Bố mẹ chồng tôi đều là người gốc Bắc nhưng theo ông bà vào Nam lập nghiệp những năm 1950. Mẹ chồng có thời gian dài sinh sống và học ở Sài Gòn, còn cha chồng cùng gia đình an cư ở Đồng Nai. Sau này ông bà lập nghiệp ở vùng đất Tánh Linh, Đức Linh, tỉnh Bình Thuận.
|
|
Cha mẹ tôi có tư duy tân tiến (ảnh tác giả cung cấp) |
Nắng gió, cát sỏi khô cằn vùng đất này vẫn không làm chùn bước ông bà. Cưới nhau từ đôi bàn tay trắng, kinh tế khó khăn nên ông bà làm đủ thứ nghề. Từ việc tiết kiệm ăn độn khoai sắn đến làm đậu hũ.
Ông thích trồng các loại cây ăn trái trong vườn để con cái ăn, bạn bè đến chơi sẽ được ăn nhiều loại quả khác theo theo mùa. Cùng là dân kinh tế mới, lại nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như K'Ho, Châu Ro... nên dân trong vùng đa phần đều có hoàn cảnh vất vả như nhau. Ông bà thường giúp đỡ hỗ trợ mọi người trên tình thần tương thân tương ái “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”.
Sau nghề làm đậu hũ, ông bà thay đổi rất nhiều nghề để vừa nuôi con vừa tiết kiệm. Đến năm 1994, cha mẹ tôi xây dựng ngôi nhà khang trang, đánh dấu một giai đoạn khá vất vả đã qua.
Có thể nói, ông bà làm việc luôn tay luôn chân và bắt kịp với sự thay đổi của từng giai đoạn để thích ứng và đảm bảo cuộc sống cho gia đình, lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Cả 2 quan niệm: Không đi học sẽ không có cơ hội vươn lên làm chủ cuộc đời trong tương lai cũng như không thể thoát được cảnh đói nghèo. Ông luôn chú trọng tập cho các con những kỹ năng sinh tồn, tự lập trong cuộc sống, biết giúp đỡ cha mẹ, anh em yêu thương nhau…
Trong mọi việc, ông bà luôn đồng lòng như câu “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”. Mẹ chồng tôi chia sẻ, nhiều lúc vất vả tưởng chừng như ngã quỵ, nhưng tinh thần lạc quan của ông đã vực bà dậy.
|
|
Cha mẹ tôi thời trẻ (ảnh tác giả cung cấp) |
Cha chồng tôi là người tinh tế, đam mê nghệ thuật, khéo tay trong việc vẽ, điêu khắc, trang trí, nhưng không giỏi thể hiện bằng lời nói ngọt ngào. Bà thẳng tính, hay sẵng lời, nên giữa ông bà thường xảy ra bất đồng. Nhưng sau tất cả, ông bà hiểu tình thương yêu, sự quan tâm lo lắng của người này với người kia. Điều cao hơn hết, niềm tin vào tương lai khiến ông bà luôn nhớ trách nhiệm, vai trò của mình với nửa còn lại.
Ông hay nói, sống với bà, ông chẳng biết buồn vì bà là người “ruột để ngoài da”, còn bà thì cho biết chính ông luôn tạo ra niềm vui, sự hài hước để giải tỏa những căng thẳng. Nhiều lúc thấy bà không vui hoặc đang bực bội đều gì đó, ông liền pha trò hài hước để bà bớt căng thẳng. Có khi ông “đổ dầu vào lửa” nhưng kèm nụ cười hiền nên cũng khiến bà nguôi ngoai. Bởi bà biết, ngoài kia bao sóng gió nhưng gia đình vẫn là nơi trú ngụ ấm áp và an toàn, và bà luôn có ông bên cạnh.
Cha mẹ chồng tôi có tư duy tân tiến, không gò bó ép buộc con cái theo quy tắc cứng nhắc. Theo ông bà, dù có quy tắc lễ nghi nhất định, nhưng mọi việc giải quyết sao cho linh động, vẹn nghĩa, thuận tình, miễn sao con cái sống vui vẻ, gia đình yêu thương nhau. Mỗi lần chúng tôi về thăm đều được ông bà truyền sự lạc quan, vui vẻ. Các con dâu rể học hỏi ông bà nhiều điều để giữ gìn gia đình.
Một điểm thú vị nữa là cha mẹ chồng tôi có cùng sở thích đi “phượt” bằng xe máy. Hơn 60 tuổi nhưng ông bà vẫn vượt trăm cây số đi thăm thú nơi này nơi kia, có khi thăm họ hàng, khi lại đến chơi cùng cháu con… Ông rất thích chụp ảnh, trên mỗi cung đường ông lại lưu giữ những tấm ảnh rất đẹp.
|
|
Cha mẹ tôi trong ngày kỷ niệm 45 năm ngày cưới (ảnh tác giả cung cấp) |
Những năm sau này, khi kinh tế và con cái đã ổn định, cha mẹ chồng tôi vẫn chăm chỉ làm việc để “vừa có tiền chợ, vừa có dư cho con cháu đi du lịch”. Mỗi năm, ông bà tổ chức một đến hai chuyến cho đại gia đình đi chơi. Nhìn con cháu quây quần vui vẻ là niềm hạnh phúc tuổi già của ông bà.
Cuối năm 2023, kỷ niệm 45 năm ngày cưới, ông bà tình tứ cùng nhau đi chụp ảnh làm kỷ niệm, trao lại cho nhau chiếc nhẫn cưới mà thuở hàn vi họ phải bán để sinh nhai…
Tay trong tay, trang phục chỉn chu, ông bà đã nhận rất nhiều lời chúc phúc của cháu con. Một cái kết đẹp cho tình yêu nồng đượm.
Theo phụ nữ TPHCM