Sinh ra và lớn lên ở nông thôn, thuở nhỏ, tôi từng chứng kiến nhiều gia đình xung quanh mâu thuẫn, bất hòa. Những người chồng, người cha sau giờ cày ruộng thường lâm vào cảnh bê tha do rượu chè, cờ bạc. Họ đuổi vợ, đánh con như cơm bữa. Riêng chị em tôi, nhờ có người cha tử tế, yêu lao động mà tuổi thơ trôi qua trong hạnh phúc, êm đềm.

Thời điểm trước khi quen mẹ tôi, cha tôi làm chân đưa thư và phụ trách trà nước ở hợp tác xã. Vì tính tình hiền lành, không quen tán tỉnh, thể hiện bản thân, cộng thêm hoàn cảnh cha là con trai hiếm của dòng họ nên chuyện ế ẩm của ông khiến nhiều người xung quanh rất sốt ruột, nhất là những bác cán bộ xã làm cùng.

leftcenterrightdel
 Cha và mẹ tác giả cùng phơi quần áo trong khu vườn của gia đình (ảnh tác giả cung cấp)

Mọi người không ngừng nghe ngóng làng trên xóm dưới, ở đâu có “đám” đàng hoàng ngay lập tức sẽ giới thiệu, thúc giục cha tôi gõ cửa làm quen. Sau này, vào ngày cưới của cha và mẹ tôi, rất đông người dù không bà con, thân thích đã đến đứng hai bên đường rải hoa dại, chúc phúc. Sự thành đôi của họ là niềm vui, là công sức của nhiều người trong thôn xã.

Mẹ kể, vào một buổi chiều, khi bà đang ngồi nhặt đậu trước sân nhà, có người đàn ông lạ đạp xe vào thẳng vào, dựng xe xong, anh ta đến xin ngồi bên cạnh mẹ rồi vào thẳng vấn đề: “Tôi nghe mọi người giới thiệu em năm nay 28 tuổi, còn độc thân. Tôi ở làng dưới, làm việc ở hợp tác xã cũng đang tìm vợ. Giờ ý em thế nào?”.

Mẹ tôi bất ngờ vì cách "tán gái" chẳng giống ai. Bà đùa đáp trả rằng mình đã có người yêu rồi. Thế là anh khách đứng lên chào: “Nếu em có chỗ rồi thì thôi, chào em tôi về”.

Bây giờ, mỗi lần trò chuyện, kể đến đoạn cha tôi lúc ấy quay xe, đạp một mạch đi thẳng không nói năng hay nhìn lại dù chỉ một lần, mẹ vẫn bật cười. Thâm tâm mẹ nghĩ, sao trên đời lại có người vụng về, thiệt thà đến thế.

Sau này, khi đã làm chồng, làm cha, cách mà cha tôi cư xử vẫn vậy. Một là một, hai là hai, ông thật thà đến mức tuyệt đối, cứng nhắc. Tôi chưa bao giờ chứng kiến ông nói dối bất cứ điều gì, với ai.

Mỗi lần gia đình tôi bán lợn, bán trâu, khi ngã giá, ông chẳng bao giờ nói thách lên một đồng nào. Nếu muốn bán con trâu với giá 20 triệu đồng, cha sẽ đưa ra con số 20 triệu đồng, người mua chấp nhận được thì tiếp tục, còn nếu không thì dừng.

Cũng vì tính cách này của cha mà sau này mỗi lần cần mua bán thứ gì lớn, mẹ luôn nhờ chị em tôi "dụ" cha đi chơi khỏi nhà, hoặc mẹ sẽ lựa ngày cha bận việc, đi đâu đó thật xa để mời thương lái về trao đổi.

Với mẹ, gia đình còn khó khăn, con cái đông đúc, tất cả nông sản, gia súc, gia cầm có được đều là công sức mình vất vả chăm bẵm, làm lụng nên bán gì được giá thêm một đồng cũng là cần thiết. Mẹ tiết kiệm nhưng cũng rất tế nhị, khéo léo, biết tính cha thật nên bà không muốn can thiệp, phản đối ầm ào ngay trước mặt cha.

Cha tôi không chỉ thật thà mà ông còn rất chăm chỉ, giàu lòng tự trọng. Thời điểm không còn làm nghề đưa thư, cha quay về làm người nông dân “toàn phần". Ông làm việc không ngơi tay. Không chỉ nương ruộng của nhà, chỉ cần ai đó bỏ đất, bỏ vườn, ông đều tìm cách nhận lại để rào chắn, trồng trọt đủ thứ đậu, mè. Cha nuôi trâu, trồng rừng, xới ruộng cạn, cày ruộng sâu, bốn mùa quanh năm, cây con gì nhà cũng có đầy đủ.

Đến bây giờ điều khiến tôi tự hào về cha không chỉ vì tính cách, lối sống lành mạnh của ông, tôi còn kính trọng, ngưỡng mộ vì cách ông cư xử với người thân trong gia đình. Cha không bao giờ áp đặt, chì chiết nặng lời dù những việc mẹ làm khác ý ông. Trong nuôi dạy con cái cũng vậy, cách cha đồng tình hay phản đối một tình huống, sự việc luôn nhanh gọn, chừng mực, rõ ràng. Ông luôn dành ưu tiên cho sự thoải mái, tự do, tự quyết của mỗi người.

Bây giờ, khi thời gian trôi qua, bốn chị em tôi đều đã trưởng thành, trở thành những người cha người mẹ, điều lớn nhất mà tôi học hỏi được từ cuộc hôn nhân của cha mẹ là bài học về lòng tự trọng. Để có lòng tự trọng mỗi người hãy tự tạo giá trị bằng cách chăm chỉ, siêng năng làm việc mỗi ngày. Lòng tự trọng giúp người này không sa đà nhăn nhó, kiểm soát, kỳ vọng người kia. Mỗi người hãy luôn tự chịu trách nhiệm về những việc mình làm, lời mình nói.

Cha mẹ đã chỉ cho tôi thấy, điều tạo nên tài sản, của cải, tạo nên số phận mỗi người sẽ không phụ thuộc nhiều vào lời nói mà đến từ hành động. Chỉ có lối sống siêng năng, yêu lao động, không áp đặt người khác mới giúp tạo ra những kết nối bền vững cho một gia đình.

Theo phụ nữ TPHCM