Cho đến tận hôm nay, gần đến ngày giỗ đầu của mẹ, tôi vẫn chưa thể chấp nhận việc mình đã mất mẹ vĩnh viễn. Đối với đứa con gái út thường phải sống xa mẹ như tôi, mẹ dường như vẫn đang ở quê nhà ngóng chờ tôi về như bấy lâu nay; vẫn ngày ngày quanh quẩn bên luống rau, tưới cây, nhổ cỏ trong vườn nhà… 

Tôi ít được sống gần mẹ mà việc mẹ qua đời đã khó chấp nhận như vậy thì với một người hơn 70 năm trời sống kề cận mẹ, đầu ấp tay gối, cùng chia sẻ niềm vui nỗi buồn với mẹ như bố tôi, việc đó càng khó chấp nhận hơn.

Vì thế, tôi thông cảm với nỗi đau âm ỉ trong lòng bố, tôi hiểu vì sao bố thích quanh quẩn bên mộ mẹ hơn là ở một mình trong căn nhà rộng thênh thang với giường nệm, chiếu chăn lạnh ngắt.

1.

Hôn nhân giữa mẹ và bố tôi thật lạ mà đẹp; một hình mẫu của tục tảo hôn xưa. Mẹ chính thức về làm vợ bố năm mẹ 16 tuổi, còn bố lúc ấy mới… 11 tuổi - một chú rể mà khi đi đón dâu còn ngủ gục trên lưng bố mình.

Tổ chức lễ đón dâu là cho đúng phong tục của làng quê, chứ thực ra mẹ tôi đã về nhà bố từ năm mẹ mới 11-12 tuổi. Lúc ấy, bố còn là cậu bé con nhà giàu chỉ mải chơi đùa, có khi mẹ còn phải chạy theo dỗ dành từng bát cơm.

Mẹ tôi ngày ấy là con nhà nghèo, được gia đình bố mướn về giúp việc, gọi là để cho… đỡ bát cơm nhà. Mẹ người nhỏ nhắn, trắng trẻo, xinh gái lại siêng năng, thạo việc do phải tập làm từ khi ba, bốn tuổi nên gia đình bố rất ưng ý.

Họ cưới mẹ về cốt cũng để có người gánh vác việc nhà. 11 tuổi, chẳng biết bố đã ý thức được gì về chuyện vợ con chưa thế mà bốn năm sau đó, mẹ sinh anh cả tôi. Rồi cứ vài năm, bố mẹ lại cho ra đời một đứa. Bảy đứa con lần lượt chào đời. Tôi là con gái út, sau còn cậu trai út kém tôi hai tuổi.

Thời mẹ tôi, những gia đình không có đất ruộng, quanh năm cày thuê cuốc mướn thường cho con đi ở đợ nhà giàu. Một người bác trong họ kể lại, năm mẹ tôi chào đời, cả làng lâm vào cảnh đói kém. Cả nhà ông bà ngoại cùng nhiều gia đình khác phải dắt díu nhau đi ăn xin. Cả xóm ăn xin túm tụm lại thành một làng ăn xin.

Trời rét như cắt, mẹ lúc ấy mới ba tháng tuổi, vừa đói vừa rét, khóc ri rỉ suốt đêm làm cả làng không ai ngủ được.

Chuyện này cứ diễn ra hằng đêm. Bà ngoại vì đói ăn, lại phải lang thang đi xin hằng ngày nên cạn sữa, không có sữa cho mẹ bú; nhà cũng chẳng có đường để quấy nước cơm, nước cháo, cứ lấy nước nhạt vậy cho mẹ uống. Cơ thể bé nhỏ của mẹ ngày càng gầy rộc, chỉ còn da bọc xương.

Đã có lúc ông ngoại nghĩ quẩn trước sau gì mẹ cũng chết, thôi thì thả mẹ trôi sông xem có ai vớt được thì vớt, chứ cứ để mẹ khóc ngằn ngặt như vậy làm phiền cả làng.

Khi ông ngoại quấn chặt mẹ trong tấm chăn rách mang ra sông thì người anh trai của mẹ, là bác tôi, lúc ấy cũng chỉ là một cậu bé ốm đói, đã khóc lóc, năn nỉ bố đừng thả em xuống sông tội nghiệp.

Bác hứa sẽ chăm em, dỗ em, không để em khóc. Mẹ cứ thế lay lắt sống dù vẫn ốm đói, dặt dẹo. Mẹ ít khóc hơn và nằm ngủ ngoan trên tay anh dù phải chịu đựng cái đói cồn cào.

Năm lên ba, mẹ bị gia đình bán cho một nhà địa chủ trong vùng. Do nhà họ cưới dâu về mãi mà vẫn không có con, họ mua mẹ tôi về để lấy may, mong con dâu nhà họ sớm có tin vui. Vậy mà họ cũng sinh con thật.

Thế nhưng từ ngày gia đình họ có con, mẹ tôi trở nên thừa thãi, họ tha hồ hành hạ mẹ. Bà chủ rất ác, mỗi lần mẹ làm gì không vừa ý, bà nện cả nắm tay lên đầu mẹ, dù đau đớn mẹ cũng không dám khóc.

