leftcenterrightdel
 Ông bà đã cùng nhau qua 50 mùa mai tết (ảnh do tác giả cung cấp)

Cha mẹ tôi gặp nhau khi cả hai vừa tròn đôi mươi. Cha tôi mất mẹ sớm, là anh cả trong gia đình nên hết lớp đệ tứ (lớp 9) phải học nghề để có cái nghiệp mưu sinh. Cha tôi quen mẹ tôi do cậu tôi mai mối, vì cậu và cha cùng học nghề chung.

Lúc cha tôi tới hỏi cưới, ông bà ngoại không chấp nhận, bởi ông nội có 2 vợ, sợ sau này mẹ tôi khổ. Thế nhưng, cậu tôi diễn giải rằng ông sui mất vợ đầu mới đi tiếp vợ thứ hai thì ông bà ngoại mới xuôi cho cưới. Đây là kiểu tình yêu của những thập niên giữa thế kỷ XX trở về trước - phần lớn tình yêu được xây đắp sau khi đã là vợ chồng.

Mẹ tôi kể, cha tôi nước da trắng hồng, dù làm nghề thợ máy nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp thư sinh. Chiến tranh loạn lạc, có những giai đoạn mẹ phải một mình về sống nhờ bên ngoại (thuộc tỉnh Kiến Tường, hiện là tỉnh Tiền Giang) để chờ sinh con đầu lòng.

Năm chị Hai tôi 6 tuổi, mẹ tôi sinh anh trai kế, ông bà chuyển về Kiến Hòa (nay là tỉnh Bến Tre) để sinh sống ở quê nội. Lần lượt 2 anh trai và tôi ra đời, cuộc sống ngày càng khó khăn hơn. Ngoài trồng trọt trên phần đất ông bà cho, cha mẹ tôi đi làm thuê làm mướn để lo các con. Cha tôi ban ngày đi gặt lúa, đốn lá, đốn mía, bồi đất, cuốc mương… tối về vẫn cặm cụi sửa máy Kohler (một loại máy đuôi tôm mà xuồng ghe miền Tây Nam bộ thường sử dụng để di chuyển trong các con sông, rạch), với mong muốn các con đủ ăn đủ mặc. Mẹ tôi cũng tần tảo sớm hôm.

Tôi nhớ như in, khi việc thuê mướn ít lại, ông bà ở nhà nhiều hơn và gia đình rơi vào cảnh thiếu trước hụt sau, phải dè sẻn. Đến bữa cơm, cha mẹ tôi nhường thức ăn cho các con, nhưng dù chia thế nào, cha cũng dành phần cơm riêng cho mẹ.

Ông thường nói với bà: “Em ăn giùm anh phần cơm. Ít đi làm, anh ăn rau thấy ngon và khỏe, không sao đâu, thêm khoai, mì là đủ chất”.

Ông hay nói đùa, mẹ tôi là con gái "ông Thân" (mẹ tôi kể, trong vùng ông ngoại tôi sống thì danh xưng này để chỉ người giàu) nên không chịu nổi cơ cực, cha quen rau cháo nên dành phần cơm cho mẹ. Ông bà ta nói: “Đói ăn rau, đau uống thuốc” nên ăn rau được là tốt.

Thật ra, từ nhỏ đến lớn khẩu phần của mẹ thường chỉ cơm và thức ăn, vì bà không ăn được rau. Còn ba tôi đã bươn chải từ năm 12 tuổi nên luôn nhường món ngon cho vợ, sợ bà không đủ sức khỏe. Hằng ngày, ông thường dùng dầu xoa tay bóp chân tay cho bà, việc nặng nhọc ông đều gánh vác.

Ông bà chỉ thích sống ở quê bên nhau (ảnh tác giả cung cấp)
Ông bà chỉ thích sống ở quê bên nhau, chăm sóc nhau lúc trái gió trở trời (ảnh tác giả cung cấp)

Sự chịu thương chịu khó, hiền lành của cha mẹ tôi khiến bà con xóm giềng yêu mến. Họ còn ngưỡng mộ lối sống trên thuận dưới hòa, tình cảm nồng ấm của ông bà, nhất là cách xưng hô "anh - em" ngọt lịm... Vì vậy, xóm giềng, bà con họ hàng thường mời cha mẹ tôi làm đại diện mai mối trong lễ hỏi, lễ cưới... mong con cháu có cuộc hôn nhân trọn vẹn như ông bà.

Trong các “bài nói” của cha tôi khi đại diện hai họ, ông thường có lời khuyên: “Chén trong sóng còn khua”, thì đừng ngại “cái gì hư thì mình sửa” để cùng vượt qua những khó khăn, thử thách, nắm tay nhau sống đến tuổi già như ông bà”. Những dặn dò này được các đôi tân lang - tân nương nhắc nhở nhau trong đời sống vợ chồng.

Bây giờ ở tuổi gần 80, các con yên bề gia thất, cha mẹ tôi vẫn chọn sống ở quê, dù chỉ hai ông bà. Thỉnh thoảng, ông bà đến chơi với con cháu, nhưng đều nói: “Chỗ nào cũng không bằng nhà mình”.

Mỗi khi trái gió trở trời, "bộ máy hoạt động 80 năm" cũng hỏng hóc không chỗ này thì chỗ khác, ông bà lại tận tình chăm nhau. Cha tôi bảo: “Mẹ nấu ăn cha thấy ngon miệng, sẽ mau hết bệnh hơn ở nhà tụi bây!”. Còn khi bệnh, mẹ tôi luôn nói: “Cha mày hiểu ý mẹ hơn. Tắm rửa, giặt giũ sạch sẽ lắm!”.

Ông bà luôn tâm niệm chẳng cần giàu sang, chỉ cần “tương kính như tân”, đi cùng trời cuối đất có nhau trong yêu thương đúng nghĩa thì hôn nhân sẽ vững bền.

Dù thăng trầm bão giông hay nhẹ nhàng yên ả, tình yêu của cha mẹ luôn khiến mọi đứa con xúc động khi nghĩ tới.

Hãy kể, chia sẻ cùng Báo Phụ Nữ câu chuyện tình yêu thiêng liêngvà hành trình hạnh phúc của cha mẹ bạn...

Bài viết kèm hình ảnh có bản quyền xin gửi về địa chỉ: online@baophunu.org.vn. Tác phẩm được đăng sẽ nhận nhuận bút theo quy định của toà soạn.

Theo phụ nữ TPHCM