương và tâm lý sẵn sàng quan tâm, chia sẻ đều làm được. Đời sống hôn nhân luôn cần sự vun vén, đồng hành từ 2 phía.

Vợ chồng không chỉ gắn bó khi cùng nhau vượt qua những sóng gió thăng trầm, mà còn yêu thương, khăng khít nhờ biết hỗ trợ, chia sẻ cùng nhau những việc bình thường, nhỏ bé. Xã hội đã thay đổi, nếu người đàn ông bây giờ biết tự hào khi vợ mình mạnh mẽ, xông pha kinh doanh chốn thương trường thì ở chiều ngược lại, sau mỗi ngày mệt mỏi trở về, người phụ nữ cũng cảm thấy ngọt ngào, ấm áp khi được nương tựa vào người chồng thấu hiểu, biết chia sẻ chuyện chợ búa, bếp núc.

Cẩn thận, quán xuyến, gồng gánh, chu toàn có lẽ là thiên tính, là năng lực bẩm sinh của phái nữ, thế nhưng biết yêu thương, quan tâm, hỗ trợ khi bạn đời ốm yếu, bận rộn, gặp khó khăn là trách nhiệm của đàn ông. Mọi gia đình hạnh phúc đều được vun vén, xây dựng từ những việc làm thể hiện tinh thần tự nguyện, sẻ chia không nề hà, dù đó chỉ là việc đi chợ mỗi ngày. 

Theo phụ nữ TPHCM