Vì phải làm đủ mọi việc từ bé nên mẹ ngày càng giỏi giang, nhanh nhẹn, tháo vát. Năm mẹ lên sáu, chị cả của mẹ lấy chồng, sinh con, không ai trông con cho bà đi làm đồng nên bà xoay tiền trả lại cho nhà chủ để chuộc em về giữ con cho mình.

Vậy là cuộc đời mẹ lại rẽ sang khúc ngoặt mới. Thế nhưng nhà chị lại cũng không nuôi nổi em, con lớn một chút chị đành trả em về với bố mẹ. Khi đó, mẹ tôi được chín tuổi.

Như một định mệnh, ở với gia đình được hai năm, gia đình túng quẫn quá, mẹ lại được gửi đi ở cho một gia đình giàu có và đó là gia đình mẹ tôi đã gắn bó đến hết cuộc đời mình.

2.

Bố mẹ tôi gần gũi nhau từ khi cả hai còn bé, không rời xa nhau dù chỉ một ngày. Vậy mà năm bố 17 tuổi, khi có lệnh động viên thanh niên vào quân đội, bố dứt áo ra đi, để mẹ lại với nỗi cô đơn, trống trải. Cũng may bên mẹ còn có các con.

Một mình vừa nuôi con vừa tham gia công tác ở đội nữ du kích Hoàng Ngân. Mẹ cùng đồng đội vừa lo vót chông, phá đường vừa tổ chức xây dựng phương án đánh đồn, phá bốt. Mẹ và các nữ du kích tham gia rất nhiều trận đánh. Đội du kích Hoàng Ngân lúc bấy giờ trở thành nỗi ám ảnh của các đồn giặc trong vùng.

Một trong những đồng đội cũ của mẹ cho biết: “Bình thường chị em chúng tôi cũng làm tròn bổn phận người mẹ, người vợ trong gia đình, lo cày sâu cuốc bẫm, chăm lo con cái để chồng yên tâm đánh giặc, nhưng khi nhận được lệnh của trên, chúng tôi lại phân công nhau ai vào việc nấy để nắm tình hình, đưa thư cũng như bố trí, lên phương án đánh địch.

Có những trận đánh vào bốt giặc, trong khi chúng tôi phát loa tuyên truyền đối phương nhằm chiêu hàng thì địch trong bốt bắn thị uy. Đạn bay rào rào khắp chốn nhưng chúng tôi chẳng sợ. Niềm vui lớn nhất với chúng tôi sau mỗi trận đánh không chỉ là tin thắng trận mà chính là thấy đồng đội, anh chị em trở về đông đủ, khỏe mạnh…”. 

Sau 19 năm trong quân đội (bố tôi là lính Sư đoàn 66, cùng đơn vị với cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu), bố tôi rời quân ngũ, mẹ tôi cũng hoàn thành nhiệm vụ, hai người lại về bên nhau, tiếp tục những ngày quấn quýt bên nhau và bên con cháu. Suốt hơn 70 năm ấy, bố mẹ tôi chưa bao giờ to tiếng cãi nhau, đánh nhau như những cặp đôi khác.

Chuyện giận nhau thì gia đình nào chẳng có nhưng cứ giận là bố lầm lì bỏ đi chỗ khác, còn mẹ thì giận lắm cũng chỉ ngồi khóc cho đến khi nguôi. Tôi chưa thấy đôi nào gắn bó kiểu “nghiện” hơi nhau như bố mẹ tôi.

Dù đã ngoài 80, hai cụ vẫn thích ngủ chung giường, đắp chung chăn, mẹ gối đầu trên tay bố, ông bà thủ thỉ đủ chuyện cho đến khi cả hai cùng ngủ. Tôi sống xa nhà, mỗi lần về thèm được ngủ với mẹ, thường nài nỉ: “Bố cho con mượn mẹ một đêm nhé, chỉ một đêm thôi!”. 

Những ngày mẹ tôi ốm, bố là người khổ sở nhất. Cứ chốc chốc bố lại chạy ra chạy vào, bóp tay, sờ trán, hỏi han đủ thứ đến nỗi mẹ phát cáu. Mỗi lần ngồi bên mẹ, bố lại thầm thì vào tai: “Bà ơi, bà đừng bỏ tôi mồ côi bà nhé!”.

Vậy mà mẹ cũng đành bỏ chúng tôi mà đi. Dù biết sẽ có ngày này, dù đã chuẩn bị tinh thần nhưng cả nhà vẫn gần như suy sụp trước cái chết của mẹ. Tôi cứ có cảm giác như mình có lỗi mặc dù thời gian mẹ ốm, tôi đã bỏ hết công việc, bỏ cả gia đình để chạy ra chạy vào giữa hai miền Nam - Bắc.

Những ngày mẹ mới mất, bố cứ hết ôm đống chăn gối lại quanh quẩn ngoài mộ mẹ như cố tìm chút mùi hương còn sót lại. Có lúc bố ôm nấm mồ mà khóc một mình.

Nếu nói về những chuyện tình đẹp thì với tôi, chuyện tình bố mẹ tôi là đẹp nhất. Nó vừa mang dấu ấn tiêu biểu cho một giai đoạn lịch sử vừa là nét đẹp truyền thống của tinh thần trung với nước và sự chung thủy của tình nghĩa phu thê.

Theo phunuonline